Đổi thay từ xã điểm...
Chúng tôi trở lại xã Phú Thượng (Võ Nhai), một trong 20 xã điểm xây dựng NTM của tỉnh phấn đấu về đích vào năm 2015. Những đổi thay ở xã vùng cao này khiến chúng tôi không khỏi bất ngờ. Những tuyến đường bê tông phẳng lỳ, rộng thênh thang trải dài tới từng ngõ xóm; những cánh đồng ngô, lúa tốt tươi, màu mỡ nhờ được chăm sóc và cung cấp đủ nước tuới thông qua hệ thống kênh mương đã được kiên cố hóa.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Hoàng Văn Phi - xóm Nà Pheo, xã Phú Thượng phấn khởi: “Trước đây, đường làng, ngõ xóm chật hẹp, lầy lội nên cuộc sống của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng từ ngày có Chương trình xây dựng NTM, được Nhà nước quan tâm đầu tư, chúng tôi đóng góp tiền của, công sức và hiến đất để mở rộng, bê tông hóa tuyến đường liên xóm nên việc đi lại trở nên thuận tiện hơn rất nhiều. Cuộc sống của chúng tôi nhờ vậy cũng ngày càng khấm khá.
Ông Nông Như Hoa - Phó Chủ tịch UBND xã Phú Thượng cho biết: Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng NTM, hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt hơn 20 triệu đồng/người/năm (tăng 2,5 lần so với năm 2010); tỷ lệ hộ nghèo còn 9,04% (giảm gần 30% so với năm 2010); xã không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% xóm hoặc liên xóm có nhà văn hóa và khu thể thao đạt chuẩn NTM... Diện mạo nông thôn Phú Thượng ngày càng khởi sắc, kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trạm y tế, nhà văn hóa... được quan tâm đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ dân sinh. Đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí NTM và đang đề nghị UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM trong thời gian tới.
Tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn
Cùng với Phú Thượng, 13 xã còn lại trên địa bàn huyện Võ Nhai cũng đang dốc toàn lực để triển khai Chuơng trình xây dựng NTM và đã đạt được những kết quả khá nổi bật. Tính đến hết năm 2014, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện đạt trên 5 tiêu chí NTM. Trong đó, 3 xã đạt trên 12 tiêu chí là: Phú Thượng (19), Lâu Thượng (17), La Hiên (12); 10 xã còn lại đều đạt từ 5 - 10 tiêu chí. Có được kết quả trên là nhờ sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sự ủng hộ tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bên cạnh đó là sự đầu tư rất lớn từ các nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh, huyện.
Theo thống kê, từ 2011 đến nay, tổng kinh phí đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện là hơn 457 tỷ đồng. Nguồn kinh phí này chủ yếu tập trung cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn như: Đường giao thông, nhà văn hóa, trường học, trạm y tế... Cụ thể: Toàn huyện đã làm mới, nâng cấp được 43 nhà văn hóa xóm, 6 nhà văn hóa xã và trên 450km đường giao thông với tổng số vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 40 tỷ đồng và hiến 3,5ha đất. Riêng từ nguồn hỗ trợ xi măng của tỉnh, toàn huyện đã bê tông hóa được trên 80 tuyến đường với tổng chiều dài gần l00km; kiên cố hóa được trên 12km kênh mương với số vốn đầu tư trên 10 tỷ đồng. Trong phong trào xây dựng NTM đã có hơn 200 hộ gia đình tham gia hiến đất với tổng diện tích 5,7ha đất và trên 5.000 hộ tham gia đóng góp bằng tiền, vật liệu, ngày công với mức bình quân 2 triệu đồng/hộ.
Theo kế hoạch, năm 2015, huyện Võ Nhai sẽ có 2 xã về đích NTM; năm 2017 có thêm ít nhất 3 xã về đích; và đến năm 2020, toàn bộ các xã trên địa bàn huyện sẽ hoàn thành Chương trình xây dựng NTM. Để hoàn thành kế hoạch nêu trên theo đúng lộ trình đã đề ra, thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động nhân dân tham gia hưởng ứng tích cực phong trào xây dựng NTM; tập trung huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, dân sinh. Đặc biệt, tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình phát triển sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, phấn đấu mỗi xã điểm xây dựng được từ 2-3 mô hình, xã không điểm xây dựng được 1 - 2 mô hình...