Lũ ở Cao Bằng trên báo động 3, nhiều huyện miền núi nguy cơ sạt lở
(TN&MT) - Vào hồi 17 giờ ngày 8/6, mực nước trên sông Gâm tại trạm thủy văn Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng) ở mức +198,2m trên mức báo động 3 là 0,2m và dự báo tiếp tục lên. Nguy cơ gây ngập lụt các khu vực trũng thấp ven sông Gâm các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng.
Để chủ động ứng phó, giảm thiệt hại về tính mạng và tài sản của người dân, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai đã gửi công văn đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Cao Bằng theo dõi chặt chẽ diễn biến lũ và thông tin kịp thời đến người dân khu vực có nguy cơ ngập lụt để chủ động phòng, tránh.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia yêu cầu Ban chỉ huy tỉnh Cao Bằng chủ động có biện pháp, sẵn sàng tổ chức di dời, sơ tán khẩn cấp người dân ở hạ lưu hồ, đập, khu vực thấp trũng, ven sông có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt đến nơi an toàn. Đồng thời, thông báo cho các chủ lồng bè; chủ đầu tư có công trình đang xây dựng ven sông; các chủ phương tiện vận tải thuỷ, khai thác khoáng sản biết thông tin về mưa, lũ để chủ động có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, lồng bè, phương tiện, thiết bị và công trình. Bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, nhất là qua các cầu, ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết.
Cơ quan chức năng cần chỉ đạo chủ hồ thường trực, vận hành hồ đập theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du. Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn theo cấp báo động; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu. Bên cạnh đó, chỉ đạo đài phát thanh, truyền hình địa phương tăng cường thông tin về diễn biễn của lũ đến người dân và các cấp chính quyền để chủ động phòng tránh; cơ quan chuyên môn phối hợp với đài truyền hình địa phương, các cơ quan thông tin truyền thông, nhất là tại cơ sở tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn người dân chủ động ứng phó lũ, ngập lụt để giảm thiểu thiệt hại.
Trước đó, mưa lớn diện rộng ngày 4 - 5/6 đã khiến một số địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng xảy ra lũ, ngập úng, sạt lở đất đá. 83 ngôi nhà đã bị thiệt hại, một số công trình khác bị đổ, sập; nhiều sân, nền nhà bị rạn nứt, sụt lún. Hàng trăm nghìn ha hoa màu bị ngập nước, và thiệt hại. Lũ cũng cuốn trôi nhiều gia súc, gia cầm của người dân.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, trong chiều nay 8/6, khu vực các tỉnh Điện Biên, Hòa Bình, Hà Giang, Tuyên Quang, Yên Bái và Phú Thọ đã có mưa vừa, mưa to.
Lượng mưa từ 14 giờ đến 17 giờ ngày một số nơi như: Tử Nê 58mm, Tân Pheo 55,6mm (Hòa Bình); Mường Mun 2 41,8mm (Điện Biên); Vĩ Thượng 65,8mm (Hà Giang); Yên Thuận 42mm (Tuyên Quang); Minh Bảo 48,8mm (Yên Bái); Phúc Khánh 55mm (Phú Thọ)...
Trong tối nay, khu vực các tỉnh trên tiếp tục có mưa với lượng mưa tích lũy phổ biến từ 20-50mm, có nơi trên 80mm. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc tại các tỉnh trên, đặc biệt tại các huyện: Tuần Giáo, Tủa Chùa (Điện Biên); Cao Phong, Đà Bắc, Hòa Bình, Kim Bôi, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc, Yên Thủy (Hòa Bình); Bắc Quang, Hoàng Su Phì, Quang Bình, Vị Xuyên, Xín Mần (Hà Giang); Hàm Yên, Lâm Bình (Tuyên Quang); Lục Yên, Trấn Yên, Yên Bái, Yên Bình (Yên Bái); Đoan Hùng, Hạ Hoà, Lâm Thao, Tam Nông, Tân Sơn, Thanh Ba, Thanh Sơn, Việt Trì, Yên Lập (Phú Thọ).