Ảnh minh họa |
Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, xác định các nhiệm vụ tại Đề án bảo đảm tính khả thi, hiệu quả, tránh chồng chéo với các Đề án, nhiệm vụ đã, đang được giao thực hiện.
Bộ Tài nguyên và Môi trường làm rõ các nhiệm vụ về triển khai các ứng dụng, giải pháp công nghệ phục vụ phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu dựa trên cơ sở dữ liệu liên ngành về đồng bằng sông Cửu Long cho người dân, doanh nghiệp; tiếp thu đầy đủ ý kiến của các Bộ, cơ quan đã đóng góp, hoàn thiện Đề án gửi Bộ Thông tin và Truyền thông có ý kiến, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) liên ngành vùng ĐBSCL sẽ được xây dựng trên cơ sở tổng hợp CSDL vĩ mô cấp vùng của các Bộ, ngành tại Trung ương, CSDL chi tiết của các địa phương và dữ liệu các tổ chức trong nước và quốc tế. Đây là nguồn thông tin đầu vào quan trọng cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng ĐBSCL và của từng địa phương trong Vùng; tăng cường năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập quốc tế; nâng cao sinh kế, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và bảo vệ môi trường sinh thái.
Đề án có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển bền vững ĐBSCL theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, CSDL liên ngành về ĐBSCL phải được tiếp cận đa ngành, đa lĩnh vực để xử lý đồng bộ, tổng thể với một tầm nhìn dài hạn với sự phối hợp tham gia của tất cả các ngành kỹ thuật, kinh tế - xã hội bằng những công cụ hiện đại, mang tính kết nối cao phục vụ quản lý, điều hành để giải quyết và ứng phó kịp thời với sự tác động của BĐKH mang tính liên vùng, liên khu vực và quốc tế.
Triển khai Đề án này cũng phục vụ đắc lực cho xây dựng, triển khai, phát triển Chính phủ điện tử; cung cấp hạ tầng dữ liệu cho tỉnh; phát triển đô thị thông minh, hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số; tạo điều kiện việc triển khai Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.