15 km sông gánh 150 nghìn m³ nước thải
Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà nội, hiện nay trung bình mỗi ngày đêm, sông Tô Lịch phải tiếp nhận khoảng 150.000 m³ nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt đổ trực tiếp ra dòng sông thông qua hơn 300 cống xả thải. Lượng bùn tích tụ, lắng đọng lâu ngày gây ra mùi hôi thối nồng nặc bốc lên. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng vứt, xả rác xuống dòng sông gây ô nhiễm môi trường và mất mỹ quan đô thị.
Sông Tô Lịch bắt đầu từ phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) chảy về phía Nam thành phố và ra sông Nhuệ đoạn xã Hữu Hòa (Thanh Trì). Qua chuyến đi khảo sát của phóng viên, khi đi qua một số đoạn sông dọc theo đường Kim Giang lên đến đường Láng, chúng ta dễ dàng bắt gặp cảnh rác thải trôi nổi lềnh bềnh trên mặt nước và hàng trăm cống lớn nhỏ đang xả nước thải sinh hoạt từ các hộ dân, các cơ sở sản xuất, bệnh viện, chợ búa... ra sông.
Nước thải sinh hoạt không có hệ thống xử lí tập trung mà xả trực tiếp ra sông. Bên cạnh đó, còn rất nhiều cơ sở y tế, bệnh viện, các nhà máy chưa có hệ thống xử lí nước thải. Ngoài ra, tình trạng họp chợ còn diễn ra phổ biến, thường xuyên dọc hai bên sông. Các tiểu thương “tiện tay” vứt mọi thứ xuống dòng sông nào là túi ni lông, chai nhựa, thùng xốp,.. khiến cho tình trạng ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Với bấy nhiêu thứ bẩn thỉu dồn đổ xuống dòng sông qua hàng chục năm nay như thế thì làm sao dòng nước không bị ô nhiễm nặng nề, hôi hám khiến người dân mỗi khi di chuyển qua phải đeo khẩu trang hoặc bịt mũi.
Ô nhiễm nguồn nước ở sông Tô Lịch ảnh hưởng tới sức khỏe và sinh hoạt của người dân sống ở khu vực dọc 2 bên sông trong nhiều năm qua. Hơn nữa, nó còn có tác động xấu tới hệ sinh thái thủy sinh, làm giảm khả năng phục hồi đa dạng sinh học.
Anh Nguyễn Văn Dũng (sống trên đường Nguyễn Khang) cho hay: “Sông Tô Lịch ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình mình và các hộ dân sống gần sông. Cụ thể, vào những ngày nắng và có gió, mùi hôi thối bốc lên từ sông khiến cho mọi người rất khó chịu, dần dần lượng khách đến ăn giảm đi đáng kể”.
Mặc dù, hàng ngày, các công nhân vệ sinh thường xuyên dọn dẹp, đi thuyền vớt rác nhưng vẫn không thể làm sạch vì tình trạng xả rác tiếp diễn liên tục. Nguyên nhân chủ yếu là sự thiếu ý thức của một số bộ phận người dân. Thay vì để rác trực tiếp vào thùng thì lại “tiện tay” quăng bỏ. Vì không đặt mình vào hoàn cảnh chung của xã hội nên họ không có trách nhiệm với cuộc sống cộng đồng.
Cần giải pháp từ nguồn
Trước tình trạng ngày càng ô nhiễm ở sông Tô Lịch, thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện tình trạng này. Cụ thể, vào năm 2014, Sở TN&MT đã tuyên truyền, khuyến khích các hộ sử dụng chế phẩm vi sinh, hóa sinh xử lý nước thải sinh hoạt tại nguồn trước khi thải ra sông. Cuối năm 2018, Công ty Thoát nước Hà Nội cũng đưa ra phương án dùng nước sông Hồng thau rửa nước sông Tô Lịch. Hiện nay, TP. Hà Nội đang áp dụng 2 công nghệ làm sạch nguồn nước sông Tô Lịch, đó là Công nghệ Bio-nano của Nhật Bản và Redoxy3C của Đức. Bước đầu các công nghệ trên đã cho kết quả khả quan.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia về môi trường, để cứu sống, làm hồi sinh sông Tô Lịch về lâu dài thì chúng ta không thể trông đợi vào việc xử lý ô nhiễm tại chỗ bằng hóa chất hay công nghệ vì hàng ngày nước thải vẫn đang tiếp tục được xả thẳng ra sông. Quan trọng nhất vẫn là phải giải quyết tận gốc nguồn gây ô nhiễm của sông Tô Lịch.
Th.S Đỗ Thanh Bái – chuyên gia về môi trường cho biết: “Hiện nay, xử lý nước thải tại nguồn ở Hà Nội đang gặp phải 3 khó khăn lớn. Đầu tiên là chính sách, cơ chế quản lý, xử phạt đối với những người, cơ sở sản xuất, hộ gia đình xả thải bừa bãi không qua xử lý. Tiếp đến là quỹ đất của chúng ta không đủ để phát triển hệ thống bể gom, xử lý nước thải sinh hoạt và cuối cùng là nhận thức của người dân trong việc bảo vệ môi trường”.
“Để giải quyết dứt điểm vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch, điều chúng ta cần chú trọng là xử lý nước thải gây ô nhiễm từ nguồn”, ông Bái nhấn mạnh.