Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá cao những kết quả vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ đã đạt được trong xây dựng nông thôn mới. Phó Thủ tướng cho biết, đây là nơi hội tụ những điểm sáng nhất, những sáng tạo đột phá nhất, những cách làm hiệu quả nhất về xây dựng nông thôn mới của cả nước trong những năm qua. Đây là nơi khởi nguồn cho việc đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới đã và đang triển khai rất hiệu quả như: Xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu xuất phát từ Hà Tĩnh; xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản ở những địa bàn khó khăn xuất phát từ Nghệ An, Thanh Hóa; công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn xuất phát từ Nam Định… Hiện, khu vực này đang là nơi tìm tòi những vấn đề mới, làm tiền đề để nghiên cứu nội dung xây dựng nông thôn mới cho giai đoạn sau năm 2020 như: Du lịch nông thôn; phân loại chất thải rắn sinh hoạt và xử lý nước thải sinh hoạt khu dân cư; phát triển sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu…
Trên cơ sở những tiềm năng và kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ tiếp tục phát huy những thành tựu đã đạt được, khắc phục những những khó khăn để đạt những mục tiêu cao hơn.
Phó Thủ tướng lưu ý, các địa phương cần đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị các nông sản chủ lực ở địa phương. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế nông thôn, trong đó, lấy sản xuất nông nghiệp hữu cơ và an toàn sinh học, thân thiện với môi trường làm nền tảng gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ, du lịch nông thôn.
Thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, vùng Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ không chỉ đạt và vượt mục tiêu đề ra mà các nội dung xây dựng nông thôn mới ngày càng đi vào chiều sâu, hướng tới sự bền vững.
Có 12/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 9/17 tỉnh, thành phố ban hành tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nhiều tỉnh, thành phố như Nam Định, Hà Nam, Nghệ An và các tỉnh trong vùng đã ban hành tiêu chí khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu. Tới nay cả nước có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là xã Việt Dân (Đông Triều, Quảng Ninh).
Đến hết tháng 7/2019, hai vùng đã có 2.402/3.474 xã (69,1%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 48% so với cuối năm 2015, là mức tăng trưởng cao nhất trong cả nước, cao hơn nhiều so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,26%). Từ đầu năm 2018, cả vùng không còn xã dưới 5 tiêu chí.
Bình quân số tiêu chí/xã của cả vùng đạt 17,4 tiêu chí (tăng 11,5 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 2,4 tiêu chí so với năm 2015), cao hơn mức trung bình cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Gần 1.100 thôn, bản nông thôn mới (chiếm 62% số thôn, bản nông thôn mới của cả nước), trong đó, có gần 300 thôn, bản kiểu mẫu. Đặc biệt, vùng Đồng bằng sông Hồng có mức độ đồng đều trong xây dựng nông thôn mới khi 90% số xã đạt từ 16 - 19 tiêu chí.
Cả vùng đã có 41 đơn vị cấp huyện thuộc 13 tỉnh, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, chiếm 48,8% số đơn vị cấp huyện nông thôn mới của các nước.
Thu nhập ở khu vực nông thôn Đồng bằng sông Hồng là 43,3 triệu đồng/người/năm, tăng 2,5 lần; tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất nước với 1,7% và thu nhập người dân nông thôn ở Bắc Trung Bộ tăng 2,4 lần so với trước, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh từ 20% năm 2010 xuống còn 6,03% vào cuối 2018.