Môi trường

Ghi nhận vai trò của phụ nữ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học

Khánh Ly - Ảnh - Trần Văn 17/10/2023 - 20:01

(TN&MT) - Ngày 17/10, tại Hà Nội, Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên - WWF Việt Nam tổ chức Tọa đàm "Thúc đẩy bình đẳng giới để tăng cường hiệu quả công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam". Nội dung xoay quanh sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực này và cơ hội lồng ghép bình đẳng giới vào thực hiện Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học (NBSAP) tại Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT chia sẻ: Ngày nay, phụ nữ không chỉ là đối tượng hưởng lợi từ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý báu mà còn là lực lượng tham gia tích cực vào những nỗ lực quản lý, bảo tồn và phát triển tài nguyên thiên nhiên.

van_9474_1.jpg
ông Vũ Minh Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông TN&MT pát biểu tại Tọa đàm

Tuy nhiên, tiềm lực của phụ nữ vẫn chưa được khai thác đầy đủ để xứng đáng với vai trò của mình. Nữ giới vẫn bị thiệt thòi trong tiếp cận các lợi ích từ rừng, cảnh quan thiên nhiên, thể hiện ở sự chênh lệch giữa nam và nữ về tỷ lệ đăng ký tham gia và nhận tiền phân bổ từ nguồn thu dịch vụ môi trường rừng. Phụ nữ trong ngành lâm nghiệp thường ít có khả năng tiếp cận đối với các cơ hội đào tạo về chuyên môn và kỹ thuật, ngoài ra, thu nhập của phụ nữ thường thấp hơn nam giới và khoảng cách lương theo giới trong ngành lâm nghiệp lớn hơn đáng kể so với các ngành kinh tế và công nghiệp khác tại Việt Nam.

“Trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học và tài nguyên, việc tận dụng sự khác biệt và đa dạng về vai trò, nhu cầu, kinh nghiệm của những tầng lớp, đối tượng và giới tính khác nhau là vô cùng quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các hoạt động bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên. Trong đó, trao quyền cho phụ nữ là một trong những yếu tố then chốt, giúp công tác bảo tồn đa dạng sinh học trở nên bền vững” – ông Vũ Minh Lý nhấn mạnh.

van_9475.jpg
TS Nguyễn Sĩ Linh, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT phát biểu tại Tọa đàm

Chỉ ra các thách thức hiện nay, TS Nguyễn Sĩ Linh, Viện Chiến lược, chính sách TN&MT nhận định, Chiến lược Quốc gia về Đa dạng sinh học chưa có chỉ tiêu về giới, bình đẳng giới để có thể thực hiện trong quá trình triển khai các giải pháp , nhiệm vụ ưu tiên của chiến lược. Hiện nay, chưa có nguồn lực để lồng ghép giới trong các nội dung ưu tiên của Chiến lược, chưa có hướng dẫn kỹ thuật về lồng ghép giới riêng cho hoạt động bảo tồn. Hệ thống giám sát thực hiện chiến lược cũng thiếu chỉ số liên quan đến bình đẳng giới (ví dụ: vai trò của phụ nữ, tỷ lệ phụ nữ tham gia công tác nghiên cứu khoa học và hoạt động bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học...).

Cơ sở dữ liệu của lĩnh vực này cũng chưa có dữ liệu phân tách giới (ví dụ: bao nhiêu cán bộ nữ công tác tại các cơ quan, tổ chức về bảo tồn., số phụ nữ hưởng lợi từ các hoạt động bảo tồn...). Hoạt động truyền thông trong buôn bán động vật hoang dã mới đề cấp đến nam giới chứ chưa có nữ giới, trong khi phụ nữ có thể là người quyết định mua sản phẩm từ động vật hoang dã, hoặc mang chúng ra chợ bán...

Về mặt thuận lợi, hiện nay, nhận thức về giới và vai trò của phụ nữ ngày càng được ghi nhận nhiều hơn trong bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung. Các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới cũng nhận hỗ trợ từ tổ chức quốc tế hay chương trình hợp tác quốc tế. Các quỹ môi trường như Quỹ Môi trường toàn cầu, Quý Khí hậu xanh, Quỹ Thích ứng... đều yêu cầu các bên đề xuất dự án phải đánh giá tác động về giới do các can thiệp dự án mang lại.

van_9484.jpg
Bà Bùi Thị Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Tân Phong, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng chia sẻ về vai trò của phụ nữ trong các hoạt động bảo vệ môi trường

Phụ nữ cũng ngày càng tham gia nhiều hơn vào công tác bảo tồn đa dạng sinh học, cả nghiên cứu khoa học lẫn triển khai hoạt động thực tiễn, điều tra nguồn gen, đặc biệt là kiến thức về động, thực vật bản địa của những người phụ nữ trong cộng đồng dân cư. Sự hiểu biết về đa dạng sinh học, giá trị sinh thái ngày càng đầy đủ hơn, đặc biệt là sinh kế của người dân - trong đó có phụ nữ khiến họ trở nên chủ động tham gia vào các hoạt động bảo tồn.

Chính bởi vậy, ông Nguyễn Sĩ Linh đề xuất cần nghiên cứu, xác định chỉ tiêu liên quan đến giới trong hoạt động bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, xây dựng cơ sở dữ liệu phân tách giới. Bên cạnh đó, nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong hoạt động bảo tồn để xác định các thông tin đầu vào để lồng ghép giới vào chính sách liên quan đến bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, các chỉ tiêu liên quan đến quy hoạch đa dạng sinh chọ quốc gia, dự án bảo tồn. Cùng với xây dựng hướng dẫn kỹ thuật lồng ghép giới trong chính sách nói chung và hành động bảo tồn đa dạng sinh học nói riêng, cần triển khai thực chất các chương trình, chiến lược truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề này.

van_9488.jpg
Các đại biểu cùng trao đổi, thảo luận về các vấn đề xung quanh bình đẳng giới trong bảo tồn đa dạng sinh học

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ bình đẳng giới trong các tổ chức bảo tồn, hội phụ nữ đã cùng chia sẻ, thảo luận về thế mạnh của phụ nữ trong công tác bảo tồn nói riêng và bảo vệ môi trường nói chung, các vấn đề bình đẳng giới; các mô hình thực tiễn trên thế giới và kinh nghiệm từ kết quả dự án Phòng chống bạo lực giới trong ngành bảo tồn.

Các đại biểu cũng đánh giá về nhu cầu bình đẳng giới trong bảo tồn đa dạng sinh học trên thế giới và áp dụng tại Việt Nam: Từ việc tham gia bảo tồn, xây dựng chính sách bảo tồn đến chia sẻ lợi ích từ hoạt động bảo tồn, và các giải pháp từng bước để đưa bình đẳng giới thành một tiêu chí đánh giá trong các hoạt động thực hiện NBSAP của Việt Nam; các giải pháp để huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu bình đẳng giới cho lĩnh vực bảo tồn đa dạng sinh học tại Việt Nam. Qua đó, đóng góp ý kiến xây dựng các chính sách khuyến khích tăng cường vai trò của phụ nữ tham gia thực hiện Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về Đa dạng sinh học.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ghi nhận vai trò của phụ nữ trong công tác bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO