(TN&MT) - “Tôi trực Tết Nguyên đán 2 năm liên tiếp. Lịch trực Tết từ ngày 26 đến mùng 6 Tết mới xong nhiệm vụ. Năm nay, chắc cũng vậy. Biết là buồn, cô đơn, nhớ vợ con nhưng đó là nhiệm vụ phải làm…” - Đây là tâm sự của Kiểm lâm viên Nguyễn Thọ Kỳ, thuộc chốt Kiểm lâm Bãi Bùng (Đội Kiểm lâm cơ động và phòng chống cháy rừng số 3).
Công việc thầm lặng
Từ Quốc lộ 48, ở bản Quỳnh 2, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An, chúng tôi phải vượt qua 21 khe mới đến được chốt kiểm soát của Tổ công tác kiểm lâm Bãi Bùng trên thượng nguồn sông Hiếu. Được biết, đây là chốt kiểm lâm vô cùng quan trọng của Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng chống cháy rừng số 3 (thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Nghệ An).
Người dân xã Châu Bình kể lại, khi chưa có chốt kiểm lâm này, lâm tặc thường xuyên vào phá rừng đầu nguồn và sau đó vận chuyển gỗ theo đường sông về xuôi tiêu thụ. Cứ thế, những cánh rừng bạt ngàn đầu nguồn nguyên sinh bị tàn phá không thương tiếc, diện tích rừng tự nhiên giảm đi chóng mặt. Nắm bắt được kẽ hở này, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Nghệ An đã cho phép thành lập chốt kiểm soát Bãi Bùng cho đến ngày hôm nay. Và kể từ khi chốt chặn này được hình thành, tình trạng phá rừng đã không còn vì gỗ khai thác ra không thể vượt qua được trạm chốt.
Hơn 15 năm qua, mặc dù chỉ có được thêm khoản phụ cấp ít ỏi khi ra cắm chốt tại Bãi Bùng, nhưng 5 kiểm lâm viên vẫn thay nhau vượt núi, lội khe quyết tâm để không cho lâm tặc có cơ hội phá đi dù chỉ 1 cây rừng.
Kiểm lâm viên Phạm Ngọc Cương, cho biết: “Tôi chuyển từ Kiểm lâm huyện Nam Đàn lên đây đã gần 4 năm nay. Quả thật, đêm đầu tiên vô đây buồn không thể ngủ được. Ít ngày sau khi nhận nhiệm vụ tại đây, bắt được vụ vận chuyển gỗ đầu tiên; đó là tại Khe Tép, xã Châu Nga lâm tặc khi đó đang đóng bè gỗ để xuôi theo sông Hiếu về. Nhận được tin báo của quần chúng anh em chúng tôi lên tận nơi bắt đưa về Đội xử lý”.
Tại Bãi Bùng, phía bên kia sông Hiếu là đất của tỉnh Thanh Hóa, bên này sông là Nghệ An, với đặc thù là vùng giáp ranh nên công tác bảo vệ rừng vì thế gặp không ít khó khăn, trắc trở. Ngay khi chúng tôi vừa có mặt tại chốt Kiểm lâm Bãi Bùng được chừng vài phút, cũng là lúc một tốp cán bộ thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng, thuộc huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa vừa đi tuần bằng thuyền về đến khu vực này. Các kiểm lâm viên Bãi Bùng và Kiểm lâm Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Chàng gặp nhau, ngồi trò chuyện bên bếp lửa hồng trong những ngày đông giá rét này và cùng bàn chuyện phối hợp giữ rừng.
Chốt kiểm lâm nhiều “không”
Chốt bảo vệ rừng Bãi Bùng nằm xa khu dân cư, lại thiếu thốn đủ điều. Không điện, không đường, không nước sạch, không sóng điện thoại… Nhưng những khó khăn, thiếu thốn như trên chưa là gì so với sự vắng lặng, cô đơn mà những cán bộ kiểm lâm viên nơi đây hàng ngày phải “gặm nhấm”.
Được biết, hiện chốt kiểm lâm này luôn có từ 3 đến 5 cán bộ thay phiên nhau kiểm soát. Đặc biệt, ở đây không hề có khái niệm ngày nghỉ lễ, Tết; tất cả các ngày trong năm đều là ngày làm việc.
Cán bộ Nguyễn Thọ Kỳ, tâm sự: “Tôi trực Tết Nguyên đán 2 năm liên tiếp rồi. Lịch trực từ ngày 26 đến mùng 6 Tết mới xong nhiệm vụ. Năm nay, chắc cũng sẽ tiếp tục công việc như hai năm trước. Biết là buồn, cô đơn, nhớ vợ con nhưng đó là nhiệm vụ phải làm…”. Cũng theo anh Kỳ, hàng ngày, anh em cán bộ trong chốt ngoài công việc chuyên môn, còn phải tự đi chợ, nấu ăn, đi lấy nước cách hàng vài cây số về dùng. Nhiều khi ở một mình buồn quá tự nói chuyện một mình. “Vừa rồi vợ ở dưới xuôi lên thăm tôi ở trong chốt, thấy môi trường làm việc, ăn ở của chồng vất vả quá, cô đơn quá nên vợ bật khóc nhìn mà thương vô cùng” - anh Kỳ tâm sự thêm.
Anh Phạm Đức Thành - Đội trưởng Đội Kiểm lâm cơ động và Phòng chống cháy rừng số 3, cho biết: “Đội mình có một chốt trạm đặc biệt là chốt kiểm lâm Bãi Bùng. Vào chốt này mất cả tiếng đồng hồ khi phải vượt con khe tới 21 lần. Mùa khô còn đỡ, chứ mùa mưa, khổ vô cùng. Nhiều khi nước lũ lên anh em bị chia cắt mất mấy ngày trời trong chốt rất tội. Thế nhưng, anh em chịu khó vì nhiệm vụ thì phải hoàn thành. Hơn nữa, đây là chốt xung yếu nhất nên nếu rút là sẽ mất rừng ngay. Vì tính chất quan trọng như thế, nên Tết nào cũng phải có ít nhất 3 anh em chốt trực. Giờ đây, chỉ mong cấp trên tạo điều kiện có cơ chế để anh em chốt có thêm người nấu nướng, để lo công tác hậu cần, khi đó, anh em sẽ yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ và đỡ cơ cực hơn”.
Rời chốt kiểm lâm Bãi Bùng khi trời đã tối, sương đêm nơi núi rừng miền Tây xứ Nghệ đã bắt đầu rơi chợt thấy bồn chồn, xúc động cũng như sự cảm phục cho ý chí, sự hy sinh và lòng say mê nghề nghiệp của những chiến sỹ kiểm lâm Bãi Bùng.