Hội nghị sẽ bao gồm 1 Phiên khai mạc và bế mạc, 6 Phiên họp toàn thể và năm phiên đối thoại tương tác, cùng với các sự kiện bên lề do những người tham gia tổ chức. Kết quả của Hội nghị này sẽ được tổng hợp trong một bản báo cáo tóm tắt và sẽ được Chủ tịch Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc trình bày trong phiên họp năm 2023 của Diễn đàn Chính trị cấp cao về Phát triển bền vững tại Liên Hợp Quốc (HLPF).
Trước đó, Lễ Khởi động Thập kỷ Hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” 2018 - 2028 đã được Liên Hợp Quốc phát động vào ngày 22/3/2018. Tại buổi lễ này, Tổng thống Tajikistan, thay mặt các nước tham gia trong Nhóm thảo luận cấp cao về Nước, đã chia sẻ các khuyến nghị của Nhóm về các trọng tâm của Thập kỷ Hành động, trong đó, nhấn mạnh việc tăng cường chia sẻ thông tin về nước, bảo vệ các nguồn nước, tăng đầu tư nghiên cứu về nước, tăng sự quan tâm đối với các nhóm dễ bị tổn thương trong tiếp cận nước…
Cũng tại lễ khởi động, đại diện các quốc gia đã phát biểu chia sẻ về các nỗ lực hợp tác quốc tế và khu vực nhằm giải quyết các thách thức có liên quan tới nước; giới thiệu các sáng kiến, công nghệ xử lý sự khan hiếm nước sạch; nhấn mạnh cần phải nhìn nhận vấn đề Nước trong tổng thể cùng các vấn đề phát triển, an ninh, môi trường khác.
Thiếu tiếp cận với nước uống an toàn và điều kiện vệ sinh cơ bản, vệ sinh môi trường cùng với tình trạng khan hiếm nước và ô nhiễm nguồn nước là một trong những thách thức lớn nhất hiện nay đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt, đối với các nước đang phát triển. Những thiên tai liên quan đến nước ngày càng tăng, cùng với tác động của biến đổi khí hậu, đô thị hóa, tăng dân số, sa mạc hóa và hạn hán,… khiến cho khả năng đảm bảo quản lý tài nguyên nước một cách tổng hợp toàn diện càng trở nên khó thực hiện hơn. Chính vì vậy, Thập kỷ Hành động “Nước vì Phát triển Bền vững” nhằm hướng tới việc tiếp tục và mở rộng khuôn khổ của các cuộc đối thoại giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế để tạo động lực mới, thúc đẩy nỗ lực tăng cường thực hiện các mục tiêu thiên niên kỉ.
Trên thế giới hiện nay 2,1 tỷ người đang không có nước sạch để dùng. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ đạt tới 3,9 tỷ người - nghĩa là cứ 5 người trên thế giới sẽ có hơn 2 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sạch. Theo Liên Hợp Quốc, sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh là một trong số các nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới. Đến năm 2035, sẽ có khoảng 3 tỷ người, chiếm gần 50% dân số Trái đất phải đối mặt với các khó khăn do tình trạng thiếu nước, ở các mức độ khác nhau.
Các nguồn nước không được quản lý tốt nhiều khả năng sẽ tác động tới sức khỏe của người dân và nông nghiệp của vùng bị ảnh hưởng, đẩy giá lương thực lên cao. Điều này có nguy cơ thổi bùng những xung đột tiềm ẩn và đẩy mạnh làn sóng di cư.
Trước sức ép gia tăng dân số và phát triển kinh tế, nước đang ngày càng bị khai thác và sử dụng vượt quá lượng có thể phục hồi. Đô thị hóa, nông nghiệp, công nghiệp và biến đổi khí hậu đang gây sức ép lên cả chất lượng và số lượng nguồn nước. Sự cạn kiệt nguồn nước, sự gia tăng về nhu cầu nước sạch sự suy giảm về chất lượng nguồn nước đang là những thách thức toàn cầu mà nhân loại phải đối mặt.
Chưa hết, với khoảng 2 tỷ tấn rác con người thải vào nguồn nước mỗi ngày, con người còn phải đối mặt với thách thức ô nhiễm nguồn nước ở khắp nơi trên thế giới. Mặc dù sự cải thiện về chất lượng nguồn nước có thể thấy ở vài khu vực, ô nhiễm nước vẫn đang gia tăng trên toàn cầu.
Để tránh một cuộc khủng hoảng sâu rộng trong tương lai, con người phải đánh giá lại cách thức sử dụng, phân bổ nguồn nước và đưa ra những quyết định có ý nghĩa chiến lược về nước theo hướng chuyển từ mở rộng nguồn cung sang hạn chế nhu cầu.
Nghĩa là thay vì tiếp tục làm cạn kiệt nguồn nước tìm cách vay thêm từ "ngân hàng nước", nhân loại cần sử dụng tiết kiệm khoản đã vay, điều chỉnh nhu cầu của mình cho phù hợp với nguồn cung nước có hạn, đang bất ổn và dần bị thu hẹp. Đồng thời, các chính phủ cần đưa ra các chính sách khí hậu phù hợp với thực tế về nguồn nước.
Nhân loại có thể tránh được một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu nếu chúng ta hiểu rõ hơn những nguy cơ thực sự đang phải đối mặt. Và đây là lúc mọi người cần hiểu rõ những nguy cơ liên quan đến nguồn nước và áp dụng mọi giải pháp để bảo vệ nguồn nước – tài sản chi phối mọi sự sống.
Ở nhiều nơi trên thế giới, nước là nguồn tài nguyên khan hiếm. Mặc dù vậy, trên toàn thế giới, từ 35% đến 40% lượng nước mà chúng ta thu và sản xuất từ các nguồn khác nhau bị lãng phí. Hơn 1/3 lượng nước uống được sản xuất không bao giờ đến tay người dùng cuối. Nước kém chất lượng gây thiệt hại cho hàng triệu sinh mạng mỗi năm và là gánh nặng lớn đối với việc chăm sóc sức khỏe. Việc đáp ứng các mục tiêu về nước uống và vệ sinh phù hợp có thể tiết kiệm 10% chi phí chăm sóc sức khỏe trên toàn cầu.