(TN&MT) - Theo thông báo mới đây của Trung tâm Khí hậu Hoa Kỳ (CPC), hiện tượng La Nina đã xuất hiện trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương kể từ tháng 10/2017 và có xu thế yếu dần trong những tháng gần đây.
Enso chuyển sang trung tính
Theo số liệu quan trắc thời kỳ 1950 - 2018, đã xuất hiện 17 đợt La Nina trên khu vực xích đạo Thái Bình Dương. Trong đó, có 12 đợt La Nina xảy ra sau El Nino và 6 đợt chuyển pha nhanh từ La Nina sang trung gian đến El Nino. Theo ghi nhận ở Việt Nam, các đợt La Nina thường gây ra lượng mưa nhiều hơn trung bình nhiều năm ở các tỉnh ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên, Nam Bộ và xuất hiện các kỷ lục về nhiệt độ tối thấp tuyệt đối. Hiện tượng La Nina 2017 - 2018 có diễn biến khá tương đồng với hiện tượng La Nina 2005 - 2006.
Các mô hình dự báo trên khắp thế giới cũng cho thấy, La Nina có khả năng sắp kết thúc. Cụ thể, ENSO (là thuật ngữ để chỉ cả 2 hiện tượng El Nino và La Nina) sẽ chuyển sang trạng thái trung tính từ các tháng cuối năm 2018.
Ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn cho biết, theo kết quả dự báo mới nhất về hiện tượng ENSO của các cơ quan dự báo khí hậu trên thế giới, nhiệt độ mặt nước biển khu vực NINO3.4 (nhiệt độ mặt nước biển là chỉ số quan trọng để đánh giá sự thay đổi của các pha trong ENSO) có xu hướng tăng dần.
Như vậy ENSO nhiều khả năng sẽ chuyển sang trạng thái trung tính (không El Nino, không La Nina) từ các tháng nửa cuối năm 2018 với xác suất trong khoảng từ 55 - 65%. Nếu ENSO trở về trung tính, điều này đồng nghĩa La Nina yếu dần và sẽ kết thúc trong vài tháng tới.
Lũ sớm hơn mọi năm
Do ENSO trở về trạng thái trung tính nên khả năng mùa lũ năm 2018, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên sẽ xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm.
Mùa lũ năm 2018, trên các sông ở khu vực Tây Nguyên có khả năng xuất hiện sớm hơn trung bình nhiều năm; các sông ở Trung Bộ phù hợp quy luật hàng năm. Đỉnh lũ năm 2018, trên các sông ở Thanh Hóa, Hà Tĩnh ở mức BĐ1 - BĐ2, xấp xỉ đỉnh lũ trung bình nhiều năm.
Các sông từ Nghệ An, Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên ở mức BĐ2 - BĐ3 và trên BĐ3, tương đương trung bình nhiều năm; trên một số sông suối nhỏ và thượng lưu các sông vẫn xuất hiện lũ lớn cùng với đó là nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất.
Mùa lũ 2018 trên sông Mê Kông khả năng đến sớm hơn so với trung bình nhiều năm; đến cuối tháng 7, mực nước ở đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu, Châu Đốc dao động ở mức 2,5 - 2,7m, nguy cơ xảy ra ngập lụt một số vùng ven sông, ngoài đê bao các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Long An.
Đỉnh lũ năm 2018, ở đầu nguồn sông Cửu Long ở mức BĐ2 và trên BĐ2, tương đương đỉnh lũ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện đỉnh lũ năm vào khoảng nửa đầu tháng 10/2018, tiềm ẩn nguy cơ xuất hiện lũ lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại miền Bắc, lũ tiểu mãn và mùa lũ chính vụ năm 2018 có khả năng xuất hiện đúng chu kỳ. Đỉnh lũ lớn nhất năm ở các sông thượng lưu hệ thống sông Hồng có khả năng ở mức BĐ2 - BĐ3, phổ biến thấp hơn năm 2017; hạ lưu tại Hà Nội thấp hơn BĐ1 từ 1 - 2m.
Đỉnh lũ năm thượng lưu hệ thống sông Thái Bình ở mức BĐ2 - BĐ3, hạ lưu tại Phả Lại ở mức BĐ1, phổ biến cao hơn năm 2017. Đặc biệt, các sông suối nhỏ trên hệ thống sông Hồng - Thái Bình, đỉnh lũ có khả năng vượt mức BĐ3. Lũ quét và sạt lở đất tiếp tục có nguy cơ xảy ra tại nhiều tỉnh khu vực vùng núi phía Bắc, đặc biệt khu vực phía Tây Bắc Bộ.
Nhiều sông thiếu nước
Dự báo, trong các tháng 5 - 6/2018, trên các sông ở khu vực Trung Bộ và Tây Nguyên có khả năng xuất hiện 1 - 2 đợt dao động, riêng nửa cuối tháng 5 trên các sông ở Bắc Trung Bộ khả năng xuất hiện lũ tiểu mãn, các sông ở khu vực Tây Nguyên xuất hiện lũ nhỏ.
Lượng dòng chảy trên các sông ở Nghệ An, Hà Tĩnh, từ Quảng Bình đến Quãng Ngãi, Khánh Hòa, Ninh Thuận phổ biến thiếu hụt so với trung bình nhiều năm từ 30 - 70%; riêng sông Cái Nha Trang thiếu hụt trên 80%, mực nước tại trạm Đồng Trăng khả năng tiếp tục xuống mức thấp nhất lịch sử; khô hạn cục bộ tiếp tục diễn ra tại một số địa phương thuộc khu vực Nam Trung Bộ.
Lượng dòng chảy các sông khác ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 40%. Lượng dòng chảy ở thượng nguồn sông Mê Kông ở mức thấp năm 2017 và cao hơn trung bình nhiều năm. Mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại Tân Châu và Châu Đốc ở mức cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,25 - 0,4m.