Loại bỏ rác thải nhựa vì tương lai bền vững: Rác thải nhựa - Gánh nặng tương lai

Mai Chi| 21/09/2021 11:02

(TN&MT) - tương lai Rác thải nhựa không còn là mối đe dọa... trên giấy, mà đã thực sự ảnh hưởng, tác động trực tiếp, mạnh mẽ đến chất lượng cuộc sống, sức khỏe con người cùng các loài sinh vật khác. Là 1 trong 5 quốc gia (được chọn nghiên cứu) có lượng rác thải nhựa lớn, Việt Nam đã có rất nhiều chương trình, hành động để bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa nhưng hiệu quả chưa cao. Vì vậy, hơn bao giờ chúng ta cần sự chung tay của cộng đồng để giảm thiểu lượng tác thải nhựa ra môi trường

Nguy cơ khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu

Báo cáo của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc cho biết, mỗi năm, thế giới sử dụng khoảng 500 tỷ túi nhựa, 13 triệu thùng dầu để sản xuất nhựa. Hơn một nửa trong số đó là những sản phẩm nhựa dùng một lần và sẽ bị vứt bỏ ra môi trường, phải mất từ 400 - 1.000 năm mới có thể phân hủy.

Đứng trước những hiểm họa đang xâm hại nghiêm trọng tới đời sống, Liên Hợp Quốc đã kêu gọi cộng đồng các nước thực hiện các biện pháp mạnh để hạn chế sản xuất và sử dụng đồ nhựa. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nước Anh quy định thu phí khi sử dụng túi ni lông. Sau 5 năm áp dụng lượng túi nhựa dùng một lần được tiêu thụ trong các chuỗi siêu thị lớn ở Anh đã giảm hơn 95%. Còn Thái Lan, từ đầu năm 2020 đã ban hành lệnh cấm các loại túi ni lông dùng 1 lần tại các cửa hàng lớn. Bên cạnh đó, Thái Lan đã giảm hạn ngạch nhập khẩu rác nhựa từ vài trăm nghìn tấn xuống còn 70 nghìn tấn và chỉ cho phép nhập nhựa tốt, có thể tái chế; đẩy mạnh xử lý các nhà máy tái chế nhựa trái phép. Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Thái Lan Varawut Silpa-Archa cho biết, trước đây Thái Lan từng đứng thứ 6 trên thế giới về lượng rác thải đổ ra biển. Tuy nhiên, trong 5 tháng vừa qua, nước này đã tụt xuống thứ 10 nhờ những nỗ lực như trên.

Các quốc gia còn lại cũng đưa ra những hành động giảm rác thải nhựa. Chính phủ Indonesia cam kết dành 1 tỷ USD/năm để giảm 70% lượng rác thải nhựa trên biển trước năm 2025. Tại Philippines, dù vẫn chưa có lệnh cấm sử dụng túi nhựa trên toàn quốc, nhưng chính quyền một số địa phương bắt đầu kiểm soát việc sử dụng túi nhựa.

Cần sự chung tay của cộng đồng để giảm thiểu lượng tác thải nhựa ra môi trường. Ảnh: MH

Hành động vì một Việt Nam không rác thải nhựa

Đối với Việt Nam, là một trong những quốc gia có lượng rác thải nhựa xả ra biển nhiều nhất trên thế giới. Trong số 20 quốc gia được nghiên cứu, khối lượng rác thải nhựa từ Việt Nam ra biển Việt Nam xếp thứ 5.  Theo Hiệp hội Nhựa Việt Nam, năm 2015, Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ đến 5 triệu tấn nhựa. Lượng tiêu thụ tăng rất mạnh trong giai đoạn 1990 - 2018, nếu như năm 1990, mỗi người Việt Nam tiêu thụ 3,8kg nhựa/năm thì đến năm 2018 con số này đã lên đến 41,3kg nhựa/năm.

Điều đáng nói, chỉ có 10% lượng rác thải nhựa ở Việt Nam được đem đi tái chế, còn lại 90% lượng rác thải nhựa sẽ bị chôn lấp, đốt, hoặc thải trực tiếp ra môi trường. Trong đó, các phương pháp chủ yếu đang được dùng để xử lý rác thải nhựa như chôn lấp, đốt rác thải nhựa làm sản sinh ra chất  dioxin (chất da cam) gây biến đổi gen, mang đến nhiều nguy hiểm cho con người và sinh vật, ảnh hưởng đến diện tích đất, và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, làm ô nhiễm đất, ô nhiễm nguồn nước ngầm… Một lượng đáng kể chất thải nhựa được tái chế tại các làng nghề Việt Nam, như Trung Văn, Tân Triều, Tiên Dược (Hà Nội) và Minh Khai (Hưng Yên) nhưng tại các làng nghề này, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt là các nguồn nước mặt…

Để giải quyết vấn đề rác thải nhựa, đặc biệt trong bối cảnh tác động, ảnh hưởng của rác thải nhựa ngày càng gia tăng, Việt Nam cùng với 126 quốc gia khác thông qua Nghị quyết Hội đồng Môi trường Liên Hợp Quốc về chất thải nhựa và vi nhựa đại dương. Tại Hội nghị thượng đỉnh G7 mở rộng tổ chức ở Canada, Thủ tướng Chính phủ đã cam kết hành động cũng như kêu gọi hợp tác toàn cầu trong việc giải quyết vấn đề rác thải nhựa trên biển… Mới đây, ngày 16/8/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương.

Chính phủ Việt Nam cũng khẳng định quyết tâm, nỗ lực trong cuộc chiến giảm thiểu rác nhựa bằng việc thông qua Luật Bảo vệ môi trường 2020; ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030; Phát động phong trào chống rác thải nhựa trên phạm vi toàn quốc…

Với nhiều chính sách, hành động cụ thể, phương thức sản xuất và thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy ở Việt Nam đã có chuyển biến. Đến nay, các tập đoàn sản xuất, phân phối bán lẻ lớn đã hình thành các Liên minh chống rác thải nhựa, Liên minh tái chế bao bì Việt Nam với 40 doanh nghiệp lớn như: TH Group, Coca-Cola, La Vie, Nestle, Nutifood… tham gia vào các chương trình tái chế rác thải nhựa. Thỏa thuận thiết lập hợp tác công - tư về xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam đã được nhiều đơn vị tham gia thực hiện.

Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, để cuộc chiến chống rác thải nhựa tiếp tục phát huy hiệu quả, tiến tới mục tiêu đến năm 2025 cả nước không sử dụng đồ nhựa dùng một lần như lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc quản lý chất thải nhựa là vấn đề phải thực hiện quyết liệt, thường xuyên, đồng bộ, thống nhất và có sự chung tay của nhiều cấp, nhiều ngành, của người dân, doanh nghiệp cùng toàn xã hội. Theo nhận định của Tổ chức Ocean Conservancy và McKinsey, bây giờ vẫn chưa quá muộn để chúng ta cùng nhau hành động vì một hành tinh không rác thải nhựa. Nếu các quốc gia đang dẫn đầu về việc xả rác thải nhựa ra biển bắt đầu hành động ngay từ hôm nay, các nước này có thể giảm được tới 65% lượng rác thải trước năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loại bỏ rác thải nhựa vì tương lai bền vững: Rác thải nhựa - Gánh nặng tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO