Ngư dân gom rác “giải cứu” âu thuyền
Một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là việc ngư dân trên các tàu cá vứt rác bừa bãi xuống mặt nước, nhất là các loại bao ni lông khó phân hủy, chai nhựa, hộp xốp đựng cơm...
Trước thực trạng này, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, Tổ công tác Biên phòng cảng cá Thọ Quang, Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang phối hợp triển khai vận động ngư dân thu gom, bỏ rác trên tàu vào bao hoặc thùng đựng rồi bàn giao rác cho Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang để nhận phiếu thu gom rác thải, một trong những loại giấy tờ cần và đủ khi làm thủ tục xuất bến để ra khơi khai thác hải sản.
Theo đó, trong thời gian sinh hoạt tại âu thuyền, các chủ phương tiện và các thuyền viên phải thu gom rác bỏ vào túi. Trên bờ lúc nào cũng có lực lượng cân, thu gom và cấp phiếu chứng nhận đã nộp rác. Những tờ phiếu này được ngư dân cất cẩn thận, bởi Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang sẽ không cho phương tiện xuất bến nếu thiếu “bảo bối” này.
Ngư dân Phan Văn Định, thuyền trưởng tàu QNg 98308 TS cho biết, những biện pháp và chế tài quyết liệt nêu trên của các đơn vị chức năng đã khiến các ngư dân ý thức không xả rác, nước thải xuống khu vực âu thuyền.
“Trước đây, chúng tôi có thói quen ăn uống xong là vứt bừa bãi hộp cơm, chai nhựa đựng nước, vỏ lon nước ngọt, vỏ lon bia... xuống âu thuyền. Bây giờ, chúng tôi nhắc nhở lẫn nhau hễ trên tàu có rác thì đều bỏ vào bao đựng và giao lại cho đơn vị quản lý cảng cá Thọ Quang” - anh Định chia sẻ.
Đặc biệt, một số chủ tàu cá không chỉ hưởng ứng việc thu gom rác trong thời gian cập cảng cá và neo đậu trong âu thuyền Thọ Quang mà còn tích cực thu gom các loại rác trong suốt thời gian đánh bắt trên biển, bỏ vào các bao rồi giao lại cho Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang khi về bờ.
Việc thu gom rác được ngư dân hưởng ứng tích cực |
Sẽ duy trì thường xuyên
Theo ông Phạm Trung Thành, Phó Trưởng Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, việc vận động ngư dân thu gom rác đổi lấy phiếu xuất bến được triển khai từ đầu năm 2021. Thời gian gần đây, cảng cá phải dừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên bị tạm dừng. Sau thời gian dài triển khai, điều quan trọng nhất là đã nâng cao ý thức trách nhiệm của ngư dân đối với vấn đề bảo vệ môi trường.
Giờ đây, trong những ngày đánh bắt trên biển, ngư dân hình thành thói quen để tất cả rác thải vào thùng hoặc bao tải và ngay khi cập bến đem nộp cho lực lượng thu gom. Người nọ nhìn người kia để cùng nâng cao ý thức, coi việc thải rác xuống biển như một hành vi phản cảm. Nhiều ngư dân còn tích cực thu gom rác thải trên biển bỏ vào bao rồi giao lại cho Ban Quản lý âu thuyền.
“Việc xả rác bừa bãi xuống âu thuyền đã ăn sâu vào thói quen của ngư dân nên cũng phải thay đổi từ từ. Qua một thời gian triển khai cho thấy, khối lượng rác ni lông, hộp xốp, chai nhựa... xả thải xuống âu thuyền đã giảm nhiều so với trước, giúp cải thiện môi trường và cảnh quan trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì cách làm này” - ông Thành cho hay.
Ngoài việc vận động ngư dân thu gom rác, các đơn vị chức năng cũng tăng cường kiểm tra và lập biên bản, xử phạt các hành vi xả chất thải ra môi trường (xả dầu thải xuống âu thuyền). Cùng với việc tuyên truyền giữ gìn vệ sinh môi trường cho người dân, ngư dân và các chủ tàu đánh cá, hoạt động dọn dẹp rác khu vực vỉa hè, trên mặt nước… của các công nhân Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) - Chi nhánh miền Trung thì việc “đổi” rác lấy “giấy xuất bến” đang giúp cho môi trường biển ở Thọ Quang sạch lên từng ngày, từng giờ.
Theo Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, tính từ đầu năm đến tháng 6/2021, đơn vị đã tiếp nhận hơn 4,5 tấn rác do các chủ tàu giao nộp; đồng thời cũng giao cho chủ tàu hàng ngàn phiếu thu gom rác có ghi rõ khối lượng rác đã giao nộp. Chủ tàu cầm phiếu này cùng với các loại giấy tờ làm thủ tục xuất bến tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Mân Quang để ra khơi khai thác hải sản.