Huyện Phú Bình (Thái Nguyên): “Phù phép” một mảnh đất cấp hai bìa đỏ?

23/04/2018 21:12

​​​​​​​(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của ông An Văn Nghĩa sinh năm 1979 có hộ khẩu thường trú tại xóm Đầu Cầu, xã Kha Sơn, huyện Phú...

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn thư của ông An Văn Nghĩa sinh năm 1979 có hộ khẩu thường trú tại xóm Đầu Cầu, xã Kha Sơn, huyện Phú Bình (Thái Nguyên) phản ánh, cán bộ xã Kha Sơn, huyện Phú Bình, cố tình gây khó dễ cho ông trong việc giải quyết tranh chấp mảnh đất mà ông được ủy quyền với hộ ông Ngô Văn Bình ở liền kề nhằm mục đích “kiếm chác”. Phóng viên đã tìm về xã Kha Sơn, huyện Phú Bình để tìm hiểu thực hư vụ việc.
Huyện Phú Bình (Thái Nguyên): “Phù phép” một mảnh đất cấp hai bìa đỏ?
Ông An Văn Nghĩa trình bày với phóng viên về thực trạng bị tranh chấp mảnh thửa đất
Theo như trình bày của ông An Văn Nghĩa, cuối năm 2017 ông được nhận ủy quyền của ông Đinh Văn Hùng là chủ sở hữu của mảnh đất trên tờ bản đồ số 17, thửa đất số 1870 với diện tích đất là 75m2. Đây là mảnh đất gia đình ông Hùng vẫn sử dụng bình thường. Năm 2010, ông Hùng được chính quyền thừa nhận bằng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) mang số BB132334, cấp ngày 10/09/2010 do chủ tịch UBND huyện Phú Bình ký.
Huyện Phú Bình (Thái Nguyên): “Phù phép” một mảnh đất cấp hai bìa đỏ?
Ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Phú Bình (bên trái) và ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn (ngồi giữa) trao đổi về những vướng mắc, tranh chấp của mảnh đất giữa nhà ông Hùng với ông Bình
Ngày 25/06/2016, ông Hùng cho thợ đến thi công xây dựng tường rào thì bị gia đình ông Ngô Văn Bình là hộ gia đình liền kề ra ngăn cản, gây mâu thuẫn, không cho xây dựng với lý do đó là đất của ông Bình.
 
Đi tìm câu hỏi về lịch sử của diện tích đất nhà ông Hùng đang sử dụng mà ông Bình “vô cớ” tranh chấp thì nhóm phóng viên được biết: Diện tích mảnh đất mà ông Hùng đã sử dụng trước đó được ông Nguyễn Văn Mạnh là giáo viên tại một trường trên địa bàn chuyển nhượng lại.
2Huyện Phú Bình (Thái Nguyên): “Phù phép” một mảnh đất cấp hai bìa đỏ?
Sơ đồ thửa đất bị tranh chấp từ nhiều năm qua
Theo như sơ đồ trên quyền sử dụng đất của ông Hùng thì đây là một mảnh đất hình chữ nhật bám mặt đường liên xã Cầu Ca - Dương Thành, chiều rộng mảnh đất là 11,2m, chiều sâu của thửa đất là 6,8m, hai bên sườn của thửa đất tiếp giáp các hộ liền kề, phía sau thửa đất nhà ông Hùng là một mương nước dân sinh công cộng rộng 2m. Mương nước này là đường thoát nước thải chung của cả xóm, kế tiếp đó mới đến diện tích đất của hộ gia đình ông Bình.
 
Việc gia đình ông Ngô Văn Bình cố tình tranh chấp và cho rằng một phần trên diện tích 75m2 đất tại tờ bản đồ của gia đình ông Hùng cũng xuất phát từ đường mương nước thải công cộng mà ra.
4Huyện Phú Bình (Thái Nguyên): “Phù phép” một mảnh đất cấp hai bìa đỏ?
Biên bản hòa giải tránh chấp đất đai nhưng bất thành
IMG 4926 (2)
 
Trên giấy chứng nhận QSDĐ số BB132334 của ông Hùng thì phần trích lục bản đồ cũng thể hiện rõ có một đường mương nước rộng 2m chạy qua cuối phần đất. Vậy mà không biết từ lúc nào ông Bình đã cho lấp đường nước thải đó và “sát nhập” luôn diện tích mương nước đã được lấp và một phần đất của gia đình ông Hùng vào thửa đấy của mình. Điều đáng nói là, cơ quan chức năng cũng hợp thức hóa mương nước vào “sổ đỏ” của gia đình ông Bình dẫn đến mâu thuẫn, thậm chí dẫn tới xung đột giữa ông Hùng và ông Bình. Sự việc đã được báo lên chính quyền xã Kha Sơn, huyện Phú Bình.
 
Từ khi xảy ra vụ việc, chính quyền xã đã nhiều lần mời hai gia đình lên để giải quyết bằng hình thức “hòa giải”, nhưng bất thành. Vấn đề nêu ra ở đây là, đáng lẽ ra các ban ngành đoàn thể xã Kha Sơn phải tiến hành làm rõ về vị trí đường nước thải công cộng, điểm mấu chốt để xác định ranh giới giữa đất của gia đình ông Hùng và đất của gia đình ông Bình. Nhưng không hiểu vì lý do gì mà một chi tiết quan trọng “mấu chốt” của sự khuất tất này lại bị bỏ sót không được chính quyền, ban ngành tại xã Kha Sơn nhắc đến, mà cứ đi tìm hiểu ranh giới sổ đỏ của hai hộ gia đình đến đâu.
 
Mọi việc rắc rối cũng xuất phát từ vấn đề buông lỏng quản lý trong việc quản lý đất đai của cán bộ xã Kha Sơn và huyện Phú Bình càng thể hiện rõ khi không biết từ khi nào ông Bình đã “hô biến” cái mương nước của các hộ dân sinh trong khu vực lân cận thành đất của nhà mình, ngang nhiên san lấp xây dựng công trình phụ trên diện tích đất mà trước đó là đường nước thải công cộng. Và “tiện tay” nhờ cán bộ xã, huyện sáp nhập luôn vào sổ đỏ của mình.
 
Việc ông Bình ngang nhiên lấn chiếm diện tích đất công cộng nói trên khi được hỏi chính quyền xã Kha Sơn có hay biết hay không và có biện pháp xử lý gì thì ông Phạm Văn Khải, Chủ tịch UBND xã Kha Sơn trả lời phóng viên: “Đây là thẩm quyền của cấp trên  mời phóng viên lên huyện mà hỏi” (!?).
 
Đi tìm câu trả lời cho việc hộ gia đình ông Ngô Văn Bình đã lấn chiếm đất lại còn ngang nhiên đòi tranh chấp thêm phần đất của hàng xóm, thì nhóm phóng viên điều tra báo Tài nguyên và Môi trường được ông Dương Ngọc Yên, Trưởng phòng Tài Nguyên Môi Trường huyện Phú Bình, cho biết: “Sự việc trên chúng tôi đã chuyển ra Tòa dân sự nhờ giải quyết vì giấy chứng nhận QSDĐ đất nhà ông Bình và giấy chứng nhận QSDĐ đất nhà ông Hùng được cấp chồng lên nhau”.
 
Ngược trở lại câu chuyện tranh chấp đất của ông Bình và ông Hùng không biết từ lúc nào cái mương nước phía sau thửa đất của ông Hùng đã “chui” vào sổ đỏ nhà ông Bình. Câu chuyện cần quan tâm là thế lực mạnh mẽ nào đã san lấp được cái mương nước dân sinh đó và phù phép cho nó thành đất nhà ông Bình.
 
Đáng lẽ khi thấy việc cấp chồng sổ đỏ trên 2 thửa đất và việc “phù phép” cái mương thoát nước chung sáp nhập vào đất nhà ông Hùng thì cơ quan chuyên môn huyện Phú Bình phải rốt ráo sửa sai. Đằng này, ông Trưởng phòng Tài Nguyên và Môi trường lại đẩy trách nhiệm sự việc cho Tòa án để xử lý tranh chấp khi sai phạm lại thuộc về những người làm công tác quản lý đất đai?. Thử hỏi Tòa án nhân dân huyện Phú Bình sẽ dựa trên văn bản nào để xử lý tranh chấp diện tích đất giữa hai hộ gia đình ông Hùng và ông Bình, khi mà cả hai hộ đều có sổ đỏ do cùng một người ký, cùng một cấp có thẩm phát hành ra giấy chứng nhận QSDĐ.
 
Hệ lụy của việc tranh chấp đất đai tại xã Kha Sơn đang gây khó khăn cho người dân trong việc quản lý sử dụng đất thổ cư, mà nhãn tiền là không thể chuyển nhượng hay xây dựng các công trình trên đất của gia đình họ. Những vướng mắc đó lại xuất phát từ sự sai sót sơ đẳng của cán bộ chuyên môn; sự việc kéo dài nhiều năm qua mà chính quyền không giải quyết triệt để cho dân dẫn đến tình trạng khiếu kiện, đơn thư vượt cấp là điều dễ hiểu. Để tránh sự hoài nghi lãnh đạo huyện Phú Bình có sự bao che, dung túng cho những sai phạm, Báo TN&MT đề nghị UBND huyện Phú Bình cùng các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, giải quyết những vướng mắc để người dân yên tâm ổn định cuộc sống.
 
Báo Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huyện Phú Bình (Thái Nguyên): “Phù phép” một mảnh đất cấp hai bìa đỏ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO