Gần đây, tại một số địa phương như TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỉnh Khánh Hòa… đã kịp thời chỉ đạo Sở Xây dựng cập nhật thông tin về các dự án bất động sản đủ điều kiện để bán; tình trạng các dự án đang bị thế chấp. Người mua nhà có thể tìm kiếm thông tin về dự án bất động sản một cách chính thống từ phía cơ quan quản lý.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, nhiều địa phương chưa thực hiện đầy đủ quy định này. Thậm chí, còn công bố thiếu thông tin về các dự án đang mở bán trên địa bàn dẫn đến việc chủ đầu tư tự ý huy động vốn của người mua nhà khi dự án chưa đủ điều kiện để bán.
Mới đây, huyện Quốc Oai và Thạch Thất (Hà Nội) đã xuất hiện tình trạng nhiều dự án được chào bán với mức lãi suất hấp dẫn. Tuy nhiên, đây chỉ là những dự án “ma”, được một số đối tượng “vẽ” ra để lừa bán cho người dân.
Đơn cử, theo quảng cáo của các đơn vị môi giới, dự án khu đô thị Tiến Xuân (xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất) có diện tích 1ha, được phân 70 lô liền kề, chào bán mức giá 9 triệu đồng/m2. Sau khi hoàn thiện, chủ đầu tư cam kết sẽ làm sổ đỏ cho người mua nhà. Tuy nhiên, xác nhận với báo chí, chính quyền xã Tiến Xuân khẳng định dự án không có thật.
Việc công khai thông tin về các dự án bất động sản còn chậm trễ. |
Còn dự án Hòa Lạc Lake View (xã Bình Yên, Thạch Thất) cũng được rao bán, quảng cáo rầm rộ. Theo xác nhận của lãnh đạo xã Bình Yên, phần lớn đất của dự án này vẫn là đất vườn đang trồng cây lâu năm, không phải đất dự án phân lô bán nền. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, các đơn vị môi giới vẫn quảng cáo, dẫn khách đến xem rất rầm rộ.
“Tâm lý đầu tư theo kiểu ăn sổi, đua nhau lướt sóng để kiếm lời khiến các nhà đầu tư không tỉnh táo. Một mảnh đất không được đầu tư xây dựng hạ tầng, chưa giải phóng xong mặt bằng nhưng vẫn được người mua nhà ào ào xuống tiền. Vừa qua, chứng kiến sự đổ vỡ của công ty Alibaba, các nhà đầu tư mới thực sự tỉnh ngộ. Các dự án đất nền tại nhiều địa phương đã hạ nhiệt, giao dịch trầm lắng. ”- ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản phân tích.
Cũng theo ông Đính, từ những vụ việc này, cần rút ra bài học là chính quyền phải có trách nhiệm kiểm soát chặt chẽ, công khai cho người dân biết về thông tin các dự án đầu tư, quy hoạch phát triển đất đai…
Trao đổi với PV Báo Tài nguyên và Môi trường, đại diện Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, các trường hợp chủ đầu tư thu gom đất, “vẽ” ra dự án để bán cho dân là sai pháp luật. Hành vi này cần phải được xử lý nghiêm. Trường hợp chủ đầu tư lừa đảo, cố tình vi phạm, gây hậu quả nghiêm trọng thì phải bị xử lý hình sự theo quy định.
Để khắc phục tình trạng làm trái pháp này, chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan cần phải thường xuyên tăng cường công tác quản lý đất đai trên địa bàn, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các dự án bất động sản để kịp thời ngăn chặn các trường hợp vi phạm pháp luật và phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Chúng tôi cũng khuyến cáo khi muốn đầu tư, muốn mua bất động sản phải thận trọng và xem xét kỹ tính pháp lý của dự án để tránh rủi ro có thể gặp phải. Trường hợp không biết dự án đã đủ tính pháp lý hay chưa thì cần nhờ công chứng, luật sư, môi giới bất động sản chuyên nghiệp hỗ trợ để bảo đảm việc mua bán đúng pháp luật, tránh rủi ro có thể xảy ra.” – vị này nhấn mạnh.