Tiếng dân

Tiếp bài “Dự án mở rộng đường Côn Sơn – Kiếp Bạc": Luật sư đề nghị làm rõ những khuất tất về bồi thường, hỗ trợ cho người dân

Quán Dũng - Doãn Xuân 08/05/2024 14:06

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường đã có bài viết phản ánh về việc người dân thôn An Lĩnh và thôn Bến, xã Lê Lợi, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương có đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng giải quyết về dự án đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc (giai đoạn 2 từ ngã ba An Lĩnh đến ngã ba Đầu Rồng) đền bù không thỏa đáng, bên cạnh đó là hàng loạt bất cập khiến người dân nơi đây vô cùng bức xúc.

Theo đó, Dự án mở rộng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc đã triển khai xong giai đoạn 1, hiện tại giai đoạn 2 từ ngã ba Đầu Rồng – An Lĩnh đang được xúc tiến đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, nhiều hộ dân khi nhận được phương án bồi thường mới biết số tiền họ được đền bù khác xa với số tiền những hộ được đền bù giai đoạn 1.

Thậm chí, có hộ thuộc diện đền bù giai đoạn 1 nhưng do tiền ngân sách khi đó thiếu vốn nên đã chuyển sang giai đoạn 2 để thu hồi, tuy nhiên số tiền được đền bù lúc này thấp hơn nhiều so với phương án cũ. Ngoài ra, TP. Chí Linh còn áp giá đền bù không đồng nhất và gộp nhiều thửa đất để đền bù trong khi các thửa đất đã tách quyền sử dụng đất riêng biệt.

377ec0d5-49c4-4711-9041-86a1c5b27ec0.jpg
Ông Hoàng Văn Tiến bức xúc về việc TP. Chí Linh đền bù đất không thỏa đáng

Liên quan đến vụ việc, qua trao đổi, Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự cho biết: “Dự án đường vào khu di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc đoạn từ quốc lộ 37 vào đền Kiếp Bạc được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt vào tháng 3/2012, do Ban Quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc làm chủ đầu tư. Theo kế hoạch, dự án được chia thành hai giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 của dự án được triển khai từ năm 2012 và giai đoạn 2 bắt đầu từ năm 2023. Đối với sự khác biệt trong việc thu hồi đất giữa 2 giai đoạn của cùng 1 dự án bao gồm 3 nguyên nhân chính.

Luật sư Nguyễn Hồng Bách, Công ty Luật TNHH Hồng Bách và Cộng sự

Thứ nhất, do có sự khác biệt trong việc áp dụng Luật Đất đai qua các thời kỳ. Theo nguyên tắc việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trong giai đoạn 1 của dự án được thực hiện theo các quy định của Luật Đất đai 2003 và các văn bản hướng dẫn liên quan. Trong khi đó, việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tại giai đoạn 2 của dự án được áp dụng theo quy định tại Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn có liên quan.

Sau gần 10 năm áp dụng, những quy định của Luật Đất đai năm 2003 nói chung đã bộc lộ những vướng mắc, bất cập, đặc biệt là trong lĩnh vực về thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Để khắc phục hạn chế này, Luật Đất đai năm 2013 đã có nhiều điểm đổi mới về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, trong đó có việc tách nguyên tắc bồi thường về đất và nguyên tắc bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thành 02 điều riêng biệt.

Như vậy, có thể số tiền bồi thường về đất tại giai đoạn 1 của dự án đã bao gồm bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh; trong khi đó, số tiền bồi thường về đất và số tiền bồi thường thiệt hại về tài sản, ngừng sản xuất, kinh doanh tại giai đoạn 2 của dự án đã được tách biệt hoàn toàn.

Bên cạnh đó, Luật Đất đai 2013 đã quy định cụ thể về loại đất và diện tích được bồi thường. Theo đó, đối với thửa đất bao gồm nhiều loại đất và vượt hạn mức quy định sẽ tách riêng từng loại đất và tính theo giá thị trường loại đất chứ không gộp chung thành 1 loại đất như Luật Đất đai 2003. Đồng thời, đối với phần diện tích vượt hạn mức cho phép thì không được bồi thường về đất.

Thứ hai, do độ khấu hao của tài sản. Theo quy định cụ thể tại Điều 9 Nghị định 47/2014/NĐ-CP thì mức bồi thường đối với nhà, công trình bằng tổng giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại và khoản tiền tính bằng tỷ lệ phần trăm theo giá trị hiện có của nhà, công trình đó.

Trong đó, giá trị hiện có của nhà, công trình bị thiệt hại = tỷ lệ phần trăm chất lượng còn lại của nhà, công trình đó x giá trị xây dựng mới của nhà, công trình có tiêu chuẩn kỹ thuật tương đương do Bộ quản lý chuyên ngành ban hành.

Như vậy, giá trị bồi thường đối với nhà và các tài sản gắn liền trên đất bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, trong đó phần lớn là độ khấu hao của tài sản đã qua sử dụng làm giảm giá trị của tài sản tại thời điểm được bồi thường. Đối với các hộ dân sinh sống tại thôn An Lĩnh và thôn Bến, xã Lê Lợi, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương đã xây dựng tài sản gắn liền trên đất từ trước thời điểm năm 2013, tính đến năm 2023 đã có hơn 10 năm sử dụng nên độ khấu hao tài sản là rất lớn, làm ảnh hưởng nhiều đến số tiền được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất của các hộ dân.

be840d8f-2154-478a-a8b7-e6518c43b911.jpg
UBND TP. Chí Linh áp giá đền bù không đồng nhất và gộp nhiều thửa đất để đền bù trong khi các thửa đất đã tách quyền sử dụng đất riêng biệt.

Thứ ba, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến sự khác nhau. Cần kiểm tra cách tính, cách xác định nguồn gốc đất, định giá tài sản bị thu hồi của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng đã phù hợp với quy định pháp luật về thu hồi đất, bồi thường thiệt hại hay chưa? Rõ ràng theo như thông tin phản ánh trong việc thu hồi đất của các hộ dân ở dự án cho thấy nhiều điểm bất cập, không phù hợp với quy định pháp luật như việc gộp thửa để tính hạn mức đất ở, đền bù không đúng với diện tích đất ở thực tế của hộ dân đang sử dụng… áp dụng đơn giá bồi thường không đúng với hiện trạng sử dụng của người bị thu hồi, quy trình thực hiện thu hồi đất không đúng quy định pháp luật như không tổ chức họp với người dân để thống nhất phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư…

Đại diện người dân bị ảnh hưởng do Dự án mở rộng đường Côn Sơn – Kiếp Bạc, cho biết: Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường đăng bài, UBND Tp. Chí Linh và xã Lê Lợi đã tổ chức họp với nhiều hộ dân để nắm bắt thông tin, nguyện vọng… đại diện chính quyền đã thông nhất xem xét lại nguồn gốc đất, điều chỉ và bổ sung phương án thu hồi đất, hỗ trợ đền bù, cũng như tách hộ để làm lại phướng án bồi thường cho người dân.

Bên cạnh đó, Luật sư Hồng Bách đã phân tích rõ về trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Đoán nói riêng và các hộ dân bị thu hồi đất nói chung không đồng ý với Quyết định phê duyệt phương án bồi thường và có thắc mắc đối với phương án bồi thường mới của UBND TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ông Đoán và những hộ gia đình có thể thực hiện thủ tục khiếu kiện bằng việc gửi Đơn khiếu nại tới Chủ tịch UBND TP. Chí Linh đề nghị đưa các Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra các căn cứ, cơ sở pháp lý viện dẫn và áp dụng đối với việc thu hồi đất và phương án bồi thường, hỗ trợ đất đai, tài sản, cây cối, hoa màu đối với hộ gia đình ông và các hộ dân. Trường hợp sau khi có quyết định giải quyết khiếu nại mà hộ ông Đoán và các hộ dân không đồng ý với nội dung của Quyết định này thì có thể thực hiện thủ tục khởi kiện đề nghị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy Quyết định phê duyệt phương án bồi thường đối với các hộ dân và Quyết định giải quyết khiếu nại.

110bb150-f7a4-44a3-a8e0-c1ad8cd3a69a.jpg
Dự án mở rộng đường vào khu di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc

Đặc biệt, trường hợp phát hiện ra sai phạm trong việc áp dụng quy định pháp luật của UBND TP. Chí Linh, ông Đoán và các hộ dân có thể thực hiện việc tố cáo hành vi này gửi các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định pháp luật.

Về việc các thửa đất ông cha để lại và đã được tách thửa cho các hộ gia đình nhưng chính quyền lại gộp thành 1 thửa đất để lên phương án đền bù, hỗ trợ, Luật sư Hồng Bách khẳng định: “Căn cứ Điều 74, 75 Luật Đất đai năm 2013 quy định, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận sẽ được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Như vậy, có thể hiểu mỗi hộ gia đình sử dụng và có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất riêng sẽ có phương án bồi thường độc lập khi Nhà nước thu hồi đất”.

Theo đó, việc UBND TP. Chí Linh gộp thửa đất của ông Hoàng Văn Tiến và ông Hoàng Văn Tuyển lại để lên 1 phương án bồi thường là không đúng, không phù hợp với quy định của pháp luật về thu hồi đất và bồi thường, hỗ trợ tái định cư, việc thực hiện gộp các thửa đất để giảm trừ hạn mức là sai, xâm phạm quyền của những người sử dụng đất. Trường hợp có căn cứ rõ ràng để khẳng định việc thu hồi đất của các hộ dân Hoàng Văn Tiến và Hoàng Văn Tuyến là sai thì UBND TP. Chí Linh cần ban hành Quyết định thu hồi/đính chính Quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

a93c1878-ef47-43f5-9317-712930343698.jpg
Ông Nguyễn Văn Đoán là một trong những gia đình đi đầu trong công tác giải phóng mặt bằng năm 2013

Qua đó, Luật sư Hồng Bách cũng đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Hải Dương xác định chính xác nguyên nhân dẫn đến sự khác nhau giữa 02 Quyết định thu hồi đất (giai đoạn 1 và 2) và đảm bảo các quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất, để làm được điều đó UBND Tp. Chí Linh là cơ quan chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan cần rà soát lại tổng thể các quy định về bồi thường, hỗ trợ tái định cư áp vào việc thu hồi đất của các hộ dân đã phù hợp hay chưa, còn thiếu sót, hạn chế ở điểm nào không... Và kịp thời tổng hợp các kiến nghị của các hộ dân đang phản ánh. Từ đó, đưa ra các điều chỉnh cho phù hợp với quy định pháp luật trong việc thu hồi đất của các hộ dân, đảm bảo tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư được hiệu quả.

Trên thực tế, từ vụ việc có thể thấy UBND Tp. Chí Linh khi thực hiện thu hồi đất đã không thực hiện đúng, đầy đủ các quy định pháp luật trong việc thu hồi đất. Do đó, về việc này UBND Tp. Chí Linh cần nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm và kịp thời sửa sai từ đó khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài “Dự án mở rộng đường Côn Sơn – Kiếp Bạc": Luật sư đề nghị làm rõ những khuất tất về bồi thường, hỗ trợ cho người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO