Tham gia Hội thảo có đại diện các Bộ, ban, ngành Trung ương; đại diện Lãnh đạo UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các sở, ban ngành liên quan và đại diện một số quận, huyện, thị xã, thành phố của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết: Luật Đất đai là đạo luật rất quan trọng, tác động trực tiếp đến mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh của đất nước nói chung, của từng địa phương nói riêng. Ngày 16/6/2022, tại Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.
Để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong tình hình mới, Quốc hội đã đưa dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 tại Nghị quyết số 50/2022/QH15 ngày 13/6/2022. Chính phủ đã giao Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương tổng kết thi hành Luật Đất đai năm 2013 và xây dựng dự án Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, căn cứ kết quả tổng kết thực tiễn và nghiên cứu, thể chế hóa Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII, Bộ TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương hoàn thiện nội dung dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Hiện nay, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Bộ TN&MT đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử của Bộ TN&MT để lấy ý kiến rộng rãi của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và gửi các Tỉnh ủy, Thành ủy; HĐND, UBND cấp tỉnh để lấy ý góp ý đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi và thảo luận các vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thu hồi đất; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; các khoản thu tài chính từ đất đai được bổ sung; việc mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, vấn đề tập trung, tích tụ đất đai; các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm….
“Chúng tôi tin tưởng rằng với tâm huyết và tinh thần trách nhiệm cao, các đại biểu sẽ có nhiều ý kiến phát biểu đóng góp hoàn thiện các nội dung quy định trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) phù hợp chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 18-NQ/TW và phù hợp với tình hình thực tiễn. Luật Đất đai được ban hành phải thực sự mang hơi thở của cuộc sống; giải quyết được hài hoà lợi ích của Nhà nước, lợi ích của người sử dụng đất và lợi ích của nhà đầu tư; bảo đảm khai thác bền vững tài nguyên, tài sản đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường” – Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Báo cáo tại Hội thảo, bà Đoàn Thị Thanh Mỹ, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai cho biết: Về cơ bản, bố cục của Dự thảo Luật được sắp xếp như Luật Đất đai hiện hành, tăng thêm 02 chương (bổ sung thêm 01 chương quy định về phát triển quỹ đất và tách chương thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thành 02 chương). Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 237 điều, trong đó giữ nguyên 48 điều; sửa đổi, bổ sung 153 điều; bổ sung mới 36 điều và bãi bỏ 08 điều.
Bà Đoàn Thị Thanh Mỹ cũng đã trình bày những điểm mới của Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và đề nghị các đại biểu tham dự Hội thảo tập trung thảo luận, cho ý kiến từ thực tế của từng địa phương, từng ngành.
Tại Hội thảo, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo UBND các tỉnh, thành phố; lãnh đạo các Sở TN&MT... đã phát biểu nhiều ý kiến đồng tình, đánh giá cao đối với Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Trong đó, nhiều ý kiến về các vấn đề thực tế tại các địa phương khu vực miền Nam đã được Bộ TN&MT tiếp thu đưa vào dự thảo Luật. Ngoài ra, các đại biểu cũng đã nhiệt tình đóng góp nhiều ý kiến để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ đề nghị cần bổ sung Điều 211 về điều kiện thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp quyền sử dụng đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Theo Dự thảo thì người sử dụng đất được thực hiện các quyền trên khi có Giấy chứng nhận; đất không có tranh chấp; đất không bị kê biên để đảm bảo thi hành án; trong thời hạn sử dụng đất.
Tuy nhiên, theo ông Dương Tấn Hiển, trong thực tế có nhiều trường hợp người sử dụng đất đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là đất nông nghiệp nhưng lại xây dựng nhà ở và tiếp tục chuyển quyền sử dụng đất cho người khác. Trường hợp này, người sử dụng đất đã sử dụng không đúng mục đích theo Giấy chứng nhận đã cấp nhưng về điều kiện để thực hiện các quyền thì không có quy định phải sử dụng đất đúng mục đích nên cơ quan có thẩm quyền không có cơ sở từ chối giải quyết hồ sơ của người sử dụng đất.
Do đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP. Cần Thơ Dương Tấn Hiển đề nghị bổ sung điểm d khoản 1 Điều 211 của Dự thảo “Sử dụng đất đúng mục đích theo Giấy chứng nhận đã cấp” để đảm bảo nguyên tắc sử dụng đất và tạo hành lang pháp lý để cơ quan có thẩm quyền có cơ sở thực hiện thủ tục cho người sử dụng đất theo đúng quy định.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT TP.HCM, dù Dự thảo đã bỏ khung giá đất, tuy nhiên cần quy định cụ thể hệ số tiền sử dụng đất để tính công nhận hoặc chuyển mục đích sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân do bảng giá đất được tính theo giá thị trường. Bên cạnh đó, cần thiếp lập cơ quan chuyên trách về giá đất của Nhà nước để giải quyết các vấn đề liên quan đến giá đất, kể cả việc giải quyết tranh chấp về giá đất, ngăn ngừa nguy cơ gia tăng sự bất bình đẳng giữa các khu vực, gây ra xung đột về giá đất giữa các địa phương giáp ranh.
Ông Nguyễn Toàn Thắng cũng đề nghị cần có quy định về thẩm quyền và trình tự giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đối với cơ sở tôn giáo. Đồng thời, kiến nghị bỏ căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện mà chỉ quy định căn cứ để giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích là quy hoạch sử dụng đất hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được phê duyệt.
Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Bộ TN&MT Nguyễn Thị Phương Hoa đã tập trung trao đổi, giải thích, thảo luận ngay các vấn đề thực tiễn mà các đại biểu đặt ra. Đồng thời, thay mặt Bộ TN&MT, Ban soạn thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa đã tiếp thu, ghi nhận những ý kiến của các đại biểu để tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để chuẩn bị trình Chính phủ và trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 10/2022 theo kế hoạch.