Điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long

Xuân Phương| 19/03/2020 16:09

(TN&MT) - Dự án “Điều tra, đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm đồng bằng sông Cửu Long” do Liên đoàn Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Nam (Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ TN&MT) thực hiện theo Quyết định số 1533/QĐ-BTNMT, ngày 19/8/2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Phạm vi thực hiện gồm 4 tỉnh/thành phố là tỉnh An Giang, tỉnh Kiên Giang, tỉnh Cà Mau và Thành phố Cần Thơ, với tổng diện tích đất tự nhiên là 15.919,9km 2 (trừ vùng hải đảo).

Nhiệm vụ chính của dự án gồm: Đo vẽ khảo sát địa chất thủy văn ; khoan nghiên cứu địa chất - địa chất thủy văn ; đo địa vật lý; lấy và phân tích các mẫu địa chất, mẫu nước; quan trắc động thái nước dưới đất…

Hình 1. Sơ đồ vị trí vùng nghiên cứu

Nhiều kết quả quan trọng

ThS. Phạm Kim Trạch, Chủ nhiệm Dự án cho biết: Sau gần 10 năm thực hiện, dự án đạt được những kết quả quan trọng như sau:

1. Trên cơ sở 27 lỗ khoan nghiên cứu địa chất, địa chất thủy văn của Dự án đã thực hiện tại các khu vực còn trống tài liệu nghiên cứu như ở Vườn Quốc gia U Minh Thượng, Cái Nước, Đầm Dơi, Thới Bình, Giồng Riềng, v.v. kết hợp với các tài liệu giai đoạn trước, đã làm sáng tỏ cấu trúc địa chất, đặc điểm chất lượng, số lượng các tầng chứa nước toàn vùng nghiên cứu. Cụ thể, vùng nghiên cứu có 07 tầng chứa nước lỗ hổng (qh, qp 3 , qp 2-3 , qp 1 , n 2 2 , n 2 1 và n 1 3 ) và 01 tầng chứa nước khe nứt (ps- ms). Tổng trữ lượng khai thác tiềm năng nước dưới đất (NDĐ) nhạt trong toàn vùng là 11.815.595m 3 /ngày. Hiện tại đã khai thác 749.699m 3 /ngày, còn lại là 11.065.926m 3 /ngày.

Hình 2. Cấu trúc địa chất thủy văn vùng kinh tế trọng điểm BĐSCL

- Tầng chứa nước Holocen (qh): Diện tích phân bố khoảng 3.645,9km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 1.078,6km 2 , chiếm 30,4%, còn lại là nước mặn. Trữ lượng khai thác tiềm năng là 83.465m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 6.464m 3 /ngày, còn lại 77.001m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 10.229m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,28g/l đến 1,43g/l; trung bình 0,55g/l.

- Tầng chứa nước Pleistocen trên (qp 3 ): Diện tích phân bố khoảng 12.905,8km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 6.386,7km 2 , chiếm 49,5%, còn lại là nước mặn. Trữ lượng khai thác tiềm năng của tầng là 841.318m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 70.645m 3 /ngày, còn lại 770.683m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 97.619m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,15g/l đến 1,46g/l; trung bình 0,89g/l.

- Tầng chứa nước Pliestocen giữa - trên (qp 2-3 ): Diện tích phân bố khoảng 15.442,2km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 11.597,7km 2 , chiếm 75,1%. Trữ lượng khai thác tiềm năng là 2.981.399m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 396.169m 3 /ngày, còn lại 2.585.229m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 200.111m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,06g/l đến 1,48g/l; trung bình 0,71g/l.

- Tầng chứa nước Pleistocen dưới (qp 1 ): Diện tích phân bố khoảng 14.842,9km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 9.608,6km 2 , chiếm 64,7%. Trữ lượng khai thác tiềm năng của tầng là 2.544.405m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 97.584m 3 /ngày, còn lại 2.446.830m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 411.297m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,08g/l đến 1,43g/l; trung bình 0,75g/l.

- Tầng chứa nước Pliocen giữa (n 2 2 ): Diện tích phân bố khoảng 11.512,6km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 8.980,3km 2 , chiếm 78,0%, còn lại là nước mặn. Trữ lượng khai thác tiềm năng của tầng n 2 2 là 2.676.503m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 139.631m 3 /ngày, còn lại 2.536.872m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 395.670m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,04g/l đến 1,48g/l; trung bình 0,78g/l.

- Tầng chứa nước Pliocen dưới (n 2 1 ): Diện tích phân bố khoảng 9.716,1km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 6.774,2km 2 , chiếm 69,7%, còn lại là nước mặn. Trữ lượng khai thác tiềm năng là 1.682.897m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 32.590m 3 /ngày, còn lại 1.650.307m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 303.989m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,45g/l đến 1,07g/l; trung bình 0,77g/l.

- Tầng chứa nước Miocen trên (n 1 3 ): Diện tích phân bố khoảng 7.781,6km 2 , trong đó diện tích vùng nước nhạt là 4.340,1km 2 , chiếm 55,8%. Trữ lượng khai thác tiềm năng của tầng n 1 3 là 1.005.608m 3 /ngày, hiện tại đã khai thác 6.585m 3 /ngày, còn lại 999.023m 3 /ngày. Trữ lượng khai thác bền vững là 194.537m 3 /ngày. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,52g/l đến 0,79g/l; trung bình 0,66g/l.

- Tầng chứa nước khe nứt (ps-ms): Diện tích phân bố của vùng lộ đá ở Tri Tôn, Tịnh Biên - An Giang; ở Kiên Lương, Hà Tiên, Hòn Đất - Kiên Giang khoảng 844,4km 2 . Chiều dày trung bình đới nứt nẻ của đá có khả năng chứa nước khoảng 120,0m. Vùng nước nhạt có độ tổng khoáng hóa từ 0,07g/l đến 0,88g/l; trung bình 0,33g/l.

a

b

c

d

e

f

 

g

 

Hình 3. Sơ đồ phân bố diện tích nước mặn, nhạt và vùng tính trữ lượng NDĐ các tầng chứa nước a) Tầng qh, b) Tầng qp 3 , c) Tầng qp 2-3 , d) Tầng qp 1 , e) Tầng n 2 2 , f) Tầng n 2 1 , g) Tầng n 1 3

 

2. Phát hiện bề dày trầm tích Neogen - Đệ tứ (N-Q) ở một số nơi nông hơn so với tài liệu nghiên cứu trước đây từ 13,5m (lỗ khoan W12, huyện Giồng Riềng) đến 86,0m (lỗ khoan W15, huyện U Minh). Các trầm tích Q 1 1 , N 2 2 , N 2 1 , N 1 3 ở huyện U Minh Thượng (lỗ khoan W14) và Đầm Dơi (lỗ khoan W20) nằm nông hơn từ 22,0 72,0m so tài liệu ĐCTV giai đoạn trước.

3. Lần đầu tiên công bố loạt bản đồ tài nguyên nước tỷ lệ 1:100.000 theo quy chuẩn chuyên nghành, gồm: bản đồ tài nguyên NDĐ và bản đồ chất lượng NDĐ, kèm 11 mặt cắt; bản đồ kết quả địa vật lý, kèm theo 8 mặt cắt địa điện và bản đồ phân vùng khả năng khai thác NDĐ.

4. Các thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất của Dự án làm cơ sở cho các ngành, các địa phương lập chiến lược quản lý, quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước.

5. Dự án có 22 lỗ khoan thăm dò có lưu lượng, chất lượng đạt yêu cầu sẽ được Bộ Tài nguyên và Môi trường bàn giao cho địa phương sử dụng.

Điều tra khảo sát nước mặt vùng Hòn Đất, Kiên Giang, năm 2012

Điều tra, khảo sát giếng đào vùng Kiên Giang , năm 2012

Điều tra, khảo sát giếng khoan vùng Kiên Giang , năm 2014

Thi công lỗ khoan W19, Cái Nước, Cà Mau, năm 2014

Đo carota lỗ khoan W19 , Cái Nước, Cà Mau, năm 2014

Bơm nước thí nghiệm lỗ khoan W14, U Minh Thượng, Kiên Giang, năm 2019

Lỗ khoan hoàn thiện W14

 

 

Hình 4. Một số hình ảnh thi công Dự án

 

Đáp ứng công tác quản lý, lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước

Từ các kết quả nghiên cứu của dự án, ThS. Phạm Kim Trạch cho biết, Dự án xác định được các đặc điểm và đặc trưng cơ bản các tầng chứa nước, gồm diện tích phân bố nước nhạt (M<1,5g/l) và diện tích phân bố nước mặn (M≥1,5g/l), tính toán được tổng trữ lượng khai thác tiềm năng toàn vùng dự án; đánh giá được mức độ giàu nước, khả năng khai thác của các tầng chứa nước, khoanh được những vùng có triển vọng khai thác NDĐ; đánh giá khái quát độ tổng khoáng hóa, loại hình hóa học chủ yếu của nước dưới đất từng tầng chứa nước.

Dự án cũng đã lập được được bộ bản đồ chuyên môn tỷ lệ 1:100.000 theo quy định; Các thông tin, dữ liệu tài nguyên nước dưới đất của dự án đáp ứng cho việc quản lý, lập quy hoạch khai thác sử dụng, bảo vệ và phát triển tài nguyên nước cho các ngành và địa phương; 22 lỗ khoan thăm dò của dự án có thể bàn giao cho địa phương sử dụng.

Theo ThS. Phạm Kim Trạch, hiện tại vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL đang chịu áp lực bởi biến đổi khí hậu, nước biển dâng và xâm nhập mặn, trong khi việc thực hiện các văn bản pháp quy về tài nguyên nước của Chính phủ, Bộ, Ngành chưa chặt chẽ, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học về tài nguyên nước dưới đất vào việc quy hoạch phát triển KT-XH chưa cao, mức độ nghiên cứu của dự án tương ứng với tỷ lệ bản đồ 1:100.000.

“Vì vậy, thời gian tới đề nghị các cấp bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục đầu tư điều tra, đánh giá chi tiết tài nguyên NDĐ, lập bản đồ tài nguyên NDĐ và bản đồ chuyên môn tỷ lệ 1:50.000 hoặc lớn hơn, trong đó đặc biệt chú trọng nghiên cứu các TCN nằm sâu như Pliocen giữa (n 2 2 ), Pliocen dưới (n 2 1 ), Miocen trên (n 1 3 ) và TCN khe nứt trong các đá trước Kainozoi (ps-ms). Điều tra, đánh giá xâm nhập mặn, nhiễm bẩn, sụt lún mặt đất, các yếu tố hình thành trữ lượng NDĐ và các yếu tố khác làm suy thoái, cạn kiệt nguồn NDĐ làm cơ sở cho việc lập quy hoạch phát triển KT-XH bền vững của địa phương, vùng, miền” - ThS. Phạm Kim Trạch đề xuất.

Theo ThS. Phạm Kim Trạch, cần thiết phải lập quy hoạch vùng hạn chế khai thác, khoanh định và bảo vệ đới phòng hộ vệ sinh khu vực khai thác cho các nhà máy nước, bãi giếng cấp nước tập trung. Điều tra chi tiết hiện trạng khai thác sử dụng NDĐ, từ đó xây dựng kế hoạch trám lấp toàn bộ các giếng bị hư hỏng hoặc không sử dụng,…

Tăng cường biện pháp chế tài, cấm khai thác và trám lấp các giếng có mực nước hạ thấp đến giới hạn cho phép theo quy định. Đối với các giếng đang khai thác, nếu có dấu hiệu suy giảm mực nước và chất lượng nước thì cần giảm công suất khai thác hoặc dừng hoạt động, đưa vào dự phòng hoặc trám lấp.

Trường hợp đầu tư xây dựng các giếng khai thác mới cần thiết kế sơ đồ khai thác hợp lý như bố trí các giếng cách xa ranh mặn, xa vị trí giếng khai thác cũ sao cho đảm bảo công suất tối đa, hạ thấp mực nước nhỏ, tác động môi trường tối thiểu và có tính khả thi cao để tiến hành đầu tư thăm dò, xây dựng nhà máy nước.

Đối với tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ, những nơi tiếp giáp với sông Hậu, có thể bố trí giếng khai thác gần sông để có thể nhận được nguồn bổ cập trực tiếp từ sông (áp dụng đối với TCN có quan hệ thủy lực với sông). Để hạn chế xâm nhập mặn do khai thác nước gây ra có thể sử dụng giải pháp khai thác đồng thời, vừa khai thác nước nhạt phục vụ cho ăn uống sinh hoạt, công nghiệp, tưới và vừa khai thác nước mặn để nuôi trồng thủy sản nhằm tạo nên phân thủy giữa công trình khai thác với khối nước mặn. Tuy nhiên, việc khai thác nước mặn chỉ tiến hành trên các vùng đã được quy hoạch để không gây mặn hóa các vùng nước nhạt.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm kê, giám sát tài nguyên NDĐ có sự liên kết vùng, đồng thời tăng cường vai trò nhà nước và người dân cùng nhau quản lý tài nguyên nước, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, cũng như những tác động của các dự án phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến môi trường nước dưới đất.

Tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò và tầm quan trọng của nguồn nước. Vận động các cấp, các ngành và toàn dân sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả gắn với bảo vệ mọi nguồn nước; tích cực phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước, quản lý chặt chẽ nước thải, chất thải làm ảnh hưởng đến NDĐ; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước.

Nâng cao chất lượng thẩm định hồ sơ cấp phép, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, xử lý việc thực hiện các quy định của giấy phép. Hạn chế hoặc cấm cấp phép khai thác gần ranh giới mặn (M=1,5g/l) các tầng chứa nước, những nơi có dấu hiệu suy giảm mực nước,…Trong tương lai, các địa phương cần định hướng đầu tư xây dựng hệ thống thu gom nước mưa, thu gom nước thải sinh hoạt để xử lý và tái sử dụng nguồn nước này...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điều tra đánh giá tài nguyên nước dưới đất vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng Sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO