Đấu giá đất chỉ đạt 50%
Theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, năm 2022 do Chính phủ thực hiện các biện pháp siết chặt tài chính, tín dụng đối với thị trường bất động sản làm cho thị trường trầm lắng. Dẫn đến kết quả thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn thành phố không đạt chỉ tiêu kế hoạch. Năm 2022, TP Hà Nội đặt chỉ tiêu thu từ đấu giá đất là 12.450 tỷ đồng, nhưng đến hết tháng 11/2022, số tiền trúng đấu giá thu được mới đạt hơn 7.018 tỷ đồng, đạt 56,37%; Cả TP chỉ đấu giá thành công được 87 dự án với tổng diện tích 14,17 ha.
Theo tìm hiểu của PV báo Tài nguyên và Môi trường, năm 2022 quận Long Biên đạt kế hoạch đấu giá 12 dự án, diện tích 11,4 ha, số thu là 1.258 tỷ đồng. Tuy nhiên, quận Long Biên chưa thể tổ chức đấu giá do pháp lý các dự án này chưa hoàn thiện. Trong đó, nhiều dự án bị điều chỉnh lại quỹ nhà ở xã hội nên phải dừng lại để xin ý kiến các Sở ngành liên quan.
Tại huyện Đan Phượng, năm 2022, dự kiến đấu giá 96 thửa đất. Tuy nhiên, chỉ đấu thành công được 7 thửa đất với tổng số tiền khoảng trên 40 tỷ đồng. Đại diện Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho rằng, nguyên nhân kế hoạch đấu giá không đạt chỉ tiêu là do TP Hà Nội đã đưa qua quy định mới trong đấu giá đất. Cụ thể, mức tham chiếu giá sàn phải tương đương 70% giá trúng phiên trước đối với các thửa đất cùng khu vực. Trong khi, năm 2021, thị trường bất động sản tăng trưởng tốt nên các phiên đấu giá có tỷ lệ trúng với mức giá cao. Vì vậy, năm 2022, mức giá sàn buộc phải tham chiếu với giá trúng năm 2021 trong bối cảnh thị trường suy thoái nên khó thành công. Thêm vào đó, mức đặt cọc mới tăng từ 5-20%, tương đương 500-700 triệu đồng/lô. Đây là mức giá cao nên người dân và nhà đầu tư không tham gia mua hồ sơ để đấu giá.
Giải bài toán khó
Nhìn lại công tác đấu giá đất của quận Long Biên, ông Nguyễn Thế Tuấn - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất UBND quận Long Biên cho biết: năm 2022, quận chưa hoàn thành kế hoạch đấu giá đất là do khó khăn dịch bệnh kéo dài. Bên cạnh đó, TP yêu cầu phải rà soát lại các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Đặc biệt, là quỹ đất dành cho dự án nhà ở xã hội tại các dự án này theo nghị định 49/NĐ-CP mới ban hành.
Kèm theo đó, Luật Đầu tư 2020 bắt đầu có hiệu lực cũng đưa ra quy định, các dự án đấu giá phải thực hiện chấp thuận chủ trương đầu tư. Do vậy, các quận huyện lại phải lập hồ sơ để thực hiện công tác chấp thuận chủ trương đầu tư. Vì vậy, tiến độ đấu giá bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thêm nữa, các đơn vị tư vấn thẩm định giá còn e ngại và không mặn mà tham gia xác định giá khởi điểm để đấu giá.
Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn cho công tác đấu giá đất năm 2023, ông Tuấn kiến nghị Chính phủ cần xem xét xây dựng một quỹ nhà ở xã hội tập trung. Vì nếu tiếp tục chờ rà soát thì tiến độ đấu giá các khu đất sẽ bị ảnh hưởng lớn do thời gian rà soát, điều chỉnh kéo dài. Trước mắt, giải pháp của quận đối với dự án đã được TP chấp thuận cơ chế nhà ở xã hội. UBND quận sẽ chỉ đạo các đơn vị liên quan giao đất làm cơ sở xây dựng dự án đầu tư và xin phê duyệt chủ trương. Đối với các ô đất làm nhà ở xã hội và bãi đỗ xe liên hệ với các sở liên quan để điều chỉnh quy hoạch theo thẩm quyền.
“Nhiều năm qua, quận Long Biên đã đạt được thành công lớn trong công tác đấu giá đất. Trong đó, chúng tôi chú trọng đến hoàn thiện cơ sở hạ tầng như trường học, vườn hoa cây xanh trong dự án. Do vậy, nếu tháo gỡ khó khăn về cơ chế, tôi tin công tác đấu giá đất sẽ tiếp tục thành công trong các năm tới” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quý Mạnh - Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Đan Phượng cho rằng, để thu hút được các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia đấu giá đất thì công tác hoàn thiện cơ sở hạ tầng cần được đầu tư mạnh mẽ. Năm 2023, kế hoạch của huyện sẽ cho triển khai, xây dựng hạ tầng đồng bộ, xây dựng các dự án đấu giá có quy mô lớn. Huyện Đan Phượng với lợi thế lớn có vành đai 4 chạy qua sẽ tạo hệ thống thống giao thông hiện đại. thuận lợi cho việc kết nối vùng, khu vực. Điều này sẽ tạo động lực cho công tác đấu giá đất của địa phương.
“Trước mắt, trong bối cảnh thị trường bất động sản khó khăn, chúng tôi đã có kiến nghị các cấp xem xét điều chỉnh mức giá sàn tham chiếu để đưa ra mức giá khởi điểm phù hợp với thị trường. Nếu tiếp tục giữ ở mức cao thì tỷ lệ thành công khó. Chúng tôi rất lo ngại kế hoạch đấu giá không thành công sẽ ảnh hưởng tới công tác đầu tư cơ sở hạ tầng cho địa phương. Các nguồn đầu tư bị thâm hụt, các dự án sẽ bị chậm tiến độ. Sắp tới, huyện sẽ tổ chức đấu giá lại các thửa đất chưa thành công năm 2022. Sau khi có kết quả chúng tôi sẽ có phương án mới”- ông Mạnh nói.
Tại phiên chất vấn HĐND TP HN về công tác đấu giá đất 2022, Phó chủ tịch UBND TP HN ông Hà Minh Hải khẳng định, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn trong công tác đấu giá đất. Trong đó, chú trọng đẩy nhanh tiến độ thủ tục hành chính; hoàn thành nhanh thủ tục xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất…
Đồng thời, TP HN sẽ kiến nghị với Trung ương một số chính sách để đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền sử dụng đất, trong đó có nội dung cho phép Hà Nội được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất mà không phải thuê đơn vị tư vấn xác định giá đất cụ thể.
Trong những năm qua, công tác đấu giá đất tại Hà Nội đã góp phần khai thác hiệu quả quỹ đất, tăng nguồn thu cho ngân sách, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đô thị và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất của người dân và doanh nghiệp; góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu sử dụng đất được tiếp cận đất đai. Để hoạt động này tiếp tục được thành công, TP HN cần sớm có các phương án tháo gỡ khó khăn kịp thời xuất phát từ thực tế mà các quận, huyện đang bị “vướng”.