Mường Ảng (Điện Biên): Thiếu "bài toán" chất lượng nguồn lực ngành TN&MT

17/11/2017 00:00

(TN&MT) - Đánh giá thực trạng chất lượng nguồn nhân lực ngành TN&MT huyện Mường Ảng, tỉnh Điện Biên hiện đang rất thiếu và yếu cả về mặt số lượng cũng như chất lượng. Tuy nhiên, đến nay địa phương vẫn chưa có bài toán để khắc phục hạn chế này.

Theo thống kê hiện trên địa bàn huyện Mường Ảng có 9 xã, 1 thị trấn, thì đều được bố trí ít nhất từ 1 – 3 cán bộ phụ trách lĩnh vực địa chính – xây dựng. Được biết, từ trước năm 2016, mỗi xã, thị trấn chỉ có từ 1 – 2 cán bộ phụ trách. Song vừa qua, Dự án 600 tri thức trẻ làm Phó chủ tịch xã 62 huyện nghèo trong cả nước đã kết thúc vào tháng 6/2017, một số xã của huyện Mường Ảng được thụ hưởng Dự án có cán bộ dôi dư nên được bố trí phụ trách mảng địa chính - xây dựng.

Còn đối với cán bộ Phòng TN&MT huyện Mường Ảng, hiện có 6 cán bộ làm công tác quản lý và phụ trách chuyên môn. Như vậy, theo chỉ tiêu biên chế giao thì số lượng cán bộ trong ngành đã được bố trí đủ, thậm chí một số xã thừa 1 cán bộ. Mặc dù vậy, theo ý kiến ông Phạm Văn Triệu - Trưởng Phòng TN&MT Mường Ảng, phòng chuyên môn của huyện chỉ được bố trí 6 cán bộ, nhưng nhu cầu thực tế thì cần khoảng 8 người mới có thể đảm bảo khối lượng và tiến độ công việc.

Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng Phòng TNMT huyện Mường Ảng
Ông Phạm Văn Triệu, Trưởng Phòng TNMT huyện Mường Ảng

Khi đánh giá về thực trạng chất lượng cán bộ ngành TN&MT huyện hiện nay, ông Phạm Văn Triệu cho rằng, còn tồn tại rất nhiều hạn chế, yếu kém. Đặc biệt,đội ngũ cán bộ địa chính – xây dựng cấp xã. Nếu xét riêng về bằng cấp khi thi tuyển công chức thì hầu như đáp ứng đến 80% có trình đại học, cao đẳng, còn lại là trung cấp. Các chứng chỉ, chứng nhận khác phục vụ quá trình công tác, làm chuyên môn hầu như công chức đảm bảo 100%.

Thực tế bằng cấp chuyên môn là vậy, nhưng khi bắt tay vào công việc mới bộc lộ nhiều hạn chế. Đa phần cán bộ thiếu và yếu kỹ năng vận dụng kiến thức chuyên môn vào công việc, hạn chế nhận thức, hiểu biết pháp luật, thiếu kỹ năng tổ chức thực hiện nhiệm vụ, vận dụng, thực thi công việc…

Đối với cán bộ cấp phòng, hiện rất thiếu cán bộ chuyên môn chất lượng cao, thực hiện nhiện vụ vẽ, đo đạc bản đồ. Trong khi yêu cầu đôi với tất cả cán bộ nên biết kỹ năng cơ bản về vẽ và đo đạc bản đồ, nắm cơ bản các Luật Đất Đai, Luật Bảo vệ môi trường…

Nguyên nhân thực trạng yếu và thiếu cán bộ chất lượng cao phục vụ ngành TN&MT địa phương, ông Phạm Văn Triệu cho rằng, trước tiên là từ khâu đào tạo. Năng lực đào tạo của các trường, các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp mới chỉ đáp ứng được một phần nhu cầu nguồn nhân lực cho xã hội và cho ngành. Mất cân đối trong quá trình đào tạo giữa các lĩnh vực như lĩnh vực đất đai, môi trường đào tạo nhiều hơn nhu cầu, trong khi đó các lĩnh vực còn thiếu hụt hoặc chưa có chuyên ngành đào tạo như: khí tượng, thủy văn, đo đạc và bản đồ, biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát triển đa dạng sinh học…

Một hạn chế nữa là hầu hết thiếu các thiết bị, dụng cụ phục vụ công tác chuyên môn, như: máy định vị GPS cầm tay, máy toàn đạc điện tử phục vụ đo đạc bản đồ… Do đó, hạn chế kỹ năng sử dụng thiết bị, máy móc phục vụ công việc

Ngoài ra, địa phương khi tuyển dụng nhân sự, chưa chú trọng về chất lượng, năng lực cán bộ mà dường như tuyển dụng để đảm bảo vị trí, số lượng. Mặt khác, bản thân người cán bộ khi được tuyển dụng vào làm việc chưa chủ động trau dồi kiến thức chuyên môi, nghiên cứu, học hỏi nâng cao tay nghề, chưa kể những cán bộ khi tuyển dụng, sắp xếp công việc không đúng chuyên ngành học rất dễ có tâm lý chán nản, mệt mỏi, thiếu tinh thần làm việc.

Trước thực trạng nêu trên, ngành TN&MT huyện lại chưa có giải pháp nào khắc phục lỗ hổng chuyên môn cho cán bộ. Thời gian qua, mặc dù địa phương có cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao chuyên môn, tuy nhiên chỉ được số ít và chưa toàn diện. Giải pháp trước mắt là và cơ bản nhất là cần sự chủ động của cá nhân mỗi cán bộ tự trau dổi, nghiên cứu nâng cao chuyên môn. 

Nam Hương

 

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mường Ảng (Điện Biên): Thiếu "bài toán" chất lượng nguồn lực ngành TN&MT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO