Thừa Thiên - Huế: Sớm triển khai Luật Đất đai (sửa đổi)
(TN&MT) - Cùng với các địa phương khác trong cả nước, tỉnh Thừa Thiên - Huế đang nỗ lực để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội. Xoay quanh vấn đề này, PV Báo TN&MT có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên - Huế (ảnh).
PV: Xin ông cho biết, Luật Đất đai (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua có ý nghĩa như thế nào với công tác quản lý đất đai tại địa phương?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Luật Đất đai (sửa đổi) là dự án luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp với nhiều nội dung mới mang tính đột phá, quan trọng
Thông qua Luật đất đai (sửa đổi), địa phương sẽ đưa nguồn lực đất đai vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực sớm đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á theo tinh thần Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10/12/2019 của Bộ Chính trị; trong đó chú trong đến những đổi mới liên quan đến các lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thu hồi đất, chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; về cơ chế, chính sách tài chính đất đai, giá đất; về đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận và các thủ tục hành chính, dữ liệu, thông tin đất đai; về thương mại hóa quyền thuê đất hàng năm và lựa chọn hình thức trả tiền thuê đất; về chế độ, quản lý sử dụng các loại đất...
PV: Theo ông, những “điểm nghẽn” cụ thể nào trong công tác quản lý đất đai tại địa phương sẽ được tháo gỡ sau khi Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành chính thức có hiệu lực?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Luật Đất đai năm 2024 sẽ giải quyết nhiều vấn đề so với Luật Đất đai 2013, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý đất đai tại địa phương, nhằm góp phần đưa Luật Đất đai năm 2024 đi vào thực tiễn. Đối với tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng sẽ tháo gỡ nhiều “điểm nghẽn”. Cụ thể, về kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh: Đã phân cấp thẩm quyền quyết định kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh cho HĐND cấp tỉnh để tạo sự chủ động, linh hoạt trong điều hành của địa phương. Bổ sung quy định đối với thành phố trực thuộc Trung ương (trong đó dự kiến tỉnh sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2025 và Quy hoạch đô thị tỉnh đã được phê duyệt) thì không lập quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh mà căn cứ vào quy hoạch đô thị để lập kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, qua đó giúp tỉnh chủ động và giảm bớt các thủ tục về lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đối với việc đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công các dự án trên địa bàn tỉnh: Đã giảm bớt các thủ tục về bổ sung Kế hoạch sử dụng đất để triển khai dự án nhằm đẩy nhanh việc giải ngân vốn đầu tư công trong năm và triển khai ngay việc giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư... Cụ thể, các dự án đầu tư công, dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư thẩm quyền Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Bộ, cơ quan Trung ương, HĐND tỉnh và các dự án thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ thì được thực hiện mà không phải bổ sung vào kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.
Về giao đất, cho thuê đất các dự án đấu thầu sử dụng đất: Đã quy định cụ thể việc giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất. Theo đó, các dự án đấu thầu sử dụng đất đã được quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện làm cơ sở cho địa phương triển khai các dự án ở Khu đô thị mới An Vân Dương và tại các huyện, thị xã. Đồng thời, giúp người sử dụng đất có đất bị thu hồi sẽ được bồi thường theo đúng giá thị trường, được bố trí tái định cư theo hướng ưu tiên được tái định cư tại chỗ. Đối với nhà đầu tư, giúp đảm bảo được lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, giúp nhà đầu tư biết rõ chi phí và thời gian thực hiện hoàn thành bồi thường giải phóng mặt bằng và được giao đất để thực hiện dự án.
Ngoài ra, hiện trên địa bàn tỉnh đang kêu gọi đầu tư đối với các dự án xã hội hóa về giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường,… Luật đã quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Cụ thể, tại Điều 79 Luật Đất đai năm 2024 quy định 31 trường hợp Nhà nước “thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”; như các dự án xã hội hóa về giáo dục, y tế, văn hóa, thể dục – thể thao, môi trường; khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khu công nghệ thông tin tập trung; khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hoạt động lấn biển; hoạt động khai thác khoáng sản... Đối với các dự án có tính chất như trên đã giải quyết các vấn đề xác định Nhà nước thu hồi đất và tạo quỹ đất sạch để nhà đầu tư sớm triển khai các dự án nhằm phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của người dân, lợi ích xã hội và quản lý Nhà nước.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh, dự kiến vào tháng 5/2024
PV: Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, phát huy được hiệu quả nguồn lực đất đai cho phát triển kinh tế - xã hội, Sở TN&MT sẽ triển khai các công việc trọng tâm nào trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Văn Toàn: Để đưa Luật Đất đai (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống, Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh kế hoạch triển khai thi hành Luật Đất đai 2024 để giao cho các Sở, ban ngành kịp thời tham mưu các văn bản quy định chi tiết đối với các nội dung mà Luật phân cấp thẩm quyền cho UBND tỉnh quy định để kịp thời có hiệu lực đồng bộ với Luật; tham mưu UBND tỉnh mời Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai phổ biến Luật Đất đai 2024 tại địa phương để phổ biến cụ thể, sâu và sát đối với các nội dung mới so với Luật Đất đai năm 2013.
Trong thời gian tới, Sở TNMT sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch khai thi hành Luật Đất đai 2024 trên địa bàn, với mục đích tổ chức thi hành Luật Đất đai bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; xác định các nội dung công việc, thời hạn hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tổ chức thi hành Luật đối với các nội dung chưa cụ thể; nâng cao nhận thức về Luật Đất đai và trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân và địa phương trong việc triển khai thi hành Luật.
Theo đó, Sở TN&MT phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện triển khai tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai nhằm nâng cao nhận thức chính sách, pháp luật về đất đai cho tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư, người dân trên địa bàn tỉnh. Tham mưu tổ chức Hội nghị giới thiệu, tuyên truyền, phổ biến Luật Đất đai và giải đáp, tháo gỡ khó khăn vướng mắc về thi hành Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức tập huấn chuyên sâu cho cán bộ, công chức, viên chức, người làm công tác tham mưu, quản lý nhà nước về đất đai về Luật Đất đai và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Hiện nay, Sở TN&MT đang khẩn trương xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, nhằm cụ thể hóa các chính sách đã được quy định trong Luật để sớm đưa Luật triển khai thi hành trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: xây dựng Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh; quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; quy định đơn giá bồi thường; quy định về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; quy định hạn mức giao đất ở; hạn mức công nhận đất ở, đất nông nghiệp…; quy định về tách thửa, hợp thửa đất đối với đất ở và đất nông nghiệp; quy định chính sách của địa phương về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; quy định hạn mức và quyết định diện tích đất giao cho tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo...