Giao thông đô thị: Thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí

25/09/2014 00:00

(TN&MT) - Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2013 “Môi trường không khí” mới được Bộ TN&MT công bố cho thấy, không khí hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng.

(TN&MT) - Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2013 “Môi trường không khí” mới được Bộ TN&MT công bố cho thấy, không khí hiện đang bị ô nhiễm nghiêm trọng, trong đó hoạt động giao thông là nguyên nhân chính gây ô nhiễm bụi, nhất là các thành phố có mật độ phương tiện giao thông cao.
   
Ô nhiễm trong giao thông vận tải – sát thủ vô hình. Ảnh: H. Minh
    
70% khí thải gây ô nhiễm
   
  Theo Trung tâm Quan trắc môi trường (Tổng cục Môi trường), hoạt động giao thông tạo ra 85% lượng khí CO, 95% lượng VOCs (các chất hữu cơ bay hơi có thể gây khô da, ảnh hưởng xấu đến hệ tuần hoàn, tiêu hóa, gan thận) và các loại khí độc hại khác.
   
   Biểu hiện rõ nhất về độ bẩn của không khí là lượng bụi hạt lơ lửng. Mật độ PM10 (hạt bụi có kích thước nhỏ hơn 10 micromet, thường do xe môtô, nhà máy điện thải ra trực tiếp) ở các nút giao thông của các thành phố lớn luôn vượt mức cho phép. Loại bụi siêu nhỏ này dễ dàng xâm nhập vào phổi, mạch máu và gây ra các bệnh về tim, ung thư phổi, hen và nhiễm khuẩn đường hô hấp. Đáng lo ngại, khí thải từ hoạt động giao thông vận tải góp tới 70% tổng lượng khí thải gây ô nhiễm môi trường, nếu tính chung trên cả nước.
   
  Theo thống kê, hiện nay trên toàn quốc đã có 37 triệu xe máy và 2 triệu xe ôtô, chưa kê còn những xe chưa đăng ký nhưng vẫn lưu hành không thể đếm hết được. Việt Nam đứng thứ 4 trên thế giới về số xe máy được sử dụng. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng phát thải khí độc từ phương tiện rất đáng quan ngại.
   
  Trên cơ sở tiêu chuẩn cho phép của thế giới về đánh giá chất lượng không khí (Air Quality Index - AQI), nếu mức độ sạch của không khí từ 150 - 200 điểm thì đã bị coi là ô nhiễm, từ 201 - 300 thì coi là cực kỳ cấp bách, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Trong khi đó, tại Việt Nam, cụ thể hai khu vực ô nhiễm nhất là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, chỉ số trong ngày lúc nào cũng ở mức 152 - 156. Còn vào giờ giao thông cao điểm phải lên tới gần 200 điểm.
   
Đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe
   
  Ô nhiễm không khí có thể thấy thủ phạm gây ra chính là con người. Để phục vụ cho đời sống hằng ngày mà quên đi tính bền vững lâu dài, họ đã tự “đầu độc” bầu không khí đang hít thở, tự làm giảm năng lượng sống để rồi đẩy mình vào vòng luẩn quẩn “chết người”.
   
  Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trong những năm gần đây, các bệnh nhân về đường hô hấp có tỷ lệ mắc cao nhất trên toàn quốc, nguyên nhân chủ yếu là do ô nhiễm không khí gây ra.
   
   Kết quả thống kê cứ 100.000 dân có đến 4,1% số người mắc các bệnh về phổi; 3,8% viêm họng và viêm amidan cấp; 3,1% viêm phế quản và viêm tiểu phế quản.
   
  Các đô thị ô nhiễm không khí có tỷ lệ người mắc bệnh hô hấp cao gấp nhiều lần so với các khu vực khác. TP Hồ Chí Minh là nơi có tỷ lệ người mắc bệnh lao cao nhất cả nước. Tiếp đến là Hà Nội, Đồng Nai, Bắc Giang, Hải Phòng. Tỷ lệ bệnh nhân lao phát hiện năm 2011 tại các địa phương này cao gấp 10 - 15 lần so với những địa phương như Bắc Kạn, Điện Biên.
   
  Ô nhiễm không khí là nguyên nhân của rất nhiều bệnh nghiêm trọng dẫn đến hoặc là tử vong lập tức hoặc là “chờ đón cái chết”, được các chuyên gia y tế thống kê bao gồm: Đột quỵ, tim, bệnh phổi, ung thư phổi, khuyết tật bẩm sinh, suy giảm chức năng tâm thần do chất lượng không khí kém, tai, mắt…
   
Hành động nhỏ cho thay đổi lớn
   
   Theo tính toán, lĩnh vực GTVT chiếm khoảng 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng hàng năm, đứng thứ 2 trong các ngành tiêu thụ nhiều năng lượng nhất tại Việt Nam, sau ngành sản xuất công nghiệp. Do vậy, vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả và phát triển hệ thống GTVT luôn có sự gắn kết hữu cơ với nhau trong chiến lược phát triển và quản lý GTVT của nước ta.
   
  Đơn cử như tại Hà Nội có nhiều chốt đèn giao thông có thời gian chờ khá dài từ 20 giây – 90 giây, khi tắt máy ở 15 giây thì lượng CO giảm 2,3 lần, lượng HC giảm 2,5 lần, lượng CO2 giảm 4 lần so với khi để chế độ chạy không tải, lượng xăng sẽ tiết kiệm được tới 5,5 lần. Do đó, hành động nhỏ tắt máy khi dừng đèn đỏ ở những thời gian thích hợp sẽ góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường và tiết kiệm nhiên liệu.
   
  Trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh với khoảng 5 triệu xe gắn máy và 500.000 ô tô, năng lượng tiêu thụ cho GTVT chiếm gần 30% tổng mức tiêu thụ năng lượng. Nếu mỗi người dân sử dụng phương tiện cá nhân phù hợp, giúp mỗi xe gắn máy tiết kiệm 0,5 lít xăng và ô tô tiết kiệm 1 lít xăng/ngày thì thành phố sẽ tiết kiệm được 26 tỷ đồng/ngày.
   
  Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu năng lượng cho rằng, để làm được điều này cần khuyến khích người dân sử dụng các dịch vụ giao thông công cộng như xe buýt, xe khách… đồng nghĩa với việc Nhà nước nên nâng cấp, mở rộng và đầu tư các loại hình dịch vụ này. Đối với người sử dụng các phương tiện giao thông nên duy trì thói quen bảo hành, bảo trì, sử dụng xe đúng sẽ tiết kiệm được khoảng từ 10% đến 15% năng lượng.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao thông đô thị: Thủ phạm chính gây ô nhiễm không khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO