Krông Buk (Đắk Lắk): Dân khổ vì mỏ đá của Công ty Phục Hưng

31/05/2018 13:19

(TN&MT) - Người dân thôn Độc Lập, xã Chứ Kpô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đang rất bức xúc vì mỏ đá của Công ty TNHH Phục Hưng (Công ty Phục Hưng) do ông Vũ Mạnh Hùng làm giám đốc khai thác, chế biến, vận chuyển gây ô nhiễm môi trường, nổ mìn gây rung chấn làm nứt nhà dân, khai thác đá làm tụt nước ngầm ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của họ.

mo da 1
Nhà chị Thái Thị Hoa ở thôn Độc Lập bị nứt do Công Phục Hưng nổ mìn để khai thác đá

Muôn kiểu khổ ải!

Các hộ Thái Thị Hoa, Lê Thị Ngân, Trương Thị Tam và nhiều hộ dân khác có nhà ở cách mỏ đá của Công ty Phục Hưng khoảng 100 mét theo đường chim bay phản ảnh: Mỗi khi Công ty Phục Hưng nổ mìn để khai thác đá đã làm rung chấn một vùng khiến nhà của họ bị nứt tường, áo tường bong rớt xuống nền nhà. Mỗi khi Công ty có tín hiệu nổ mìn là mọi người không dám ở trong nhà.

Việc khai thác đá của mỏ đá đã làm tụt mực nước ngầm ảnh rất lớn đến nước sinh hoạt và sản xuất của người dân. Chị Phan Thị Hoài - thôn Độc Lập, xã Chứ Kpô, huyện Krông Búk phản ảnh: Nếu như trước đây giếng chỉ đào sâu xuống 7 mét đến 10 mét là người dân có đủ nước sinh hoạt và tưới cho cây trồng vào mùa khô. Những năm gần đây, mỏ đá hoạt động khai thác sâu xuống lòng đất thì mực nước tụt dần và người dân cũng phải đào giếng sâu hơn đến 20 mét vẫn không có nước. Hiện nay, mọi người đã phải sử dụng giếng khoan ở độ sâu đén vài chục mét mới có nước. Bà Trương Thị Tam phản ảnh: Giếng nước nhà bà đã không còn sử dụng được vì không còn nước. Nguyên nhân là do khai thác đá của Công ty Phục Hưng gây ra.

mo da 2
Công ty Phục Hưng khai thác đá ở độ sâu gây tụt nước ngầm

Không chỉ thế việc khai thác, xay chế biến, vận chuyển đá gây bụi, tiếng ồn khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Mỗi khi xe vận chuyển đá đi tiêu thụ chạy qua đường dân sinh nhất là mùa khô, những ngày nắng kéo dài bụi cũng bay mù trời.

Trên tuyến đường từ trung tâm đi vào thôn Độc Lập, mỏ đá khai thác sát đường tạo thành hàm ếch rất nguy hiểm, người dân lo sợ đường sẽ bị sạt lở xuống hố sâu của mỏ đá. Thấy vực sâu sát bên đường do khai thác đá tạo nên người dân đã phản ảnh nhiều lần thì chủ mỏ đá mới rào lại bằng cộc bê tông và lưới B40.

Chị Thái Thị Hoa bức xúc nói: Căn nhà của gia đình chị bị nứt tường khá nhiều, Công ty Phục Hưng cũng đã cho người xuống sửa nhưng việc sửa cũng chỉ sơ sài bằng cách sơn chồng lên vết nứt phía trong nhà mà chưa có giải pháp căn cơ. Những vết nứt vẫn còn và mỗi khi trời mưa nước vẫn theo vét nứt chảy vào trong nhà không biết sẽ phải xử lý như thế nào.

Ông Thái Hữu Châu - Thôn trưởng thôn Độc Lập cho biết: “Người dân trong thôn cũng phản ánh rất nhiều mỗi lần họp thôn, tiếp xúc cử tri đã phản ánh rất nhiều về dư chấn do nổ mìn làm nứt nhà dân. Thứ hai là nguồn nước ngầm bị tụt làm cho giếng đào của người dân bị khô cạn, không có ngước để sinh hoạt, tưới cho cây trồng. Thực tế Ban tự quản thôn cũng đã đến làm việc với Công ty Phục Hưng để xem quá trình khai thác nước với độ sâu thế nào để đánh giá cụ thể như thế nào.  Mỏ đá có giấy tờ đầy đủ nhưng độ sâu khai thác đá cho phép là 14 mét. Tôi thấy 14 mét thì không được hợp lý lắm vì mực nước ngầm đã bị tụt rất nhiều nếu khai thác đúng độ sâu 14 mét có lẽ người dân sẽ chẳng còn nước để sử dụng”.

mo da 3
Công ty Phục Hưng khai thác đá gần đường gây nguy hiểm cho người dân

Làm gì để dân bớt khổ?

Trao đổi với Ban giám đốc Công ty Phục Hưng (huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) đang quản lý, khai thác mỏ đá, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó giám đốc Công ty Phục Hưng cho biết: Hiện Công ty vẫn đang khai thác trong phạm vi được cấp phép. Về giới hạn độ sâu khai thác của mỏ đá là 14 mét, nhưng điểm khai thác sâu nhất hiện mới đạt khoảng 10 mét, còn lại các vị trí khác từ 6 đến 8 mét.

Ông Tùng chia sẻ: Với đặc thù khu vực thôn Độc Lập nơi mỏ đá đang khai thác là vùng đá bàn, lớp đất mặt mỏng nên người dân đào giếng khoảng 10 mét là đã có nước dùng. Những năm gần đây hiện tượng thụt giảm mực nước ngầm là có thật. Việc tác động của mỏ đá chỉ một phần một phần do nắng hạn mực nước ngầm tụt giảm chung trên cả khu vực cũng tác động không nhỏ đến mực nước ngầm tại đây. Người dân phản ánh do mỏ đá khai thác sâu nên nước gầm rút về mỏ đá hết đã làm tụt mực nước gầm, điều này là có nhưng không nhiều, chỉ lúc nào nước ngập sâu không khai thác được thì mới bơm xả xuống suối. Sau khi đơn vị khai thác hoàn thiện lớp 2 sẽ tiến hành hoàn thổ trở lại như trạng thái bình thường.

Về phần mình, ông Vũ Mạnh Hùng - Giám đốc Công ty Phục Hưng khẳng định: Việc hoạt động của mỏ đá tác động đến người dân là không tránh khỏi. Sau khi có ý kiến phản ảnh của người dân chúng tôi cũng đã tích cực phối hợp giải quyết như: Về dư chấn khi nổ mìn chúng tôi đã giảm lượng thuốc nổ trong mỗi lần sử dụng. Trước khi nổ mìn, đơn vị đều thông báo bằng loa, hú còi và cử lực lượng đi kiểm tra các khu vực lân cận và chặn các ngả đường, gắn bảng hiệu đang nổ mìn để người dân dừng lại đảm bảo phạm vi an toàn; thực hiện sửa nhà cho hộ có nhà bị nứt, rào vùng giáp ranh giữa đường đi dân sinh với mỏ đá, phun nước giảm bụi khi khai thác, xay chế biến và vận chuyển đá đi tiêu thụ. Về vấn đề nước ngầm bị tục đây là điều bất khả kháng. Tuy nhiên chúng tôi cũng động viên người dân nên khoan giếng để sử dụng, nếu sử dụng mực nước mặt ở độ sâu 10 mét như hiện nay thì cũng rất nguy hiểm vì nước có thể bị ô nhiễm. Hiện nay đã có nhiều hộ dân khoan giếng để dùng.

mo da 4
Công ty Phục Hưng xay chế biến đá... gây ô nhiễm môi trường

Làm việc với Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Krông Buk, ông Y Thin Mlô - Phó trưởng Phòng cho biết: Từ năm 2017 trở về trước đơn vị đã nhận được nhiều đơn thư và người dân kiến nghị tại các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri về vấn đề mỏ đá tác động đến cuộc sống của họ như: nổ mìn nứt nhà, tiếng ồn, bụi, làm tụt nước ngầm. Chúng tôi đã thành lập đoàn xuống kiểm tra yêu cầu chủ mỏ đá khắc phục. Từ đầu năm 2018, huyện không còn nhận được đơn phản ảnh khiếu nại gì của người dân. Về giấy tờ pháp lý Công ty Phục Hưng thực hiện đầy đủ, khai thác đá đang trong phạm vi cho phép. Chúng tôi đã yêu cầu Công ty trong quá trình khai thác, chế biến, vận chuyển đá đi tiêu thụ không ảnh hưởng đến người dân. 

Mặc dù theo giấy phép được cấp thì đơn vị khai thác đá tại mỏ đá thôn Độc Lập, xã Chứ Kbô, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk vẫn đang khai thác đá ở độ sâu cho phép, và tiến hành các hoạt động nổ mìn trong phạm vi giới hạn. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình nổ mìn, khai thác, chế biến, vận chuyển đá đi tiêu đã tác động không nhỏ đến cuộc sống sinh hoạt của người dân, cùng với đó mực nước ngầm khu vực lân cận bị tụt giảm, khiến nhiều hộ dân không có nước để sinh hoạt và sản xuất, trong khi đó điều kiện để khoan giếng không phải ai cũng có thể thực hiện được vì kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn. Do đó, Công ty Phục Hưng khai thác đá cần có biện pháp giảm thiểu tác động nhiều hơn nữa, tránh ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân khu vực lân cận và có sự hỗ trợ cho những gia đình kinh tế khó khăn để họ khoan giếng lấy nước sinh hoạt và sản xuất. Những hộ có nhà bị nứt cần có sự hợp tác để khắc phục đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Buk (Đắk Lắk): Dân khổ vì mỏ đá của Công ty Phục Hưng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO