Góp ý để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động doanh nghiệp

Nhóm phóng viên (lược ghi)| 15/07/2021 14:43

(TN&MT) - Tại Hội thảo, các doanh nghiệp đánh giá các quy định trong Dự thảo Nghị định bảo đảm tính đầy đủ, chi tiết, có tính khả thi; bảo đảm sự phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan như pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng, tài nguyên nước, khoáng sản, đất đai, thuế, phí… góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, có một số nội dung cần bổ sung, sửa đổi để bám sát thực tiễn, tăng cao tính khả thi.

 

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Doanh nghiệp nên đặt trách nhiệm của mình trong BVMT và phát triển kinh tế

Doanh nghiệp Việt Nam có đến 97 - 98% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghệ còn lạc hậu so với thế giới và khu vực. Tuy nhiên, với khát vọng phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp, chúng ta - với đội ngũ doanh nhân tương đối hùng hậu, có trách nhiệm trong việc bảo vệ môi trường, sẵn sàng, tích cực tham gia Hội thảo để góp ý cho Dự thảo Nghị định. Tôi hiểu rằng, chúng ta nên đặt trách nhiệm của mình trong công cuộc bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Từ Dự thảo Nghị định này, chúng ta xác định rõ cơ quan Nhà nước, cơ quan quản lý làm gì và cộng đồng doanh nghiệp làm gì, để đảm bảo rằng, chúng ta cùng phải hoàn thành nhiệm vụ, trên tinh thần người quản lý và người được quản lý cùng bảo vệ môi trường.

Chúng tôi cũng ghi nhận, Bộ TN&MT là một trong những Bộ, ngành có tính chủ động rất cao trong việc cởi mở, cải cách thủ tục hành chính và cầu thị nhất trong công tác xây dựng chính sách. Trong suốt thời gian qua, Bộ TN&MT đã phối hợp cùng chúng tôi để chỉnh sửa các chính sách có liên quan về bảo vệ môi trường và công tác quản lý của ngành.

Đặc biệt, ngày 1/1/2022 tới đây, khi Luật BVMT 2020 chính thức có hiệu lực, cần đảm bảo rằng, mọi công tác chuẩn bị đã sẵn sàng và phần lớn các điểm nghẽn được xử lý. Với sự đồng thanh tương ứng của nhà quản lý và doanh nghiệp, Luật khi đi vào cuộc sống sẽ có hiệu quả hữu ích hơn, đạt được mục tiêu mong muốn của những nhà làm luật và của các doanh nghiệp, doanh nhân.

 

Bà Nguyễn Thị Thu Hương - Đại diện Toyota Việt Nam

Thông qua quan trắc tự động kết nối online để thanh, kiểm tra thường xuyên

Điều 22 có các quy định liên quan đến hạn chế hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và các quy định liên quan đến giám sát thông qua các thiết bị quan trắc tự động kết nối online với các cơ quan chuyên môn và được thanh, kiểm tra thường xuyên. Liên quan nội dung này, chúng tôi kiến nghị làm rõ hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường được xác định theo tiêu chí nào. Bên cạnh đó, cần làm rõ lưu lượng, tính chất nguồn thải của nước thải, khí thải cần giám sát tự động, liên tục để tránh lãng phí nguồn lực.

Tại Điều 28 về cấp điều chỉnh, cấp lại Giấy phép môi trường, chúng tôi đề xuất đối với doanh nghiệp được phê duyệt ĐTM thì nội dung chính của báo cáo cấp phép môi trường nên giảm bớt để tránh trùng lặp thông tin trong báo cáo ĐTM, đồng thời, đơn giản hóa nội dung theo khối doanh nghiệp có thể tự lập hồ sơ xin cấp phép môi trường để giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp.

Điều 59 yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp. Theo tôi, cần bổ sung cụ thể trong phụ lục để dễ hiểu và áp dụng trong việc xây dựng và vận hành các hồ sự cố, đặc biệt đối với các hồ sự cố có dung tích lớn.

Liên quan đến nội dung tổ chức, cá nhân phải mua trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho sự cố môi trường, tại Khoản 3 yêu cầu các đơn vị sản xuất, kinh doanh hóa chất, xăng dầu phải mua trách nhiệm bồi thường thiệt hại, chúng tôi đề nghị xem xét quy định yêu cầu mua bảo hiểm với mảng kinh doanh hóa chất và nên thu hẹp đối tượng theo tính chất quy mô và kho chứa của tổ chức kinh doanh hóa chất.

 

Ông Hoàng Đức Vượng, Đại diện Hiệp hội nhựa Việt Nam

Phải thu mua lại phế liệu để tái sản xuất

Khoản 4, Điều 53 quy định chỉ được nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất cho cơ sở của mình theo đúng công suất thiết kế để sản xuất ra các sản phẩm, hàng hóa. Không được nhập khẩu phế liệu về chỉ để sơ chế và bán lại phế liệu. Từ 1/1/2025, cơ sở sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất chỉ được nhập khẩu phế liệu tối đa bằng 80% công suất thiết kế; số phế liệu còn lại phải được thu mua trong nước để làm nguyên liệu sản xuất. Như vậy các doanh nghiệp phải thu mua 20% phế liệu trong nước. Tuy nhiên đối với các doanh nghiệp như sắt, thép, giấy thì lượng nhập khẩu rất lớn nên chúng tôi đề nghị xem xét, điều chỉnh lại với sắt, thép, giấy dưới 20% và giữ nguyên đối với nhựa.

Về cơ chế trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), tại Điều 87, Phụ lục 52 hiện đang quy định dung tích bao bì mềm và tính theo thể tích. Chúng tôi đề xuất về bao bì nên phân loại thành bao bì mềm, cứng, đa lớp và tất cả các loại bao bì đều phải có tiêu chí. Bên cạnh đó, theo tôi, nhà sản xuất phải thiết kế bao bì sinh thái, cần có quy định cho vật liệu nhựa tái chế, các loại nhựa phải có nguyên vật liệu tái chế từ 15 - 30% để có thể phát triển thị trường tái chế.

Điều 93 về điều kiện thực hiện tái chế, đề xuất các doanh nghiệp đủ điều kiện tái chế nên hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Điều 96, Khoản 4, chúng tôi đề xuất kinh phí hỗ trợ cho dự án vì cộng đồng, bao gồm dự án phi lợi nhuận và dự án vì mục đích lợi nhuận.

Tại Khoản 2, Điều 144 về đối tượng chi trả dịch vụ sinh thái, theo chúng tôi chưa nên áp dụng đối tượng hộ nuôi trồng thủy sản vì đây là các đối tượng vẫn đang được nhận ưu đãi từ Nhà nước. Điều 157 về ưu đãi đầu tư, chúng tôi đề xuất ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp tái chế thu gom và ưu đãi đầu tư cho doanh nghiệp vừa và nhỏ theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, Nhà nước sẽ hỗ trợ 30 - 50% cho các công trình bảo vệ môi trường.

 

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Đại diện Samsung Việt Nam

Lập phương án tái chế là tự tái chế, đóng góp Quỹ Bảo vệ môi trường

Theo quy định trong Dự thảo Nghị định, việc tái chế bao bì sẽ áp dụng từ 1/1/2023 và sản phẩm điện tử có hiệu lực từ 1/1/2024. Sau khi xem xét và cân nhắc về khả năng tái chế hiện nay của Việt Nam, chúng tôi thấy rằng thời gian này là khá ngắn để cho các công ty tái chế tại Việt Nam có thể tham gia vào việc thu gom, tái chế và nâng cao năng lực tái chế của mình. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng hiện nay cũng chưa được hoàn thiện nên việc thu gom bao bì sản phẩm điện tử vẫn còn rất nhiều khó khăn. Vì vậy, chúng tôi đề nghị cho các doanh nghiệp tái chế và sản xuất có thêm thời gian chuẩn bị và cơ quan Nhà nước có thêm thời gian để rà soát lại quy trình liên quan đến điều kiện thu gom, đảm bảo tính khả thi, đồng thời đề xuất độ trễ khoảng 2 năm so với thời gian quy định trong Dự thảo.

Tại Phụ lục 55, Dự thảo chưa quy định rõ đối với sản phẩm điện tử và bao bì, nên chúng tôi đề xuất cần nêu rõ hơn các sản phẩm nào trong ngành điện tử phải tái chế.

Đối với quy định về thực hiện trách nhiệm tái chế, theo quy định Dự thảo, nhà sản xuất và nhà nhập khẩu được chọn 1 trong 3 phương án tái chế là tự tái chế, thuê đơn vị tái chế, đóng góp Quỹ Bảo vệ môi trường. Theo chúng tôi, quy định này chưa tạo ra được sự linh hoạt trong việc tổ chức tái chế của các doanh nghiệp trong bối cảnh cơ sở hạ tầng hiện nay. Do đó, chúng tôi đề xuất thực hiện trách nhiệm tái chế của các doanh nghiệp theo hình thức linh hoạt, có thể áp dụng đồng thời 2 phương thức tái chế. Theo đó, yêu cầu tái chế sẽ đóng góp phần còn lại vào Quỹ Bảo vệ môi trường.

Về lộ trình áp dụng và triển khai thực hiện trách nhiệm tái chế, chúng tôi đề xuất trong 3 năm đầu thực hiện sẽ đặt định mức tái chế đối với ngành điện tử từ 5 - 10% căn cứ trên báo cáo kết quả kinh doanh của năm trước đó của doanh nghiệp.

 

Ông Đinh Quốc Thái - Hiệp hội Thép Việt Nam

Giảm tiêu hao cũng là một biện pháp để bảo vệ môi trường

Hiệp hội Thép Việt Nam đánh giá cao Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã soạn thảo một cách nghiêm túc, dày công, tiếp cận sát với thực tiễn để xây dựng bản Dự thảo Nghị định rất chi tiết, công phu.

Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh, rà soát lại một số thuật ngữ rõ ràng hơn như “hạn ngạch xả thải”, EPR…

Tại Mục 2 về Bảo vệ môi trường không khí, cần làm rõ các khí carbon tương đương và các chất làm hại tầng ozon.

Điều 25, nên xem xét khuyến khích các hình thức tham vấn (hiện quy định các hình thức họp lấy ý kiến tham vấn bắt buộc) có thể không phù hợp trong bối cảnh hiện nay.

Điều 26, Khoản 2, Tiết a, về quy mô công suất dự án, có quy định nếu trên công suất thiết kế thì phải xin phép, tôi đề nghị xem xét kỹ lưỡng hơn, vì gắn với Phụ lục 6, ngành thép được xếp vào mục 1, quy mô công suất loại nhỏ, cũng phải xin phép. Điều này sẽ khó cho chúng tôi, vì trong hoạt động sản xuất thường xuyên, việc tăng năng suất, giảm tiêu hao cũng là một biện pháp để bảo vệ môi trường. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo xem xét lại.

Liên quan đến Điều 29, 30, 31, 32, cần rà soát lại các thuật ngữ để đảm bảo tính tương đồng trong cấp Giấy phép môi trường, như “cấp mới, cấp thay thế, cấp đổi, cấp điều chỉnh”.

Tại Điều 39 về tổ chức kiểm tra sau khi kết thúc việc thử nghiệm đối với cơ sở thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại và nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Đề nghị Tổ biên tập nghiên cứu lại xem có trùng lặp với Điều 53 và việc quản lý chất thải theo QCVN hiện nay Bộ TN&MT đã ban hành hay chưa?...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Góp ý để tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO