Ứng phó với thách thức của nhiệt độ tăng cao - vấn đề toàn cầu
Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres vừa đưa ra lời kêu gọi hành động khẩn cấp để bảo vệ tốt hơn hàng tỷ người trên khắp thế giới đang phải chịu những tác động tàn phá của nhiệt độ cực cao, trong bối cảnh nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng không ngừng.
Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh nhiệt độ kỷ lục và các đợt nắng nóng gây chết người - từ Mỹ đến Sahel của Châu Phi và Châu Âu đến Trung Đông - đã khiến hàng trăm người thiệt mạng vào mùa hè này. Trong đó, hơn 1.300 người được ghi nhận tử vong trong thời gian tham gia cuộc hành hương Hajj năm nay tới Thánh địa Mecca (Saudi Arabia).
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York (Mỹ), Tổng thư ký António Guterres cho biết: "Hàng tỷ người đang phải đối mặt với nhiệt độ cực cao, mệt mỏi với những đợt nắng nóng gây chết người, với nhiệt độ lên tới hơn 50 độ C tại một số nơi trên thế giới".
Người đứng đầu LHQ cho rằng thông điệp rất rõ ràng: “Nhiệt độ đang tăng cao. Nhiệt độ cao đang tác động lớn đến con người và hành tinh. Thế giới phải ứng phó với thách thức của nhiệt độ tăng cao”.
Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất
Ông Guterres nhấn mạnh rằng mặc dù nhiệt độ cao tàn phá khắp mọi nơi, nhưng nó không ảnh hưởng đến tất cả mọi người như nhau. Những người có nguy cơ cao nhất bao gồm người nghèo ở thành thị, phụ nữ mang thai, trẻ em, người già, người khuyết tật, người bệnh và người di cư, những người thường sống trong nhà ở kém chất lượng mà không được tiếp cận với hệ thống làm mát.
LHQ ước tính, số ca tử vong liên quan đến nhiệt độ cao ở những người trên 65 tuổi đã tăng khoảng 85% trong 2 thập kỷ qua, trong khi 25% trẻ em hiện nay thường xuyên phải hứng chịu các đợt nắng nóng và đến năm 2050, con số này có thể tăng lên gần 100%.
Liên quan đến tác động của nắng nóng đến trẻ em, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cũng vừa công bố dữ liệu cho thấy, trong những năm gần đây, các đợt nắng nóng trên khắp khu vực châu Âu và Trung Á diễn ra thường xuyên hơn. Ước tính mới nhất cho thấy khoảng 50% số trẻ em sống ở 50 quốc gia trên khắp Châu Âu và Trung Á thường xuyên phải hứng chịu các đợt nắng nóng. Con số này cao gấp đôi mức trung bình toàn cầu là cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ phải sống trong tình cảnh này.
"Chúng ta phải ứng phó với nhiệt độ cao bằng cách tăng cường đáng kể khả năng tiếp cận hệ thống làm mát thải ra lượng carbon thấp, tăng cường hệ thống làm mát thụ động, chẳng hạn như các giải pháp tự nhiên và thiết kế đô thị, cũng như cải thiện các công nghệ làm mát và tăng hiệu quả của chúng", ông Guterres cho biết, đồng thời kêu gọi tăng cường tài chính để bảo vệ cộng đồng khỏi "sự hỗn loạn khí hậu".
Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường bảo vệ người lao động. Theo báo cáo mới của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) của Liên hợp quốc, hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu, tương đương 2,4 tỷ người, đang có nguy cơ cao phải hứng chịu nhiệt độ cực cao.
Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở châu Phi và khu vực Ả Rập, nơi có hơn 90% và 80% người lao động phải chịu tác động tương ứng. Ở châu Á và Thái Bình Dương - khu vực đông dân nhất thế giới - cứ 4 người lao động thì có 3 người hứng chịu tác động của nắng nóng, tương đương 75% dân số khu vực.
Ngoài ra, căng thẳng do nhiệt độ tại nơi làm việc dự kiến sẽ khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại 2,4 nghìn tỷ USD vào năm 2030, tăng từ 280 tỷ USD vào giữa những năm 1990. Do vậy, ông Guterres nhấn mạnh: "Chúng ta cần các biện pháp bảo vệ người lao động, dựa trên quyền con người. Đồng thời, chúng ta phải đảm bảo rằng luật pháp và quy định cần phản ánh thực tế về nhiệt độ cực cao hiện nay và được thực thi".
Tăng cường khả năng phục hồi
Đề cập đến những tác động như thiệt hại về cơ sở hạ tầng, mất mùa và gia tăng áp lực lên nguồn cung cấp nước, hệ thống y tế và lưới điện, quan chức LHQ nhấn mạnh nhu cầu tăng cường khả năng phục hồi của nền kinh tế và xã hội.
Các thành phố đặc biệt dễ bị tổn thương, phải chịu tình trạng nóng lên gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Để giải quyết những thách thức này, ông Guterres kêu gọi các quốc gia, thành phố và khu vực cần có các kế hoạch hành động toàn diện và phù hợp dựa trên dữ liệu khoa học. Theo ông, cần một nỗ lực chung để chống nóng cho các nền kinh tế, các khu vực quan trọng và môi trường xây dựng.
Tổng thư ký LHQ nhắc lại điều quan trọng là phải nhận ra vô số hiện tượng ngoài nhiệt độ cực đoan, chẳng hạn như bão, lũ lụt, hạn hán, cháy rừng và mực nước biển dâng cao.
Vấn đề cốt lõi là sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch và sự thiếu hành động vì khí hậu. Các chính phủ, đặc biệt là các quốc gia G20, khu vực tư nhân, các thành phố và khu vực phải khẩn trương thông qua các kế hoạch hành động vì khí hậu để hạn chế nhiệt độ toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Bên cạnh đó, các quốc gia phải nhanh chóng loại bỏ nhiên liệu hóa thạch và chấm dứt các dự án điện than mới.