Phát triển kinh tế song song bảo tồn đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học cung cấp dịch vụ hệ sinh thái cho con người, sinh vật và tự nhiên, giúp cho chúng ta có sinh kế tốt hơn, cung cấp nguồn sống cho con người, sinh vật và đảm bảo để cho hệ sinh thái tự nhiên có thể tầm hoàn và hoạt động bình vững. Đây là nền tảng để phát triển kinh tế trong tương lai.
Đó là chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường, tại hội thảo “Thúc đẩy phát triển kinh tế đa dạng sinh học tại Việt Nam”, do Viện Chiến lược và Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Đại sứ quán Anh, Trường Đại học Nghiên cứu Công lập Exeter Anh Quốc và Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam đồng tổ chức ngày 7/11.
Hội thảo là cơ hội để Việt Nam và các bên liên quan trao đổi về các giải pháp phù hợp để giải quyết các thách thức giữa phát triển kinh tế và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.
Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS. TS Nguyễn Đình Thọ cho biết: Việt Nam là một trong 12 trung tâm đa dạng sinh học của thế giới, với sự phong phú và đa dạng về các nguồn gen quý, hiếm.
Theo đó, đa dạng sinh học đang đóng góp nhiều cho nền kinh tế quốc gia, là cơ sở đảm bảo an ninh lương thực; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu; là nền tảng để phát triển các ngành nông, lâm, ngư nghiệp và du lịch.
Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia khác, Việt Nam đứng trước không ít thách thức khi bảo tồn đa dạng sinh học có liên quan mật thiết tới phát triển kinh tế và ổn định xã hội.
Cụ thể, Việt Nam phải đối mặt với tình trạng suy thoái đa dạng sinh học đang diễn ra ngày càng lớn do những tác động đến từ thực trạng chuyển đổi đất, phát triển cơ sở hạ tầng, loài ngoại lai xâm hại, khai thác quá mức nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, và áp lực từ việc tăng nhanh dân số.
Trước thực trạng suy thoái đa dạng sinh học, Việt Nam đã tham gia tích cực tham gia nỗ lực chung nhằm bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, không chỉ thực hiện tốt công tác bảo tồn đa dạng sinh học trong nước và hướng đến những cam kết quốc tế quan trọng khác.
Trên hành trình phát triển hướng tới tương lai bền vững, Chính phủ Việt Nam đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kết hợp giữa phát triển và bảo tồn các hệ sinh thái tự nhiên.
Theo đó, Việt Nam đã ban hành các chính sách, pháp luật về bảo tồn đa dạng sinh học, bao gồm Luật Đa dạng sinh học 2008, Quyết định số 149/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó nhấn mạnh sự cần thiết trong việc phát triển các cơ chế tài chính sáng tạo nhằm hỗ trợ quá trình bảo tồn.
Thông qua các chiến lược, Việt Nam đã và đang từng bước ngăn chặn đà suy giảm đa dạng sinh học, hướng tới bảo tồn thiên nhiên, phục hồi các hệ sinh thái tại các địa phương hiệu quả và bền vững.
Cũng tại hội thảo, Ngài Marcus Winsley, Phó Đại sứ Anh tại Việt Nam, cho biết: Việt Nam có đủ điều kiện để phát triển các mục tiêu về cả kinh tế và đa dạng sinh học. Đây là quốc gia có tốc độ phát trển nhanh đồng thời cũng là một trong nhưng trung tâm giàu đa dạng sinh học của thế giới.
Trong đó, rừng ngập mặn, rừng, bãi triều và đầm là những hệ sinh thái nổi bật và quý giá của VIệt Nam. Dù vậy, những hệ sinh thái này đang đối mặt với áp lực ngày càng lớn từ biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế không bền vững.
Để tìm lời giải cho những thách thức này, tại hội thảo, các chuyên gia cùng chia sẻ kinh nghiệm thực tế và khuôn khổ chính sách có thể thúc đẩy nền kinh tế bền vững song song với bảo tồn di sản thiên nhiên. "Từ đó chúng ta có cơ hội hiểu rõ hơn về cách thức tài chính và chính sách công có thể được khai thác để giảm thiểu mất mát đa dạng sinh học và thúc đẩy nền kinh tế xanh của Việt Nam”, Ngài Macus Winsley nhấn mạnh.
Thế giới đang ngày càng chú trọng vào các vấn đề liên quan tới bảo tồn đa dạng sinh học. Cuộc họp lần thứ 16 của Hội nghị các bên tham gia Công ước về Đa dạng sinh học (CBD COP16) mới kết thúc cách đây 6 ngày với một vài kết quả tích cực.
Trong đó, hội nghị đã thông qua một cơ chế và quỹ mới để chia sẻ lợi ích công bằng và bình đẳng từ thông tin giải trình tự kỹ thuật số của các nguồn gen. Điều này sẽ giúp đảm bảo rằng những người hưởng lợi từ đa dạng sinh học sẽ đền đáp cho cộng đồng, cho các quốc gia và quan trọng hơn là cho thiên nhiên.
Trên thực tế, thiên nhiên đang cung cấp sinh kế, nguồn sống cho hàng tỷ người trên thế giới. Do đó, việc bảo tồn thiên nhiên sẽ đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực phát triển hướng tới tương lai bền vững.
Để giải quyết các vấn đề liên quan tới mất thiên nhiên, cần lồng ghép vấn đề đa dạng sinh học với biến đổi khí hậu vào các hành động và ứng phó với 2 vấn đề này cùng lúc. Biến đổi khí hậu đẩy nhanh quá trình mất thiên nhiên và ngược lại, mất đa dạng sinh học đang làm trầm trọng thêm tác động của biến đổi khí hậu. Những vấn đề này có chung nguyên nhân và giải pháp, và cần được giải quyết cùng nhau.
Trong khuôn khổ hội thảo, các đại biểu đã tham gia thảo luận về chủ đề “Nền kinh tế dựa vào thiên nhiên và vai trò của thiên nhiên trong việc duy trì sự thịnh vượng của nền kinh tế “và toạ đàm “Xây dựng chương trình hỗ trợ chuyển đổi bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học tại Việt Nam”.