190 nghìn ha đất đang bị lấn chiếm
Theo Bộ TN&MT, tính đến hết tháng 7/2019, tổng số công ty nông, lâm nghiệp và chi nhánh sau rà soát là 246 công ty với diện tích giữ lại là 1.868.538 ha, tại 45 tỉnh, thành phố.
Trong đó, đất giao, khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn, chiếm là 245.787 ha, chiếm 13,15% tổng diện tích dự kiến giữ lại. Riêng diện tích đất đang có tranh chấp, lấn, chiếm (thực tế doanh nghiệp không quản lý được đất) là 56.669 ha, chiếm 3,03%.
Về hình thức giao đất, có 1.007.386 ha, chiếm 53,91% tổng diện tích dự kiến giữ lại là đất đang sử dụng theo hình thức giao đất, Nhà nước không thu tiền sử dụng đất. Số đất đang sử dụng theo hình thức thuê đất, trả tiền hàng năm là 706.575 ha, chiếm 37,81%. Còn lại là 154.576 ha đất đang sử dụng nhưng chưa lập hồ sơ giao đất, thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất.
Hành vi lấn chiếm đất đai dẫn đến quản lý trở nên hỗn loạn ở nhiều địa phương |
Diện tích dự kiến các công ty nông, lâm nghiệp bàn giao về địa phương để quản lý, sử dụng là 463.088 ha. Trong đó, đất giao khoán, liên doanh liên kết, cho thuê, mượn, đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 267.445 ha, chiếm 57,75% tổng diện tích dự kiến bàn giao. Riêng đất đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 133.800 ha, chiếm 28,89% tổng diện tích dự kiến bàn giao.
Như vậy, tổng số diện tích đất nông, lâm nghiệp đang có tranh chấp, bị lấn chiếm là 190.469 ha. Mặc dù, con số này có dấu hiệu sụt giảm, tuy vậy, tính chất các vụ việc lấn chiếm đất đai diễn ra khá phức tạp.
Cần xử lý nghiêm
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Đính - Tổng Thư ký Hiệp hội Môi giới Bất động sản nhận định, thực tế cho thấy, hành vi lấn chiếm đất đai là rất nặng nề dẫn đến việc quản lý trở nên hỗn loạn ở nhiều địa phương như Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang… Nhiều nơi còn ngang nhiên xẻ đất, xẻ rừng, phân lô, bán nền không theo quy hoạch, không có chủ trương của các cơ quan quản lý Nhà nước gây ra hậu quả thất thoát hàng nghìn tỷ đồng. Hệ quả là hàng nghìn tỷ đồng đã bị sử dụng sai mục đích.
“Quản lý đất đai tại các địa phương đang diễn ra rất lộn xộn, dẫn đến các đối tượng tham gia thị trường hoạt động tự do. Nghị định 91 ra đời là rất cần thiết cho thị trường bất động sản và nó cũng giúp các bên tuân thủ pháp luật. Nghị định này sẽ tạo tác động kép đến sự phát triển của thị trường” - ông Đính nhấn mạnh.
Theo đánh giá của luật sư Đoàn Duy Phương - Chủ tịch Công ty Luật HN, Nghị định 91 đã quy định chi tiết hơn về các hành vi vi phạm. Việc này sẽ giúp cơ quan thực thi pháp luật dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, cũng bổ sung thêm một số hành vi vi phạm đến mức bị xử lý cũng rõ ràng hơn. Đồng thời, cũng có thêm các hình phạt bổ sung để tăng tính răn đe. Tuy vậy, điều quan trọng hơn cả là sự nghiêm túc của chính quyền địa phương và cụ thể là những cán bộ giám sát và xử lý vi phạm hành chính.
"Chúng ta phải đặt ra nhiệm vụ thực thi pháp luật lên trên hết. Nếu như không xử lý nghiêm, không xử lý đúng thì các hành vi vi phạm sẽ tiếp tục”, ông Phương chia sẻ.
Theo Nghị định 91/2019 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Chính phủ ban hành, hành vi lấn, chiếm đất sẽ bị phạt đến 1 tỷ đồng.
Trong đó, phạt 2 - 70 triệu đồng với đất chưa sử dụng tại nông thôn, tuỳ từng diện tích. Lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất tại khu vực nông thôn mức xử phạt 5 - 150 triệu đồng, tuỳ mức độ lấn chiếm. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp thì mức phạt có thể lên tới 500 triệu đồng. Còn nếu là đất nông nghiệp, phi nông nghiệp tại đô thị mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng, song tối đa không quá 500 triệu đồng đối với cá nhân, không quá một tỷ đồng đối với tổ chức.
Mức này tăng mạnh so với quy định hiện hành khi phạt chỉ dao động 1 - 10 triệu đồng và không phân cấp cụ thể mức độ lấn chiếm.
Theo PGS. TS Hoàng Văn Cường - Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội nhận định, có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất đai. Nhưng nguyên nhân sâu xa là do Nhà nước chưa có biện pháp quản lý đất đai một cách có cơ sở khoa học. Do đó, trong lần sửa đổi Luật Đất đai lần này, các cơ quan quản lý cần tập trung giải quyết vào vấn đề quản lý đất đai. Đồng thời, xác định cụ thể cơ chế tài chính để mang lại nguồn thu tương xứng cho ngân sách đối với phần diện tích đất các công ty nông, lâm nghiệp đang nắm giữ.
“Nhà nước nên có sự quan tâm riêng để tiếp tục hoàn thiện cơ sở pháp lý gắn với quản lý thị trường bất động sản theo hướng tạo sự ổn định. Đồng thời, bổ sung cơ chế xử lý các chế tài cho các vi phạm. Và các quy trình cần công khai, minh bạch. Các cơ quan quản lý cũng cần tổ chức thanh, kiểm tra để tiếp cận vấn đề kịp thời. ”- ông Cường khuyến nghị.