Theo báo cáo của Sở TN&MT Lạng Sơn, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, công tác lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất được các cấp quan tâm thực hiện đảm bảo tuân thủ các căn cứ, nguyên tắc, hướng dẫn theo quy định, từng bước đưa công tác quản lý sử dụng đất đai trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp, hợp lý và có hiệu quả hơn. Đến nay, đã có 05 khu đô thị được lập quy hoạch chung, 03 đô thị huyện lỵ được lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, 05 dự án phát triển đô thị được lập quy hoạch chi tiết 1/500. Từ năm 2013 đến nay cấp huyện đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất được hơn 938 ha; cấp tỉnh chuyển mục đích sử dụng đất 0,9 ha.
Báo cáo cũng chỉ rõ, việc lập quy hoạch xây dựng đô thị của một số thị trấn trên địa bàn tỉnh đến nay mới chỉ dừng lại ở việc lập quy hoạch chung tỷ lệ 1/25.000, chưa triển khai lập quy hoạch chi tiết dẫn đến khó khăn trong quản lý sử dụng đất, thực hiện các quyền của người sử dụng đất.
Việc lấy ý kiến của nhân dân đối với việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; thực hiện công bố, công khai minh bạch nội dung, chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, nhất là ở cấp huyện có liên quan đến cấp xã chưa được quan tâm đúng mức theo quy định, còn nặng về hình thức, do đó người dân không nắm được đầy đủ các nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Dẫn đến sử dụng đất sai mục đích, không đúng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, dẫn đến phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn. Chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa cao; chưa thực sự sát với định hướng phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu sử dụng đất của các cấp, các ngành lĩnh vực, dẫn đến tỷ lệ thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đạt thấp.
Đối với những dự án hạ tầng kỹ thuật, xây dựng chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn chưa thực sự quan tâm xác định vị trí, diện tích thu hồi trong vùng phụ cận để đấu giá quyền sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở, thương mại, dịch vụ, sản xuất kinh doanh để tạo nguồn vốn thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Một số tổ chức, nhất là tổ chức kinh tế; một bộ phận người dân chưa chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật về đất đai, còn tự ý chuyển mục đích sử dụng đất không đăng ký nhu cầu với cơ quan Nhà nước.
Một số vị trí khu đất có khả năng phát triển kinh tế - xã hội, gần khu dân cư, khu đô thị, các đầu mối giao thông đang là đất nông nghiệp, người dân tự ý lấp đất, san gạt đồi núi, làm biến rạng địa hình, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường… sau đó khắc phục bằng việc đề nghị điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp, chủ yếu là đất ở, với diện tích lớn, sau đó chia lô để chuyển nhượng nhằm hưởng lợi. Trong khi hiện nay chưa có cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ đối với nội dung này, chưa có quy định về hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất để tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước. Chế tài xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai chưa đủ mạnh để răn đe đối với các trường hợp vi phạm…
Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thị Hậu, thời gian tới, UBND tỉnh cần chấn chỉnh công tác quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh trước khi trình HĐND tỉnh phê duyệt. Chỉ đạo chấm dứt việc tự ý san gạt đất đai, chấm dứt các sai phạm trong việc chuyển mục đích sử dụng đất, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Đối với HĐND cấp huyện và cấp xã bổ sung vào chương trình giám sát của HĐND đối với lĩnh vực đất đai trong năm 2020.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu khẳng định, tỉnh sẽ tiếp tục quyết liệt, sát sao, nghiêm khắc trong chỉ đạo để khắc phục những yếu kém trong quản lý đất đai. Đồng thời yêu cầu các Sở, ngành, các huyện, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về xây dựng, đất đai đảm bảo phù hợp, đúng đối tượng. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các sai phạm liên quan đến đất đai.