Lắng nghe thời tiết “trở mình”

Tuyết Chinh| 14/02/2021 07:11

(TN&MT) - Trong muôn vàn ngành nghề trong xã hội hiện đại, có những công việc thầm lặng nhưng vô cùng hữu ích cho cuộc đời. Đó là những quan trắc viên khí tượng thủy văn (KTTV) không quản ngày đêm âm thầm đo đạc, khảo sát, đón bắt các cơn bão, tìm dấu vết lũ dữ…

Phía sau bản tin

Việt Nam trải qua một năm 2020 thiên tai khốc liệt, dị thường nhất trong hai thập niên với bão dồn dập, lũ lụt liên tiếp. Khi thiên tai bão lũ xảy ra là những “đêm trắng” của ngành KTTV, các cán bộ KTTV nhiều đêm liền không có thời gian ngủ, nghỉ. Điều đó là bắt buộc để đảm bảo có những số liệu liên tục cập nhật, có cơ sở để đưa ra được những cảnh báo phù hợp, chính xác cho các cấp có giải pháp ứng phó.

Nhớ lại những ngày tháng 10/2020 tại cơ quan đầu não Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia và các đơn vị nghiệp vụ ở Trung ương, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm cho biết, mỗi ngày làm việc không có điểm dừng, hết ngày sang đêm và ngược lại để nhận diện sự biến đổi khôn lường của thiên nhiên. Những cuộc họp trực tuyến, trực tiếp diễn ra liên tục thông trưa, thậm chí, cả vào lúc đêm muộn, cập nhật những diễn biến thời tiết để có được các bản tin chi tiết từng giờ phục vụ người dân. Các cán bộ bám trụ trong ca trực gần như không thể rời vị trí, bữa ăn cũng chỉ là cốc mì ăn liền ấm bụng…

Dự báo viên Phạm Thị Phương Dung, Phòng Dự báo số trị viễn thám (Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia), nơi theo dõi và phân tích ảnh mây vệ tinh chia sẻ: “Những ngày qua, lúc nào tôi cũng thèm có một giấc ngủ đủ giấc. Công việc căng thẳng, nhưng đến khi ngồi trước màn hình máy tính thấy cảnh người dân phải chạy lũ trong mênh mông biển nước, tôi lại quên hết mệt nhọc, cố gắng làm thật nhanh công việc”.

Chung nỗi niềm đó, chị Nguyễn Thanh Bình, chuyên viên phòng Dự báo Số tại viễn thám bày tỏ, chị may mắn là các con đã lớn nên có thể thu xếp làm việc ngoài giờ hoặc đêm hôm, nhưng với những nữ đồng nghiệp trẻ hoặc có con nhỏ thì quả thực là một sự cố gắng rất lớn.

“Công việc của chúng tôi không đếm theo ngày, theo tháng mà đếm theo từng cơn bão, từng trận mưa. Khi đã ngồi trong trung tâm tác nghiệp KTTV gần như quên hết những công việc khác. Hết ca trực đi về, những dự báo viên vẫn chưa thể hết lo lắng bởi còn phải xem diễn biến bão lũ thế nào, báo chí đưa tin ra sao, thiên tai diễn ra có sát với thông tin đã dự báo hay không?”, chị Bình bày tỏ.

Mỗi dự báo viên, kỹ thuật viên đều ý thức rõ trách nhiệm của mình trong việc cập nhật thông số liên tục, chính xác đến mức tuyệt đối cả về thời gian lẫn số liệu. Bởi, chỉ cần chệch một chút, số liệu thay đổi, kết quả dự báo thiếu chuẩn xác có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Sau mỗi bản tin KTTV là sự an nguy của không biết bao nhiêu con người.

Những quan trắc viên khí tượng thủy văn không ngại nắng gió, mưa giông

Giữa lằn ranh “sinh - tử”

Không chỉ ở nơi đầu não cơ quan dự báo, trong đợt lũ lịch sử xảy ra tại các tỉnh miền Trung hồi tháng 10 đến trung tuần tháng 11 năm 2020, ở nơi nguy hiểm, mưa lũ lớn nhất, vẫn xuất hiện bóng dáng của những quan trắc viên thủy văn dầm mình trong sóng gió. Nước sông dâng cuồn cuộn, các quan trắc viên vẫn neo mình giữa sông đo nước, đo lưu lượng với mong muốn mỗi bản tin dự báo, cảnh báo phát ra đến được với chính quyền và người dân vùng thiên tai.

Theo yêu cầu, cứ cách một giờ, các quan trắc viên của trạm lại mặc áo phao, lên một con thuyền nhỏ ra sông để đo nước, đo lưu lượng dòng chảy. Ở thời điểm nước sông dâng lên không ngừng, áp lực làm sao vừa phải có được những thông số chính xác vừa phải bảo đảm an toàn cho bản thân quả thực rất lớn.

Ngày 18/10, mực nước lũ đã lên đến 7,39 m, cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1999 là 0,1 m, dòng sông đục ngầu, nước chảy xiết, cuốn theo nhiều cây rừng còn nguyên cả cành lá... Giữa lằn ranh sống - chết, các cán bộ KTTV vẫn bám trụ kiên cường. Họ kiên cường chèo thuyền đi đo nước, lao ra dầm mưa để đo khi những trạm máy tự động bị hỏng… Có những khi trạm bị sự cố không xử lý được, Giám đốc Đài KTTV tỉnh, thậm chí, Giám đốc Ðài KTTV khu vực, hoặc các đơn vị kỹ thuật sẵn sàng vượt qua hàng trăm cây số, những cung đường sạt lở đến cứu trợ.

Trưởng Trạm Thủy văn Thạch Hãn Phan Ngọc Tính cho biết, như những người lính trên mặt trận, trong những điều kiện thời tiết bất thường, quân số ở trạm phải ứng trực 100%. Trong mỗi ca trực, người quan trắc lặng thầm với công việc quan sát hướng gió, đo mưa... Từ số liệu thô, tính toán, mã hóa dữ liệu theo quy ước chung truyền về Ðài KTTV cấp trên. Những con số sẽ giúp cơ quan phòng, chống thiên tai xác định được khu vực ngập sâu, khu vực nguy hiểm để có kế hoạch di dời người và tài sản đến nơi an toàn.

Trực bão

Đi tìm “vết lũ”

Chúng ta thường hay nhắc đến quan trắc viên KTTV hay các dự báo viên KTTV; nhưng ít ai biết rằng, trước, trong và sau các cơn bão, trận lũ, còn có bước chân người cán bộ khảo sát KTTV luôn in dấu trên những vùng đất nơi thiên tai vừa tàn phá. Họ là những điều tra viên KTTV (Liên đoàn Khảo sát KTTV, Tổng cục KTTV) chuyên đi đo đạc, khảo sát đón bắt các cơn bão, tìm dấu vết các cơn lũ. Mỗi bước đi của họ đều thận trọng, tỉ mỉ, chi tiết, hợp sức cùng các đơn vị chuyên môn phân tích từng yếu tố, khả năng, đưa ra báo cáo đánh giá chi tiết, đầy đủ, tổng thể về khí tượng, địa chất, thủy văn để có bức tranh toàn diện sớm nhất về thiên tai mưa, lũ đã xảy ra, đang xảy ra.

Ngay khi thiên tai liên tục xảy ra gần hai tháng trời ở miền Trung trong năm qua, những “người lính” khảo sát KTTV vẫn ngày đêm bám trụ phục vụ các hoạt động tìm kiếm người mất tích tại các vùng trọng điểm về mưa lũ, sạt lở đất như: Rào Trăng (xã Xuân Phong, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) hay Trà Leng (huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam). Hàng ngày, các báo cáo từ thực địa đã được anh em quan trắc viên, kỹ thuật viên của Liên đoàn Khảo sát KTTV đều đặn chuyển về Trung ương. Những thông tin về hướng gió, độ ẩm, khí áp, lượng mưa, dòng chảy, thủy văn... là những thông tin sát thực giúp cho việc ra đời các bản tin dự báo, cảnh báo diễn biến KTTV chi tiết.

 

Đi vào thực địa mỗi vùng thiên tai, các khảo sát viên, kỹ thuật viên KTTV còn trở thành những tuyên truyền viên cho bà con vùng thiên tai về những kiến thức KTTV và cách chủ động phòng tránh khi có bão, lũ thiên tai nguy hiểm. Người dân trong khu vực Trà Mai, xã Trà Leng đã biết đến sự dễ mến, tận tụy của các viên chức như: Phan Tiến Anh (quê Văn Giang, Hưng Yên), Nguyễn Hải Lân (quê Ba Vì, Hà Nội), Trương Văn Dũng (quê Thanh Miện, Hải Dương).

Và dù bão lũ đã đi qua, hoạt động tìm kiếm những người dân mất tích vẫn tiếp diễn trong mọi tình huống, những cán bộ khảo sát KTTV vẫn cắm chốt phục vụ cho việc quan trắc ra bản tin dự báo điểm cho khu vực. Một số đã được điều động, bổ sung để thiết lập các trạm quan trắc dã chiến tại các khu vực chưa có trạm quan trắc cố định do Tổng cục Khí tượng thủy văn yêu cầu trong những tình huống thiên tai khẩn cấp trong các cơn bão số 2, số 5, số 7, số 9, số 12, số 13 và các điểm nóng về nguy cơ thiên tai KTTV.

Mỗi bản tin KTTV đến với người dân, đôi khi chỉ vẻn vẹn vài dòng chữ, khô khan và không thấy ghi danh quan trắc viên ở cuối. Song phía sau mỗi bản tin đó là bản lĩnh và kinh nghiệm của những người xây dựng “thương hiệu” ngành Khí tượng thủy văn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lắng nghe thời tiết “trở mình”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO