Năm 2018 đang dần khép lại, cũng là tròn 1 năm để nhìn lại quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP (NQ120) của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. ĐBSCL đang đối diện với nhiều hình thái ngày càng cực đoan: hạn - mặn, sạt lở, lũ - triều cường. Việc triển khai thực hiện hiệu quả NQ120 được xem là giải pháp cấp bách giúp ĐBSCL nhanh chóng ổn định sinh kế cho người dân. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Văn Sánh, nguyên Viên trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển ĐBSCL, xung quanh những vấn đề này.
PHÓNG VIÊN: Thưa PGS-TS, ông nhận định như thế nào về NQ120?
PGS-TS NGUYỄN VĂN SÁNH: NQ120 về phát triển bền vững vùng ĐBSCL ứng phó biến đổi khí hậu mang tầm vóc rất lớn, không những cho cư dân vùng ĐBSCL, mà cả quốc gia và quốc tế. Nghị quyết được ban hành trên cơ sở giá trị khoa học, kinh nghiệm với khối lượng chất xám rất lớn trong và ngoài nước.
Nghị quyết không những chỉ ra các thách thức hiện tại về tác động do biến đổi khí hậu, mà còn nhận ra các mâu thuẫn định hướng phát triển kém bền vững ĐBSCL trong thời gian qua. Từ đó, Chính phủ đưa ra các giải pháp rất quan trọng, bao gồm mục tiêu đến 2050 tầm nhìn đến năm 2100 phải theo hướng “thuận thiên và phát triển bền vững”. Quan điểm chỉ đạo chính là thích ứng và chuyển thách thức thành cơ hội, tôn trọng quy luật tự nhiên, tư duy kinh tế nông nghiệp, phát triển bền vững phải qua liên kết…
Về tổ chức thực hiện, NQ120 đã giao nhiệm vụ cho 12 bộ, ngành, lãnh đạo TPHCM và 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL phải tham gia tích cực cùng cư dân và doanh nghiệp trong vùng. Thực tế, sau 1 năm thực hiện cho thấy, việc tổ chức triển khai không phải dễ dàng vì các thách thức cần tháo gỡ bao gồm: Cơ sở pháp lý triển khai phải sửa đổi các quy hoạch cũ và lồng ghép qua Luật Quy hoạch; nguồn lực thực hiện lệ thuộc rất lớn về khả năng tích hợp của bộ, ngành Trung ương và hỗ trợ quốc tế.
Cần nhìn nhận, việc gắn kết các kết quả hoặc mô hình thực hiện thành công cấp địa phương và cộng đồng cần nhân rộng để thực hiện NQ120 rất khó khăn, dẫn đến vai trò và kinh nghiệm của địa phương, cộng đồng cư dân, các nhà khoa học và doanh nghiệp thực hiện nghị quyết còn rất giới hạn.
Ông có thể chỉ ra “điểm nghẽn” cụ thể khi thực hiện NQ120?
Theo cá nhân tôi, rất khó cho các địa phương vùng ĐBSCL điều chỉnh quy hoạch theo tinh thần NQ120 và Luật Quy hoạch mới. Bởi, theo đúng tinh thần của Luật Quy hoạch mới thì 2 vấn đề lớn được nêu ra liên quan đến NQ120 là sự hợp tác giữa các bộ, ngành và hợp tác giữa các cấp chính quyền phải được tổ chức sớm và tiến hành hiệu quả. Nhưng nghị định hướng dẫn dưới luật chưa được ban hành, vì thế bộ, ngành sẽ rất khó để lồng ghép vai trò chuyên ngành vào quy hoạch không gian, tích hợp và liên ngành cấp Trung ương. Điều này dẫn đến khó khăn cho các địa phương vùng ĐBSCL là phải chỉnh sửa, cải tiến và lồng ghép quy hoạch địa phương dựa vào nội dung NQ120 và Luật Quy hoạch.
Yêu cầu thực hiện NQ120 là phải quy hoạch tổng thể không gian và tích hợp, trong bối cảnh thời gian rất dài các địa phương thực hiện quy hoạch theo kiểu cũ. Chỉnh sửa, cải tiến và tích hợp là thử thách lớn. Đồng thời, cần thiết phải lồng ghép quy hoạch ngành của các bộ, ngành Trung ương vào Luật Quy hoạch. Để làm được việc này, Bộ KH-ĐT phải sớm trình Chính phủ ra nghị định dưới luật để triển khai Luật Quy hoạch. Nếu triển khai nghị định dưới luật chậm sẽ là trở ngại lớn liên quan đến việc triển khai thực hiện NQ120.
Vậy để thực hiện nhanh và hiệu quả NQ 120, đâu là cách tháo gỡ?
Theo tôi, phải gấp rút lồng ghép các điều khoản của Luật Quy hoạch và nội dung NQ120. Nếu chờ đợi nghị định và cách tích hợp của các bộ, ngành vào Luật Quy hoạch, cá nhân tôi dự đoán tiến trình này phải kéo dài ít nhất 3 năm nữa. Như thế sẽ làm chậm việc triển khai thực hiện NQ120. Cách tốt nhất là xem sự tương đồng về nội dung NQ120 và các điều khoản của Luật Quy hoạch để địa phương chuẩn bị, tham gia và phản hồi nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện NQ120.
Thời gian qua, các tỉnh vùng ĐBSCL và các bộ, ngành đã tranh thủ nhiều nguồn lực quốc tế để hỗ trợ phát triển bền vững vùng, ứng phó biến đổi khí hậu. Song thách thức là thiếu liên kết vùng và các đề án tài trợ này riêng lẻ và thiếu tích hợp. Vì thế rất khó cho chính quyền địa phương. Do vậy, cần tích hợp lại các đề án mà quốc tế đã và đang hỗ trợ cho vùng ĐBSCL. Trong đó, cần quan tâm các dự án liên quan đến lồng ghép các điều khoản Luật Quy hoạch mới và nội dung NQ120. Quan tâm đặc biệt đến dự án chống chịu biến đổi khí hậu và sinh kế bền vững ĐBSCL. Đây là giai đoạn đầu tiên trong cam kết lâu dài của Ngân hàng Thế giới (WB) ở khu vực ĐBSCL nhằm tăng cường quản lý và phát triển thích ứng phó với biến đổi khí hậu, qua nhiều lĩnh vực và các cấp thể chế khác nhau, với tổng quy mô vốn là 384,97 triệu USD.
Ngoài ra, cần phát huy tính kế thừa, cải tiến và mở rộng liên kết vùng. Chính phủ cũng đã có những quyết định quan trọng liên quan đến lĩnh vực và khâu tổ chức liên kết trong vùng. Lãnh đạo các tỉnh cũng đã “bắt tay” và ký các ghi nhớ và thỏa thuận liên kết của vùng Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên, bán đảo Cà Mau, vùng ven biển, giữa sông Tiền và sông Hậu. Trong đó, đề án liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười (3 tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An) đã đưa ra nhiều chương trình thiết thực. Nếu Chính phủ sớm phê duyệt đề án này làm thí điểm, đây sẽ là cơ sở để các tiểu vùng khác triển khai liên kết, thúc đẩy thực hiện NQ120 và Luật Quy hoạch mới nhanh và hiệu quả hơn.