Xã hội

Hải Dương: Cà rốt được mùa “rớt giá”

Kiên Cường 14/02/2025 - 15:40

(TN&MT) - Về “thủ phủ” cà rốt xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) vào ngày này trên cánh đồng hàng trăm ha, chúng tôi thấy chỉ “lác đác” vài hộ gia đình đang thu hoạch. Thời điểm này những năm trước đây, cà rốt đã được thu hoạch xong xuôi, bà con chuẩn bị cho vụ cây màu mới. Hỏi ra, chúng tôi được biết cà rốt hiện đang rớt giá “thê thảm” người dân không muốn thu hoạch, chờ giá lên để vớt vát thêm bù công sức vất vả “một nắng, hai sương”.

Những ngày đầu xuân, trên cánh đồng xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng (Hải Dương) chúng tôi nhận thấy hàng trăm hécta cà rốt vẫn mướt mát màu xanh, chỉ một vài hộ gia đình đang lặng lẽ thu hoạch.

img_6716.jpg
Mặc dù đến mùa nhưng hàng trăm ha cà rốt xã Đức Chính "lác đác" hộ dân thu hoạch, nguyên nhân do cà rốt "rớt giá"

Bà Nguyễn Thị Hiền, thôn An Phú bên ruộng cà rốt đã thu hoạch xong, buồn rầu chia sẻ: Năm nay, bà con nông dân chúng tôi được mùa cà rốt, nhưng lại “rớt” giá thê thảm. Nhiều hộ gia đình không muốn thu hoạch, để lại chờ lên giá nhưng càng ngày giá càng giảm, đành phải thu hoạch để trồng các loại hoa màu gối vụ, để bù lỗ vụ cà rốt thất bại.

Những năm trước đây, cà rốt được bán giá tại đồng từ 5.500 – 6.000 đồng/kg nhưng hiện các thương lái chỉ thu mua giá 3.000 đồng/kg vào đầu vụ, nay các hộ nếu thu hoạch bán chỉ được 2.500 đồng/kg. Với giá cà rốt như hiện tại thì người trồng không đủ tiền chi trả: Giống, phân bón, thuốc trừ sâu… công sức bỏ ra thì coi như “công cốc” – bà Hiền than thở: Hiện gia đình tôi đang tập trung vào trồng các loại cây hoa màu, rau thơm, cây ngắn ngày trên 1 mẫu cây cà rốt đã thu hoạch, để kiếm thêm nguồn thu, gia đình đang xem xét nếu không khả quan sẽ chuyển đổi sang loại cây trồng khác, vì cà rốt trồng khi xuất khẩu được thương lái thu mua lên giá, khi không xuất khẩu được thì lỗ nặng.

img_6719.jpg
Gia đình trồng cà rốt thôn An Phú đang tranh thủ trồng rau màu để kéo lại vụ cà rốt thua lỗ

Nhiều hộ dân xã Đức Chính trồng cà rốt với số lượng nhiều (từ 3 – 5 mẫu) và thuê đất trong địa bàn tỉnh và các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình... đầu tư trồng cà rốt nay như “ngồi trên đống lửa” bởi tiền thuê đất từ 3.5 – 4 triệu đồng/sào, nếu giá cà rốt như hiện nay nhiều hộ chưa đủ tiền thuê đất, nên nhiều hộ chưa thu hoạch để chờ lên giá.

Ông Nguyễn Đức Thuật, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Chính, cho biết: Hiện xã Đức Chính có diện tích 300 ha trồng cà rốt và 1.000 ha người dân thuê đất trồng trên địa bàn các tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Thái Bình… sản lượng ước đạt 42 tấn/ha. Hiện cà rốt Đức Chính đang bị “rớt” giá nhiều so với các năm trước đây, do nhiều nguyên nhân và chính là thị trường xuất khẩu sang các nước, như: Nhật, Hàn và một số nước Châu Âu với giá thành cao, thì năm nay đang gặp khó khăn. Trong đó, thị trường Nhật Bản hàng năm đều nhập cà rốt với khoảng trên 20 nghìn tấn, giá từ 9 – 10 nghìn đồng/kg, thị trường Hàn Quốc cũng nhập trên 20 nghìn tấn. Vụ cà rốt này, Nhật Bản không nhập cà rốt Đức Chính, Hàn Quốc “bấp bênh” nhập số lượng ít và khả năng cao mất thị trường này, nguyên nhân do dùng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo yêu cầu, hàm lượng Hexaconazol trong củ cà rốt cao.

img_6746.jpg
Theo ông Nguyễn Đức Thuật, Chủ nhiệm Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Đức Chính, do người dân dùng thuốc bảo vệ thực vật hàm lượng Hexaconazol trong củ cà rốt cao.

Hiện cà rốt Đức Chính chỉ được thương lái thu mua để bán sang thị trường: Lào, Camphuchia và một số nước Đông Nam Á… Ngoài việc người trồng cà rốt Đức Chính sử dụng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo đã mất thị trường tiềm năng giá cao, còn nguyên nhân tác động khiến củ cà rốt hạ giá: Củ cà rốt to không đều, xanh đầu là do kỹ thuật tưới nước không đảm bảo. Theo người dân, muốn củ cà rốt phát triển to, đều, đẹp phải dùng kỹ thuật tưới thẩm thấu, kỹ thuật này chi phí lớn nên không có tiền đầu tư. Cà rốt Đức Chính chủ yếu được các thương lái vận chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh, xong xuất khẩu đi các nước (chi phí vận chuyển tăng cao từ 1.300 – 1.700 đồng/kg so năm trước đây)...

img_6725.jpg
Cơ sở sơ chế và đóng gói lớn nhất xã Đức Chính hiện thưa thớt hoạt động, thu mua của thương lái

Ông Trần Văn Tưởng, Chủ tịch UBND xã Đức Chính, xác nhận: Cà rốt Đức Chính được mùa sản lượng đạt 1,7 – 2 tấn/sào, nhưng giá bán khoảng 5 triệu đồng/sào (với giá này, người dân chỉ đủ tiền giống, phân, thuốc..) không có lãi. Trong xã hiện có 10 cơ sở thu mua, sơ chế và đóng gói để bán cho các thương lái, giá cả củ cà rốt phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

Tới đây để tránh rủi ro cho người dân trồng màu, xã vận động một số hộ dân chuyển sang trồng các loại cây khác, như: Ngô ngọt, ớt, khoai tây… được một số doanh nghiệp đưa về giới thiệu tại địa phương, các đơn vị cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.

img_6522.jpg
Do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật không đảm bảo, cà rốt Đức Chính khả năng mất thị trường tiềm năng, với giá cao.

Cà rốt Đức Chính được mùa nhưng lại “rớt giá” khiến nhiều hộ dân đầu tư trồng diện tích lớn đang lo lắng vì nguy cơ thua lỗ nặng. Trước thực trạng bất cập, khiến cà rốt bị mất giá cần chính quyền và cấp, ngành của tỉnh Hải Dương có giải pháp, để đảm bảo xuất khẩu sang thị trường giá cao, mang lại cho người trồng thu nhập ổn định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hải Dương: Cà rốt được mùa “rớt giá”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO