Đồng Nai: Bảo vệ, khai thác sử dụng tiết kiệm nguồn khoáng sản

06/05/2014 00:00

(TN&MT) - Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường.

(TN&MT) - Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai chủ yếu là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Để bảo vệ và khai thác sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn khoáng sản không tái tạo này, tỉnh Đồng Nai đã lập và triển khai thực hiện quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản đến năm 2015; điều chỉnh giai đoạn quy hoạch đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 theo Luật Khoáng sản năm 2010 cho phù hợp với nhu cầu sử dụng khoáng sản cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và khu vực.
   
Tiềm năng khoáng sản
   
  Theo kết quả điều tra địa chất khoáng sản của Liên đoàn Bản đồ Địa chất miền Nam thì tỉnh Đồng Nai có các loại khoáng sản như khoáng sản kim loại (vàng, thiết, nhôm, arsen); không kim loại (kaolin, puzơland, bột màu, thạnh anh, đá ốp lát, laterit, đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng...); đá quý và bán quý (saphir, zircon và pirop).
   
Hoạt động khai thác khoáng sản ở Đồng Nai
   
  Trong đó  khoáng sản làm vật liệu xây dựng có diện phân bố rộng, trữ lượng lớn có thể đưa vào sản xuất công nghiệp, cụ thể đá xây dựng với tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo đạt 2.946 triệu m3, phân bố trên diện tích 10.406 ha; sét gạch ngói với tổng trữ lượng đạt 543 triệu m3, diện tích 12.123 ha; cát xây dựng tập trung trên thượng nguồn sông Đồng Nai, sông La Ngà và lòng hồ Trị An với tài nguyên dự báo khoảng 19 triệu m3. Ngoài ra có một số điểm cát bờ với tổng tài nguyên dự báo đạt 82 triệu m3, phân bố trên diện tích 2.613 ha.
   
  Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai nhấn mạnh, mặc dù Đồng Nai có khoáng sản làm vật liệu xây dựng với trữ lượng lớn, nhưng tỉnh rất quan tâm đến việc sử dụng tiết kiệm và bảo vệ khoáng sản để phục vụ trong tương lai. Vì Đồng Nai không những cung cấp khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh mà còn cung cấp đáp ứng nhu cầu khoáng sản cho khu vực và các tỉnh miền Tây Nam Bộ.
   
Hiện trạng khai thác
   
  Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 33 doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, với 45 mỏ (6 Giấy phép do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và 39 Giấy phép do UBND tỉnh Đồng Nai cấp), gồm đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, đá ốp lát, Laterít, Puzơland, vật liệu san lấp, với tổng diện tích 1.748 ha, tổng trữ lượng 426.382 nghìn m3.
   
  Trong 45 mỏ khoáng sản nêu trên thì đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng và vật liệu san lấp mang lại hiệu quả cao và đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Đồng Nai cũng như trong khu vực.
   
  Ông Nguyễn Ngọc Thường cho biết: Trong 6 năm (2007 - 2013), sản lượng khai thác, doanh thu, các khoản nộp ngân sách nhà nước bình quân hàng năm về khai thác, tiêu thụ đá xây dựng, sét gạch ngói, cát xây dựng, vật liệu san lấp là hơn 13.089 nghìn m3, doanh thu 1.426 tỷ đồng, nộp ngân sách 200 tỷ đồng và tạo viêc làm cho gần 3.500 người.
   
Tầm nhìn đến 2020
   
  Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Đồng Nai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được HĐND tỉnh thông qua và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 3816/QĐ-UBND ngày 21/12/2012, với quy mô và trữ lượng như sau:
   
  Đá xây dựng, diện tích 1.843 ha, tổng trữ lượng và tài nguyên dự báo 519 triệu m3, tập trung quy hoạch tại các huyện Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Long Thành, Trảng Bom và thành phố Biên Hoà; sét gạch ngói, diện tích 321 ha, tổng trữ lượng 19 triệu m3, tập trung tại các huyện Tân Phú, Định Quán, Trảng Bom và Long Thành; cát xây dựng, diện tích 657 ha, tổng trữ lượng 10 triệu m3, tập trung trên lòng hồ Trị An, thượng nguồn sông Đồng Nai và sông La Ngà; than bùn, diện tích 25,3ha, tổng trữ lượng 0,1 triệu m3, tập trung tại huyện Tân Phú; vật liệu san lấp, diện tích 1.157 ha, tổng trữ lượng 67 triệu m3, quy hoạch phân bố rộng rãi trên toàn tỉnh.
Tú Nguyễn
  
Đơn giản thủ tục hành chính
      Ông Nguyễn Ngọc Thường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai: “Hiện Sở đang dự thảo lấy ý kiến các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã Long khánh và thành phố Biên Hòa quy định về trình tự, thủ tục thăm dò, phê duyệt trữ lượng và cấp phép khai thác vật liệu san lấp theo hướng đơn giản thủ tục hành chính, đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Đây là một quy định cần thiết cho Đồng Nai hiện nay với tình hình sử dụng đất làm vật liệu để thi công các công trình trọng điểm của Quốc gia như đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, nâng cấp Quốc lộ 20 và Quốc lộ 1 và các công trình của địa phương”.
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng Nai: Bảo vệ, khai thác sử dụng tiết kiệm nguồn khoáng sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO