Năm 2021: Giải bài toán nguồn cung cho thị trường bất động sản

Thùy Linh| 12/01/2021 14:28

(TN&MT) - Năm 2020 thị trường bất động sản đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá do thiếu hụt nguồn cung. Việc này bắt nguồn từ việc nhiều dự án phải rà soát lại về tính pháp lý. Nhiều chuyên gia cho rằng, sang năm 2021, nếu không tháo gỡ được “nút thắt” này, thị trường có thể sẽ xảy ra tình trạng tiêu cực.

Thị trường tăng giá bất thường

Báo cáo mới nhất của Công ty TNHH CBRE cho thấy, giá bán căn hộ trên thị trường sơ cấp trong quý IV/2020 được ghi nhận trung bình ở mức 1.412 USD/m2, tăng 3%/ năm. Toàn thị trường có khoảng 18.500 căn hộ bán được trong năm 2020, cao hơn lượng mở bán mới. Giá các dự án được mở bán mới cao hơn các dự án mở bán trước đây nhờ vào việc hoàn thiện các tiện ích và kết nối tốt hơn. Đáng lưu ý, các dự án cao cấp lần đầu được giới thiệu tại khu vực huyện Gia Lâm, quận Long Biên, thiết lập mặt bằng giá mới tại khu phía Đông. Đây là yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng trưởng giá của thị trường Hà Nội trong năm 2020.

CBRE Việt Nam dự báo, trong năm 2021, giá bán căn hộ tại Hà Nội trung bình tăng khoảng 4 - 6% so với năm 2020, được thúc đẩy bởi quá trình mở bán các dự án cao cấp tại vị trí đắc địa. Về nguồn cung, thị trường sẽ được cải thiện trong khoảng 24.000 - 26.000 căn, dự kiến mở rộng mạnh mẽ tới các khu vực dân cư mới, trong khi các khu vực đã phát triển tiếp tục nâng cấp định vị của mình. Do vậy, các dự án bình dân được dự báo sẽ ngày càng dịch chuyển ra xa khỏi khu vực đường Vành đai 3.

Ông Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2020 mặc dù nền kinh tế đối mặt với nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng giá bán bất động sản trên toàn thị trường Hà Nội tăng bất ngờ. Đơn cử, cách đây 2 năm, dự án chung cư thu nhập thấp đều chào bán với mức giá 12 - 14 triệu đồng/m2 thì nay đã tăng lên mức 16 - 17 triệu đồng/m2. Chung cư cao cấp đã tăng lên từ mức 30 - 35 triệu đồng/m2 lên 40 - 45 triệu đồng/m2.

Đối với thị trường đất nền ghi nhận mức tăng 30% so với thời điểm trước. Trong đó, một loạt dự án cũ ở phía Tây Hà Nội đã tăng vọt lên tới 70 triệu đồng/m2, gấp đôi so với đầu năm.

"Giá nhà tăng cao được lý giải là do vướng mắc về thủ tục pháp lý kéo dài, khiến nguồn cung khan hiếm. Nếu chúng ta không kiểm soát tốt, thì Việt Nam sẽ xảy ra tình trạng bong bóng. Giá ảo sẽ tạo nguy cơ đổ vỡ thị trường. Đó là điều rất nguy hiểm", ông Nguyễn Văn Đính, nhận định.

Năm 2020 thị trường bất động sản đã phải đối mặt với tình trạng tăng giá do thiếu hụt nguồn cung. Ảnh: Hoàng Minh

Nguồn cung sẽ được cải thiện

Tại cuộc họp báo cáo tổng kết của Bộ Xây dựng vừa diễn ra tại Hà Nội, Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng Tạ Quang Vinh cho biết, trong năm tới, Bộ sẽ tập trung giải quyết cơ bản nguồn cung thị trường để phục vụ nhu cầu về nhà ở cho người dân. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến việc hoàn thiện các chính sách, chương trình hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.

“Bộ sẽ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Chiến lược này sẽ đổi mới căn bản tư duy, chính sách phát triển nhà ở xã hội, bố trí đủ quỹ đất, bổ sung chính sách thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển nhà ở. Song song, hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách để thị trường bất động sản phát triển ổn định, khắc phục lệch pha cung - cầu. Trong đó, chú trọng khuyến khích phát triển sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu lớn của xã hội như: nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp” - ông Vinh nhấn mạnh.

Ngoài ra, để bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường trong năm tới, chương trình cải tạo chung cư cũ cũng sẽ được tháo gỡ các điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, quy hoạch... Bộ Xây dựng sẽ kiến nghị Chính phủ ban hành cơ chế đặc thù riêng cho TP. Hà Nội và TP.HCM.

Trước mắt, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu các địa phương phải ưu tiên việc kiểm tra, rà soát, đánh giá an toàn chịu lực nhà ở và công trình công cộng cũ, nguy hiểm tại đô thị; hoàn thành việc lập, phê duyệt, công bố kế hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn...

Sau đó, lập quy hoạch, phê duyệt, công bố quy hoạch xây dựng phân khu 1/2000, quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực, dự án có nhà chung cư cũ làm cơ sở để triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại; nghiên cứu, ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích hỗ trợ đầu tư xây dựng và việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi thực hiện dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư; chủ động tạo lập quỹ nhà, quỹ đất để bố trí tái định cư, bố trí tạm cư và tổ chức di dời các hộ gia đình đang sinh sống tại nhà chung cư cũ thuộc diện nguy hiểm.

Theo Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, tại Hà Nội, trong năm 2020 giá căn hộ cao cấp tăng 0,5%, chung cư tăng từ 2 - 3%, đất nền tăng 5 - 10%.  Tại TP. HCM mức tăng cao hơn Hà Nội trong đó chung cư tăng 5%; đất nền tăng 15%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2021: Giải bài toán nguồn cung cho thị trường bất động sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO