Nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá sau khi mưa kết thúc: Không lơ là, chủ quan
(TN&MT) - Tình trạng sạt lở đất là một mối đe dọa thường xuyên tại Việt Nam, gây thiệt hại lớn về người và tài sản hàng năm. Mưa to liên tục do hoàn lưu bão số 3 đã gây ra nhiều trận lũ lớn và sạt lở đất nghiêm trọng trong những ngày qua tại các tỉnh như Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai,...
Để làm rõ nguyên nhân cũng như giải pháp phòng tránh lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền Bắc nói chung và các địa phương trên nói riêng, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trò chuyện với TS. Trịnh Hải Sơn, Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
PV: Thưa ông, xin ông cho biết nguyên nhân dẫn đến những vụ sạt lở gần đây tại các địa phương, trong đó có các tỉnh Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai?
TS. Trịnh Hải Sơn: Nguyên nhân khiến các địa phương trên, đặc biệt là Lào Cai và Yên Bái - hai tỉnh vùng núi Tây Bắc - trở thành “điểm nóng" sạt lở, lũ quét là do hội tụ các yếu tố địa hình, địa chất, cộng với sự kích hoạt mạnh do mưa từ hoàn lưu bão Yagi.
Khu vực này nằm trên các đứt gãy lớn (hiện tượng địa chất liên quan đến quá trình kiến tạo vỏ trái đất) như các đứt gãy sông Hồng, Sông Đà, sông Mã… Trong đó hệ thống đứt gãy sông Hồng dọc theo Lào Cai, Yên Bái, là đứt gãy lớn, kéo dài hàng nghìn km, chiều ngang có thể rộng 5-10 km, được hình thành hàng chục triệu năm, tái hoạt động nhiều lần. Các đứt gãy khiến nền đất bị nứt nẻ, dập vỡ, tạo điều kiện cho nước thấm, mềm, bở ra nhanh. Địa hình của tỉnh đa phần là núi đá có lớp phong hóa dày, ít rắn chắc và độ dốc lớn, gây nguy cơ trượt lở cao.
Ngoài Lào Cai, Yên Bái, các tỉnh lân cận vùng Tây Bắc như Sơn La, Lai Châu cũng có tính chất địa hình tương tự.
Bên cạnh yếu tố địa chất, địa hình thì yếu tố lượng mưa và những cơn mưa sau bão đã kích hoạt tai biến thiên nhiên như trượt lở, lũ quét. Mặt khác, thời tiết chuyển từ hiện tượng El Nino sang La Nina, khiến bão trực tiếp theo hướng từ ngoài Biển vào miền Bắc Việt Nam, gây mưa lớn và kéo dài nhiều ngày.
Bão Yagi đổ bộ đúng vào thời điểm các khu vực này đã trải qua nhiều ngày mưa lớn. Thực tế thời gian qua cho thấy, khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa với cường độ lớn, kéo dài nhiều ngày, nhiều khu vực đã xảy ra lũ, lụt, làm cho phần đất đá trên các sườn dốc đã đạt đến trạng thái bão hòa gây ra trượt lở đất đá tại nhiều nơi. Các khu vực sườn dốc đều đang ở trạng thái bão hòa nước lại tiếp tục được bổ sung thêm nước do mưa lớn (bão Yagi) khiến hàng loạt vụ sạt lở, lũ quét liên tiếp xảy ra.
Yếu tố kích hoạt sạt lở đất quan trọng nhất là do đất bị bão hòa nước khi lượng mưa quá lớn hoặc có lượng mưa tích lũy dài ngày, bởi đất là lớp trên cùng của vỏ trái đất và được tạo ra từ vật chất đá gốc tại chỗ hoặc từ nơi khác chuyển đến. Dưới lớp đất là đá gốc, chiều dày của đất phụ thuộc vào điều kiện khí hậu, địa hình... Độ bão hòa nước của đất phụ thuộc vào tính chất của đất như lỗ rỗng đất, độ gắn kết đất..., khi mất độ gắn kết, đất sẽ sạt lở theo một độ dốc, sườn dốc. Thông thường khi đất bão hòa thì độ gắn kết của đất rất kém, nước sẽ bị nhão ra thành bùn lỏng và thường xảy ra trượt lở đất, lũ quét.
Mặc dù yếu tố kích hoạt trượt lở chính là mưa, nhưng sau khi dừng mưa, độ ổn định của các sườn dốc vẫn còn rất thấp, vẫn có thể xảy ra trượt lở bất cứ lúc nào. Thậm chí, có nhiều trường hợp, khi mưa tạnh, thời tiết nắng sau vài ngày nhưng vẫn xảy ra trượt lở đất đá do nền đất chưa được ổn định. Do vậy, cần đặc biệt chú ý, tránh chủ quan về nguy cơ xảy ra trượt lở đất đá khi kết thúc đợt mưa…
Khi xảy ra trượt lở đất với quy mô từ trung bình đến rất lớn có thể là tác nhân hình thành các dòng lũ bùn đá tại các lưu vực sông suối và sẽ tác động đến các công trình công cộng như trường học, trạm, đập chắn nước, khu vực dân cư, ruộng vườn, hệ thống truyền tải điện... gây thiệt hại lớn về người và tài sản. Nếu khối trượt xảy ra vào đúng vị trí sông, suối, sẽ làm lấp dòng suối tạo thành đập chắn tự nhiên kết cấu yếu, tích “túi nước” và vỡ ra khi vượt ngưỡng chịu đựng tạo thành dòng lũ. Dòng nước lũ quét tiếp tục cuốn theo vật chất từ trượt lở và mọi vật chất trên đường đi chuyển thành lũ bùn đá.
Vụ lũ quét ở Làng Nủ (Lào Cai) giống với dạng lũ bùn đá, mặc dù nơi này nằm ở thung lũng (tương đối bằng phẳng), có nguy cơ trượt lở thấp, tuy nhiên, khu vực thượng nguồn suối ở núi Voi (phía thượng nguồn khe suối) được đánh giá có nguy cơ cao, do đó, khi xảy ra trượt lở, lũ bùn đá trên thượng nguồn đổ xuống, hạ nguồn lưu vực sẽ chịu hậu quả.
Phần lớn sạt lở sẽ cung cấp nguồn vật liệu cho lũ quét và lũ bùn đá. Nhìn chung, các trận lũ quét, lũ bùn đá xảy ra tại các vùng núi, trung du Việt Nam hầu như đều có liên quan đến trượt lở đất đá. Trượt lở đất đá, lũ quét nếu cùng xảy ra trong phạm vi một lưu vực thì chúng có liên quan mật thiết với nhau, trong đó thiên tai này có thể là nguyên nhân hoặc hậu quả của thiên tai kia.
PV: Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin, dự báo thời tiết ngày càng chi tiết hơn, thậm chí nhiều hiện tượng thiên nhiên được dự báo từ rất sớm. Vậy với trượt lở đất đá, lũ quét, các nhà chuyên môn có dự báo được sớm không và ông có đề xuất gì để công tác dự báo sớm này ngày càng đạt hiệu quả như mong muốn, thưa ông?
TS. Trịnh Hải Sơn: Với sự phát triển của khoa học công nghệ và thông tin như hiện nay, việc cảnh báo sớm về nguy cơ trượt lở đất đá, lũ quét là có thể được. Việc dự báo đợt mưa bão Yagi vừa rồi tương đối tốt, từ lượng mưa đến cấp độ bão, tuy nhiên để dự báo được trượt lở cần có những mô hình tương đối chi tiết cho từng điểm cụ thể.
Ở Việt Nam hiện nay, các công nghệ cảnh báo sớm đã và đang đạt được những thành tựu tại một số cơ quan, đơn vị, địa phương. Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn lượng lớn công việc cần phải làm để lấp đầy những khoảng trống về công nghệ, trong đó có vấn đề truyền thông.
Bên cạnh đó, hiện nay, ở Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, mới có bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở tỷ lệ 1:50.000 cho các huyện miền núi ở 15 tỉnh, do vậy mong rằng trong thời gian tới có thể có những bản đồ cảnh báo nguy cơ trượt lở ở tỷ lệ lớn hơn cho những điểm cụ thể.
PV: Xin ông chia sẻ các giải pháp để phòng tránh và ứng phó với lũ quét, sạt lở đất tại các địa phương ở miền Bắc nói chung và các tỉnh như Cao Bằng, Yên Bái, Lào Cai… nói riêng?
TS. Trịnh Hải Sơn: Để cảnh báo chính xác sạt lở, lũ bùn đá, cần nhiều yếu tố. Trong đó, đầu vào quan trọng là lượng mưa trực tiếp tại khu vực đo đạc. Thông thường, một trạm đo mưa sẽ sử dụng chính xác và hiệu quả cho một vùng nhất định, nên khu vực càng xa trạm đo, độ chính xác càng giảm.
Thời gian tới cần đặt trọng tâm vào xây dựng bản đồ nguy cơ sạt lở, lũ quét chi tiết nhất có thể. Nếu không chi tiết được đến từng điểm nhỏ thì không thể gọi là cảnh báo, mà chỉ dừng ở việc dự báo. Hơn nữa, cần phải hướng tới cảnh báo sạt lở, lũ bùn đá theo thời gian thực cho các điểm có nguy sạt lở đất cao.
Dẫn chứng ở các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc hay ở Đài Loan (Trung Quốc), sau khi có bản đồ cảnh báo nguy cơ, họ sẽ xây dựng những trạm quan trắc cố định tại những nơi được xác định có nguy cơ trượt lở, lũ bùn đá cao. Ngoài ra, còn các trạm di động đặt trên ô tô và di chuyển đến nơi có dự báo mưa lớn, bão lớn (theo từng trường hợp cụ thể) để thu thập dữ liệu, đưa ra cảnh báo và phương án xử lý phù hợp.
Bên cạnh đó, chính quyền cũng tổ chức diễn tập hàng năm để người dân làm quen và chủ động ứng phó khi có sự cố, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản đến mức tối đa nhất có thể.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
Mai Đan (thực hiện)