Biến đổi khí hậu

Thiên tai sẽ diễn biến phức tạp

Lan Anh (thực hiện) 24/10/2024 - 09:21

(TN&MT) - Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ những tháng cuối năm 2024, Enso có khả năng chuyển sang pha La Nina với xác suất 60 - 70%, thiên tai tại khu vực được dự báo sẽ có nhiều diễn biến phức tạp và mức độ nguy hiểm cao.

Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Chiến - Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Trung Trung Bộ.

8a.png
Ông Phạm Văn Chiến -
Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn
khu vực Trung Trung Bộ

PV: Thưa ông, trong những tháng cuối năm, tình hình thiên tai tại khu vực miền Trung sẽ diễn biến như thế nào?

Ông Phạm Văn Chiến: Trong các tháng cuối năm 2024, Enso có khả năng chuyển sang pha La Nina với xác suất 60 - 70%. La Nina có thể làm gia tăng tần suất và cường độ của bão và áp thấp nhiệt đới (ATNĐ), đặc biệt là trong giai đoạn cuối năm. Từ nay đến cuối năm khả năng có khoảng 4 - 6 cơn bão, ATNĐ hoạt động trên Biển Đông. Trong đó khả năng có khoảng 2 - 3 cơn ảnh hưởng đến thời tiết khu vực Trung Trung Bộ. Đề̀ phoâng khả nùng baä̃o/ATNÀ hình thà̀nh ngay trïn khu vûåc Biïí̉n Àöng.

Đặc biệt, tổng lượng mưa từ nay cho đến cuối năm tại khu vực Trung Trung Bộ phổ biến ở mức xấp xỉ và cao hơn trung bình nhiều năm, và đạt khoảng 80 - 130%, có nơi cao hơn với khoảng 5 - 7 đợt mưa lớn diện rộng. Mưa lớn nhất có khả năng tập trung trong nửa cuối tháng 10 - 11/2024.

Từ tháng 9 - 12/2024, trên các sông khu vực Trung Trung Bộ có khả năng xuất hiện 2 - 4 đợt lũ. Đỉnh lũ lớn nhất năm trên các sông có khả năng ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm. Thời gian xuất hiện lũ lớn nhất năm xuất hiện chủ yếu vào cuối tháng 10 và tháng 11. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất có thể gây tác động xấu đến môi trường, uy hiếp tính mạng của người dân; gây tắc nghẽn giao thông cục bộ, làm ảnh hưởng tới quá trình di chuyển của các phương tiện; phá hủy các công trình dân sinh, kinh tế gây thiệt hại cho các hoạt động sản xuất kinh tế - xã hội.

PV: Vậy tình hình này sẽ ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế - xã hội miền Trung như thế nào thưa ông? Để ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai gây ra, ông có những khuyến cáo gì với cơ quan chức năng và người dân?

Ông Phạm Văn Chiến: Các tỉnh, thành miền Trung có địa hình phức tạp, chủ yếu là đồi núi, đồng bằng ven biển nhỏ hẹp, bờ biển dài, sông ngắn có độ dốc lớn; là khu vực có số lượng tàu thuyền và nuôi trồng hải sản rất lớn. Đây cũng là nơi có tập trung nhiều khu du lịch, hệ thống cơ sở hạ tầng đang được đầu tư phát triển nhanh chóng như giao thông, các khu công nghiệp, đô thị. Chính vì vậy, rủi ro do thiên tai đến các thành phần kinh tế - xã hội, dân sinh có nguy cơ gia tăng.

Trước diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường của thiên tai, để ứng phó và giảm nhẹ thiệt hại thiên tai gây ra, đặc biệt đối với thiên tai cực đoan có cường độ lớn, đòi hỏi sự chung tay, chủ động ứng phó từ mỗi người dân, gia đình, cộng đồng, tổ chức... để có thể hành động sớm, ứng phó kịp thời trước.

Trước hết, thường xuyên theo dõi diễn biến thời tiết, thuỷ văn - thiên tai từ các cơ quan chức năng và phương tiện thông tin đại chúng chính thống để nhận biết sớm và hành động sớm trước thiên tai. Đồng thời, chủ động tìm hiểu kiến thức về thiên tai, mức độ nguy hại do tác động bởi thiên tai đến con người, nhà cửa, cơ sở hạ tầng, vật chất; quá trình sản xuất, vận hành hệ thống.

Căn cứ tình hình thực tế, xây dựng các phương án phòng chống, ứng phó cụ thể, phù hợp với từng loại hình, từng cấp độ thiên tai, đảm bảo an toàn về người và hạn chế tối đa thiệt hại về kinh tế.

Bên cạnh đó, người dân cần tuân thủ tuyệt đối sự chỉ đạo, quy định của chính quyền trong phòng, chống, ứng phó với thiên tai. Gia cố công trình, nhà cửa đảm bảo có khả năng chống chịu với siêu bão. Chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư kỹ thuật, nhu yếu phẩm cần thiết trước mỗi đợt thiên tai,...

8b.jpg
Theo dự báo, hiện tượng La Nina sẽ tạo nên nhiều đợt mưa lớn kéo dài gây lũ lụt, sạt lở tại miền Trung

PV: Thưa ông, để chủ động trong công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, thời gian tới, Đài khí tượng thủy văn sẽ tập trung vào những giải pháp gì?

Ông Phạm Văn Chiến: Trong bối cảnh thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng của BĐKH toàn cầu đến thời tiết, khí hậu khu vực, công tác khí tượng thủy văn của đơn vị trong giai đoạn tới sẽ tập trung các nguồn lực phát triển đồng bộ hệ thống quan trắc theo hướng hiện đại hóa - tự động hóa; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong dự báo, cảnh báo KTTV (như mô hình số, công nghệ phân tích dữ liệu,...), trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai về bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,... Ứng dụng chọn lọc những thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới phù hợp với tình hình thực tế của khu vực.

Chúng tôi cũng chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, có khả năng tiếp nhận, vận hành khai thác phương tiện, trang thiết bị, công nghệ hiện đại theo xu hướng phát triển của khu vực và trên thế giới, đảm bảo năng lực thực hiện nhiệm vụ vận hành hệ thống quan trắc, thông tin dữ liệu và dự báo, cảnh báo thiên tai.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền kiến thức về thiên tai, sử dụng thông tin dự báo, cảnh báo thiên tai; tuyên truyền thông tin diễn biến thiên tai cho các cấp, các ngành và cộng đồng để chủ động phòng ngừa sớm. Phối hợp với các nguồn lực xã hội trong đầu tư phát triển mạng lưới trạm quan trắc, hệ thống cảnh báo thiên tai; nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong dự báo, cảnh báo thiên tai.

Cùng với đó là duy trì, tăng cường sự phối hợp cung cấp, trao đổi thông tin trong công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương trong khu vực.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiên tai sẽ diễn biến phức tạp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO