Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành phát biểu tại cuộc họp (Ảnh chụp qua màn hình) |
Báo cáo tại cuộc họp, ông Lê Quốc Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ TN&MT) cho biết, ngay sau khi có kết luận của Thứ trưởng Lê Công Thành tại cuộc họp trước, các đơn vị liên quan đã gửi báo cáo về Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam rất sớm để Tổng cục tổng hợp, báo cáo tại cuộc họp hôm nay.
Qua kiểm tra, rà soát ở các đơn vị trong ngành, ông Lê Quốc Hùng cho biết, những năm qua, đã có nhiều dự án, nhiệm vụ nghiên cứu có nội dung liên quan đến Đề án này được triển khai tại tại các đơn vị trong ngành như: Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu.
Ví dụ như dự án của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản phục vụ cho cảnh báo nguy cơ lũ quét, trượt lở đất được triển khai trước đó đã hoàn thành việc phân vùng tại 15 tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ (có các số liệu về địa lý tự nhiên, các thảm phủ, đặc điểm địa chất kiến tạo); còn 3 tỉnh (gồm Phú Thọ, Tuyên Quang, Vĩnh phúc) đã điều tra hiện trạng nhưng chưa có bản đồ thành phần; 7 tỉnh (gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi) đã điều tra hiện trạng và có đủ các bản đồ thành phần; đã điều tra chi tiết và khoanh vùng tại 64 xã trọng điểm với tỉ lệ bản đồ 1/10.000; có tổng số 25 tỉnh đã điều tra hiện trạng; còn 12 tỉnh chưa điều tra hiện trạng và phân vùng (chủ yếu là các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên)…
Qua tổng hợp, đánh giá kết quả các đề án, dự án đã triển khai, Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nhận thấy có nhiều vấn đề tồn tại như cách tiếp cận, định nghĩa khác nhau; tỷ lệ nghiên cứu khác nhau; phương pháp thực hiện, phạm vi nghiên cứu khác nhau và cho ra các sản phẩm khác nhau.
Từ hiện trạng đó, ông Lê Quốc Hùng đề xuất sửa lại tên Đề án trình Chính phủ lần này là “Cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt nam”. Đồng thời, tiến hành rà soát lại mục tiêu, nhiệm vụ và sản phẩm của các nhiệm vụ khoa học công nghệ và Dự án 705 của Tổng cục Khí tượng Thủy văn để thống nhất nội dung thực hiện; thành lập Ban quản lý thống nhất về các đề tài, dự án liên quan đến thiên tai trong Bộ TN&MT; Quyết định giao nhiệm vụ lập Đề cương dự án cho đơn vị cụ thể.
Theo Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Đề án sau khi đổi tên có mục tiêu tổng quát là: xây dựng và hoàn thiện hệ thống quản lý thiên tai hiện đại, thống nhất liên ngành, phục vụ cảnh báo sớm trượt lở đất đá, lũ quét, tiến tới cảnh báo theo thời gian thực tại các khu vực có nguy cơ cao nhằm giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; Điều tra, đánh giá chi tiết và cập nhật thông tin về trượt lở đất đá, lũ quét khu vực miền núi, trung du Việt Nam trên cơ sở phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan nghiên cứu - quản lý - chính quyền - nhân dân địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội.
Đề án có 7 mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ chính của Đề án gồm 8 nội dung. Thời gian thực hiện Đề án được xác định từ nay đến năm 2025.
Lãnh đạo Vụ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại cuộc họp (Ảnh chụp qua màn hình) |
Phát biểu tại cuộc họp, các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản thống nhất với báo cáo tổng hợp và các đề xuất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam. Các ý kiến đều đồng ý đổi tên Đề án; tuy nhiên, cần chỉnh sửa lại mục tiêu tổng quát và một số mục tiêu cụ thể của Đề án, trong đó chú ý đến nội dung “cảnh báo sớm”; cân nhắc yếu tố kỹ thuật công nghệ và tính khả thi, nguồn lực thực hiện Đề án; loại bỏ hoặc gộp các nội dung còn trùng lặp. Về lộ trình thực hiện Đề án, có ý kiến cho rằng nên thực hiện đến 2030 thay vì 2025 như dự thảo Đề án đưa ra…
Phát biểu kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Lê Công Thành biểu dương công tác chuẩn bị báo cáo rất công phu của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản và Vụ Khoa học và Công nghệ. Các báo cáo này đã dựng lại được bức tranh toàn cảnh về những việc đã làm, đang làm và sẽ làm liên quan đến Đề án. Đồng thời, yêu cầu các đồng chí trong Ban Chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu kỹ báo cáo này để có góp ý cho dự thảo đề cương Đề án sẽ trình Chính phủ tới đây.
Đồng ý đổi tên Đề án như đề xuất của Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, Đề án trình Chính phủ được hoàn thiện sẽ là một Đề án chung kết hợp được các đề tài, nhiệm vụ đang có. Khi được Chính phủ phê duyệt, Bộ TN&MT sẽ phê duyệt những nội dung chi tiết, cụ thể. Đề án cũng cần tận dụng tất cả các nguồn kinh phí để thực hiện.
Lưu ý quá trình triển khai điều tra, khảo sát, Thứ trưởng nhấn mạnh để tránh việc dàn trải, tốn kém kinh phí và kém hiệu quả, cần thay đổi cách làm. Theo đó, thay vì đi điều tra, khảo sát trên diện rộng thì chúng ta sẽ thực hiện điều tra theo đối tượng cần bảo vệ. Nghĩa là chỗ nào có khu dân cư, có cơ sở kinh tế - xã hội, có hồ chứa, đường xá cầu cống… thì làm cho chỗ đó. Đồng thời, sẽ tiến hành điều tra, khảo sát theo yêu cầu của chính quyền địa phương, phục vụ việc tìm vị trí di dời dân cư.
Mặt khác, Thứ trưởng Lê Công Thành cho rằng, dự thảo Đề án đưa ra vấn đề sử dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để cảnh báo trượt lở đất đá, lũ quét đến tận “điểm”, điều này là khó thực hiện. Thứ trưởng yêu cầu Tổng cục Địa chất và Khoáng sản nghiên cứu lại căn cứ khoa học, kinh nghiệm thực tiễn ở các quốc gia khác về việc này để có phương án thực hiện phù hợp.
Rút kinh nghiệm ở giai đoạn trước khi có dự án đưa về địa phương không sử dụng được, với Đề án này, Thứ trưởng Lê Công Thành yêu cầu cần đề ra việc xây dựng hành lang pháp lý, các quy định, quy trình, trách nhiệm của các cấp chính quyền địa phương, doanh nghiệp phải làm gì để tránh được thiên tai do trượt lở đất, lũ quét gây ra.