Môi trường

Cơ hội làm "sống lại" những dòng sông "chết"

Minh Thư (thực hiện) - Nguyễn Thủy - Thủy Nguyễn 28/05/2024 - 14:29

(TN&MT) - Luật Tài nguyên nước 2023 vừa được Quốc hội thông qua ngày 27/11/2023, có hiệu lực vào 1/7/2024 quy định về việc phục hồi các nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (Điều 34). Theo đó, Bộ TN&MT có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm, làm căn cứ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước. Hà Nội, Thủ đô cả nước, nơi đang có dự án xử lý nước thải và

444-copy.jpg
a-7-copy.jpg

Sông Tô Lịch tương lai sẽ hồi sinh

Sau nhiều lần "lỗi hẹn", Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá đã có một số gói thầu hoàn thiện được trên 95% công việc và dự kiến cuối năm 2024 sẽ đi vào vận hành. Liệu dự án có "về đích", góp phần cải thiện ô nhiễm dòng sông Tô Lịch được như kỳ vọng? Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc phỏng vấn ông Trương Quốc Bảo - Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải Yên Xá xung quanh vấn đề này.

4a.jpg
Öng Trương Quốc Bảo - Trưởng Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải Yên Xá

PV: Xin ông cho biết Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có ý nghĩa như thế nào đối với việc cải thiện môi trường sông Tô Lịch của Hà Nội, thưa ông?

Ông Trương Quốc Bảo: Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có mục tiêu chung đó là cải thiện môi trường sống, hệ sinh thái tự nhiên và điều kiện vệ sinh tại các khu đô thị trung tâm của lưu vực sông Tô Lịch, tả ngạn sông Nhuệ và lưu vực sông Lừ bằng cách phát triển hệ thống thoát nước để thu gom và xử lý lượng nước thải do hoạt động của con người sinh ra, nhằm nâng cao khả năng phát triển bền vững cho Thủ đô.

Riêng lưu vực sông Tô Lịch, theo khảo sát có khoảng 180 họng nước đang xả nước mưa, nước thải ra sông. Trong đó có tới hơn 140 họng ống là xả nước thải của các đô thị, dân cư của Hà Nội. Khi hệ thống thu gom vận hành, sẽ thu hầu hết nước thải chuyển về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý nước, cơ bản sẽ không còn nước thải trực tiếp ra sông Tô Lịch, cải thiện phần lớn mức độ ô nhiễm của sông.

PV: Vậy xin ông cho biết dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có bao nhiêu hạng mục, hiện tiến độ đến đâu và dự kiến cuối năm có đi vào vận hành được hay không, thưa ông?

Ông Trương Quốc Bảo: Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá Thành phố Hà Nội bắt đầu khởi công từ năm 2019 dự kiến hoàn thành vào năm 2025 với tổng mức đầu tư 16.293.444 triệu đồng, trong đó vay ODA là 13.709.042 triệu đồng chiếm tỷ lệ 84,14% với công suất 270.000m3/ngày đêm. Tuy nhiên khi trời mưa có thể tăng thêm 234.000m3/ngày đêm, nâng tổng công suất lên 504.000m3 do nhà máy có thêm hệ thống bể lọc cao tải để dự phòng lưu lượng.

Dự án gồm 4 gói thầu: Gói thầu số 1: Xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá công suất 270.000m3/ngày đêm. Công tác thi công xây dựng đã cơ bản hoàn thành các hạng mục chính với khối lượng hoàn thành đến nay đạt khoảng 97% so với hợp đồng.

Hiện nay, công trường đang tập trung lắp đặt hoàn thiện trạm quan trắc đồng thời chạy thử nghiệm các thiết bị làm cơ sở vận hành thử trong quý II/2024. Ban Quản lý dự án (QLDA) đang phối hợp với Nhà thầu và tư vấn lập hồ sơ cấp phép xả thải và sẽ tổ chức vận hành ngay sau khi được cấp phép.

Gói thầu số 2: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Tô Lịch và cống chính. Tổng chiều dài tuyến khoảng 21.648m. Đến nay Nhà thầu đã thi công hoàn thành khoảng 93% khối lượng, hiện đang tập trung thi công hạng mục đấu nối thu gom nước thải để dẫn nước về Nhà máy dự kiến hoàn thành toàn bộ trong năm 2024 (rút ngắn hơn 3 tháng so với dự kiến).

Gói thầu số 3: Xây dựng hệ thống cống bao cho sông Lừ. Nhà thầu xây dựng Liên danh Công ty CP xây dựng thương mại An Xuân Thịnh - Công ty CP sông Đà 9. Thời gian thi công 31,5 tháng kể từ tháng 2/2020 - 10/2022. Kết quả thực hiện: đạt khoảng 10% khối lượng. Hiện Ban QLDA đã báo cáo UBND thành phố xem xét chấm dứt Hợp đồng và đang báo cáo để tiếp tục dự án với nhà thầu có năng lực tốt hơn.

Gói thầu số 4: Xây dựng hệ thống cống cho một phần khu vực Hà Đông và khu đô thị mới. Nhà thầu xây dựng Liên danh Công ty CP xây dựng thương mại An Xuân Thịnh - Công ty CP sông Đà 9. Tổng chiều dài 11.160m. Kết quả đạt khối lượng khoảng 16%. Ban QLDA đã báo cáo UBND Thành phố cho phép gia hạn thời gian thực hiện Gói thầu số 4 và được chấp thuận tại văn bản số 3477/UBND-ĐT ngày 19/10/2023. Hiện Nhà thầu đã hoàn thiện hồ sơ pháp lý và đã thi công trở lại trên phố Vũ Trọng Khánh vào 1/4/2024.

Như vậy có thể thấy, mặc dù có sự chậm trễ của gói thầu số 3 và 4, nhưng cơ bản gói thầu số 1 và 2 đã xong, có thể thực hiện việc thu gom nước thải khu vực dọc sông Tô Lịch để chuyển về xử lý tại Nhà máy nước thải Yên Xá và cuối năm 2024. Thời điểm hiện nay, Nhà máy cũng đã vận hành thử và chờ được cấp phép về môi trường của Bộ TN&MT để vận hành xả nước qua xử lý vào nguồn.

10.jpg

PV: Dự án hệ thống xử lý nước thải Yên Xá có yếu tố kỹ thuật nào đặc biệt để đảm bảo sự bền vững dưới tốc độ ăn mòn, ô xy hóa của nước thải? Và liệu quá trình xử lý có đảm bảo nước sông Tô Lịch trở lại trong xanh hay không, thưa ông?

Ông Trương Quốc Bảo: Dự án này có 2 điều khác biệt so với các dự án thu gom, xử lý nước thải đang được Việt Nam xây dựng hiện nay. Thứ nhất, hệ thống cống thu gom không phải cống hở mà là hạ ngầm 100%, nằm ở độ sâu 6 - 19m bên dưới dòng chảy của sông Tô Lịch, được thi công bằng công nghệ khoan kích ngầm. Hệ thống này ở các khúc quanh, tiếp nối không dùng bơm áp mà sử dụng độ dốc tự nhiên. Nhà thầu sử dụng hệ thống cọc cừ bằng thép để ngăn chặn đất cát chảy xuống cũng như tạo đường để vận chuyển thiết bị. Chính vì vậy, khi vận hành sẽ rất tiết kiệm chi phí và đảm bảo dòng chảy thông suốt. Thứ hai, đó là chất liệu làm cống sử dụng vật liệu epoxy kết hợp với lớp bê tông quay ly tâm ở cường độ cao theo công nghệ Nhật Bản. Tức là ngoài sử dụng bê tông mác cao để đúc đường ống, nhà thầu còn tráng một lớp lót epoxy bên trong giúp vận chuyển lượng nước lớn an toàn đồng thời chống thấm cực tốt. Đây là công nghệ xử lý đảm bảo độ bền và chống thấm tiên tiến nhất hiện nay.

Nguồn nước sông Tô Lịch sau khi được thu gom sẽ được đưa về Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá để xử lý. Tại đây nước sẽ được xử lý với nhiều bước như vi sinh, lắng bùn, khử trùng... theo tiêu chuẩn của Nhật Bản. Nước sau khi được xử lý đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Tuy nhiên, để nói nước sông Tô Lịch có trở lại trong xanh hay không còn phụ thuộc nhiều yếu tố, đặc biệt là việc xử lý bùn lắng, trầm tích của con sông Tô Lịch. Bởi đây là dòng sông gắn với Hà Nội cả nghìn năm, là nơi người dân hai bên bờ thường xuyên đổ các chất thải sinh hoạt. Trải qua nhiều thế hệ, lớp bùn lắng đọng lòng sông ước dày lên hàng mét, khá khó khăn cho công tác rửa trôi, thau tẩy. Mặt khác, sông Tô Lịch hiện không còn như xưa, là dòng sông thông liền với Hồ Tây ra sông Hồng mà quá trình xây dựng đã làm cho sông Tô Lịch trở nên bị tù đọng, không được lưu thông tự nhiên. Do vậy, chỉ có thể nói, sau khi được thu gom, xử lý, sau khoảng một năm vận hành, sông Tô Lịch sẽ dần cải thiện tình trạng ô nhiễm mùi, chất bẩn như hiện nay. Còn về lâu dài vẫn cần các nhà khoa học hiến kế, có giải pháp căn cơ hơn cho việc phục hồi các dòng sông nội đô của Hà Nội ngàn năm văn hiến.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

5555.jpg

Vấn nạn ô nhiễm sông nội đô

Theo ghi nhận của Báo Tài nguyên và Môi trường, nhiều con sông chảy qua nội thành Hà Nội đang rơi vào tình trạng ô nhiễm nặng nề.

Là người sống và buôn bán bên dòng sông Tô Lịch hơn 30 năm qua, cô Nguyễn Thu (trú tại Nguyễn Khang, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, cứ khi trời nắng lên, nhất là mùa hè hoặc trời nổi gió, y như rằng hơi độc từ dưới sông bốc lên rất khó chịu, các hộ kinh doanh hàng quán dọc bờ sông luôn bị nhức đầu, hắt hơi, sổ mũi, dần dần lượng khách đến ăn giảm đi đáng kể... Không ít gia đình vì không chịu nổi đành phải cho thuê lại nhà, chuyển tới nơi khác sinh sống.

"Đợt trước có tin một doanh nghiệp đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành công viên khiến người dân rất vui mừng, nhưng đó vẫn còn xa vời lắm. Chúng tôi chỉ mong sẽ có 1 ngày dòng sông trong xanh trở lại", Cô Thu hy vọng.

Anh Nguyễn Văn Hưng (sống trên đường Vũ Tông Phan, Thanh Xuân, Hà Nội) cho hay: "Sông Tô Lịch ô nhiễm đã ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của gia đình mình và các hộ dân sống gần sông. Gọi là sông nhưng không có dòng chảy mà chỉ chứa nước thải. Phải sống chung với mùi nước thải nhưng các gia đình cũng không có biện pháp gì để khắc phục, chỉ còn biết đóng cửa, đeo khẩu trang cả ngày.

"Không chỉ sức khỏe của người dân bị ảnh hưởng, mỹ quan Thủ đô cũng trở nên nhếch nhác. Chúng tôi đã chứng kiến thành phố nỗ lực cải tạo sông Tô Lịch nhiều lần nhưng chưa mang lại kết quả. Hy vọng thời gian tới, các cơ quan chức năng sẽ sớm gỡ được "nút thắt" khó khăn này"- Anh Hưng chia sẻ.

Không chỉ riêng con sông Tô Lịch, ghi nhận của Phóng viên cho thấy, nhiều con sông tại Hà Nội như sông Kim Ngưu, sông Lừ, sông Sét... cũng đang ô nhiễm nghiêm trọng. Nhiều đoạn của hệ thống sông kể trên đang bị "bức tử" bởi rác thải, nước xả thải sinh hoạt đô thị, bị bê tông, cống hóa làm đứt mạch lưu thông khiến tình trạng ngập úng, khó tiêu thoát nước vào mùa mưa xảy ra cục bộ. Những con sông ô nhiễm này thật sự là một vấn nạn với Thủ đô Hà Nội, làm mất đi vẻ đẹp vốn có của vùng đất nghìn năm văn hiến.

Loay hoay giải cứu

Câu chuyện giải cứu "những dòng sông chết" ở Hà Nội cũng được bàn không ít lần, cả trong hội thảo lẫn trên diễn đàn của Hội đồng Nhân dân thành phố, thậm chí là ở Quốc hội. Nhiều đề án, dự án đã, đang được tiến hành với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư. Ví dụ: đối với sông Tô Lịch, bắt đầu từ năm 2008, Công ty Thoát nước Hà Nội đã thử nghiệm việc dùng nước hồ Tây để cải thiện nước cho con sông này. Từ đó đến nay, nhiều dự án làm sạch nước đã được triển khai trên sông Tô Lịch như tạo bè thủy sinh, xây dựng cống bao, dùng chế phẩm vi sinh tẩy nước... Và người ta từng nói tới viễn cảnh một ngày nào đó sông Tô Lịch sẽ trở thành "công viên Lịch sử - Văn hóa - Tâm linh".

a-3-(1).jpg
Sông Tô Lịch vẫn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng

Hà Nội cũng đã có một số nhà máy xử lý nước thải như trạm xử lý nước thải Yên Xá nhưng vẫn đang trong giai đoạn thi công và hoàn thiện. Việc thu gom, xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra môi trường chưa được giải quyết triệt để. Vì vậy, việc hồi sinh các dòng sông bị ô nhiễm của Hà Nội vẫn đang trong quá trình thực hiện. Do đó Hà Nội cần quan tâm và ưu tiên cho những giải pháp lâu dài, cần sự vào cuộc của các ngành, người dân cũng như việc huy động mọi nguồn lực làm sống lại các dòng sông "chết".

Cần huy động nguồn lực và sự quyết tâm cao

Trước thực trạng nhiều dòng sông đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, đến mức chỉ còn là kênh chứa nước thải, theo ông Châu Trần Vĩnh - Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước, công tác phục hồi, làm sống lại các "dòng sông chết" với nhiều giải pháp cải thiện chất lượng nước sông sẽ được triển khai đồng bộ ngay sau khi Luật Tài nguyên nước 2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Đây chính là cơ hội để gắn trách nhiệm của địa phương trong công cuộc hồi sinh các dòng sông "chết".

a-2-.jpg

Theo quy định của Luật, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức lập danh mục nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm để làm căn cứ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi các nguồn nước.

Luật Tài nguyên nước 2023 cũng quy định việc xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án phục hồi nguồn nước bị suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm (ưu tiên phục hồi các "dòng sông chết") nhằm khôi phục nguồn nước, tạo dòng chảy, cải tạo cảnh quan môi trường; bổ sung quy định về nguồn lực cho bảo vệ, phát triển tài nguyên nước, trong đó có nguồn vốn xã hội hóa; quy định các hoạt động đầu tư phát triển, tích trữ nước và phục hồi nguồn nước ưu tiên thực hiện theo hình thức xã hội hóa và chính sách ưu tiên.

Cũng theo ông Vĩnh, hiện nay khó khăn lớn nhất để triển khai các dự án phục hồi dòng sông "chết" là hạn chế về nguồn lực cho các giải pháp đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình. Với điều kiện về ngân sách nhà nước như hiện nay thì việc huy động được nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân (nguồn xã hội hóa) là rất quan trọng để có thể thực hiện được các dự án phục hồi các dòng sông "chết."

Hy vọng rằng, với những biện pháp quyết liệt, cùng với việc huy động mọi nguồn lực, công cuộc hồi sinh các dòng sông "chết" của Việt Nam sẽ đạt được hiệu quả hơn trong thời gian tới.

tdh.jpg
ttvn.jpg
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội làm "sống lại" những dòng sông "chết"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO