Lai Châu đề ra những giải pháp căn cơ điều tiết nước trong mùa khô
(TN&MT) - Thời điểm sau Tết Nguyên đán, vùng cao nói chung, Lai Châu nói riêng là thời điểm bước vào mùa khô mà đỉnh điểm là tháng 3 hàng năm. Trong thời điểm này, hầu hết các sông, suối đều cạn nước do lượng mưa ít. Có năm hạn hán kéo dài đến hết tháng 5. Chính vì vậy, đây là thời điểm cần sự phối hợp quản lí, điều tiết nước giữa các công trình thủy điện với các đơn vị vận hành công trình thủy nông nhằm cung cấp nước tưới phục vụ cho người dân sử dụng trong sinh hoạt và trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Ngô Xuân Hùng, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lai Châu, cho biết: Vừa qua, Sở đã phối hợp cùng một số đơn vị liên quan thực hiện khảo sát, đánh giá hiện trạng nguồn nước mưa, nước mặt; Hiện trạng tích nước của các hồ chứa; Hiện trạng cấp nước sinh hoạt; Hiện trạng khai thác nguồn nước tại các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi; Hiện trạng khai thác nguồn nước tại các hồ chứa thủy điện.
Trên cơ sở đó, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành kế hoạch hiện trạng quản lí, sử dụng nguồn nước. Đồng thời cũng nêu ra dự báo xu thế diễn biến mưa, dòng chảy, lượng nước tích trữ trong các hồ chứa có dung tích từ 1 triệu m3 trở lên trong kỳ kế hoạch. Trong đó, kế hoạch khai thác, sử dụng nước sinh hoạt khu vực đô thị sẽ tập trung vào các giải pháp như thường xuyên kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng các trạm cấp nước sinh hoạt đô thị trên địa bàn tỉnh đảm bảo vận hành thường xuyên, liên lục, không bị hỏng hóc, gián đoạn hoặc rò rỉ, thất thoát, lãnh phí nước; thường xuyên kiểm tra vệ sinh, khơi thông các nguồn nước đảm bảo lưu thông dòng chảy, hạn chế thất thoát nước.

Đồng thời, thực hiện điều tiết hợp lý, hài hòa việc khai thác, sử dụng các nguồn nước khác; trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu hụt lượng lớn nước cấp cho sinh hoạt thực hiện cắt giảm sản lượng khai thác cho các mục đích khác như: thủy điện, thủy lợi để bổ sung khối lượng nước thiếu hụt; tuyên truyền, vận động cơ quan, tổ chức và người dân sử dụng tiết kiệm nước, có biện pháp chủ động tích trữ nước nhất là từ tháng 01/2025 - tháng 4/2025.
Còn đối với kế hoạch khai thác, sử dụng nước sinh hoạt khu vực nông thôn tập trung vào các giải pháp về thường xuyên kiểm tra, sửa chữa, vận hành, khai thác các công trình cấp nước sạch/hợp vệ sinh khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu sử dụng nước của người dân; hường xuyên kiểm tra vệ sinh, khơi thông các nguồn nước đảm bảo lưu thông dòng chảy, hạn chế thất thoát nước; tuyên truyền, vận động người dân sử dụng tiết kiệm nước, có biện pháp tích trữ nước để đảm bảo nhu cầu sử dụng; trong trường hợp xảy ra hạn hán, thiếu hụt lượng lớn nước cấp cho sinh hoạt, vận động nhân dân tìm kiếm nguồn nước dưới đất để sử dụng như: Các nguồn nước dưới đất xuất lộ tự nhiên, đào mới hoặc sửa chữa giếng nước đã có.
Việc khai thác, sử dụng nguồn nước phục vụ cho sản xuất nông nghiệp thì tập trung vào các giải pháp về thường xuyên kiểm tra, duy tu, sửa chữa, vận hành, khai thác tốt các hồ chứa thủy lợi, hệ thống công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh, chủ động nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, giảm thất thoát, lãng phí nước, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, nhất là thời điểm mùa khô từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025. Đồng thời, tổ chức khai thác, cấp nước sản xuất theo các đợt, mùa vụ để nâng cao hiệu quả sử dụng nước; bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống phù hợp…

Riêng đối với kế hoạch khai thác, sử dụng nước phục vụ sản xuất điện tập trung vào các công trình thủy điện Lai Châu, Huổi Quảng và Thủy điện Bản Chát… Đây là 3 công trình có hồ chứa điều tiết nước dài hạn, đảm bảo sẵn sàng thực hiện việc vận hành xả nước phát điện thực hiện theo lệnh điều độ của Trung tâm Điều độ hệ thống lưới điện Quốc gia, vận hành xả nước chống hạn theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và an ninh quốc gia trong giai đoạn tháng 12/2024 đến tháng 6/2025.
Đối với 12 công trình thủy điện có dung tích hồ chứa trên 1 triệu m3 và 46 hồ thủy điện dung tích nhỏ hơn 1 triệu m3 điều tiết nước phát điện theo giờ trong ngày, duy trì mực nước trong hồ chứa không thấp hơn mực nước chết và không vượt quá mực nước dâng bình thường thông qua các tổ máy phát điện và công trình xả lũ.
Căn cứ lưu lượng nước chảy về hồ chứa và lệnh điều độ của Trung tâm điều độ hệ thống lưới điện các cấp để có chế độ vận hành phát điện phù hợp, trong đó ưu tiên duy trì vận hành phát điện với mực nước cao nhất để đảm bảo sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước.

Ông Hùng, cho biết thêm: Trường hợp, mực nước hồ chứa đang ở mực nước chết mà lưu lượng nước về hồ thấp hơn lưu lượng phát điện tối thiểu của 01 tua bin thì nhà máy dừng hoạt động phát điện. Nhưng nếu xảy ra hạn hán, thiếu nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, các thủy điện có giải pháp cắt giảm sản lượng, ưu tiên cấp bổ sung nước cho sinh hoạt, sản xuất cho đồng bào và người dân. Trước đó, tháng 12/2024 UBND tỉnh Lai Châu đã ban hành Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh Lai Châu, từ tháng 12/2024 đến tháng 6/2025. Kế hoạch nhằm mục đích dự báo hiện trạng nguồn nước trên địa bàn tỉnh và nhu cầu khai thác, sử dụng nước của các ngành. Từ đó, đề xuất kế hoạch khai thác, sử dụng nước của từng khu vực nhằm điều hòa, phân phối nguồn nước đáp ứng nhu cầu phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Theo đó, UBND tỉnh Lai Châu đã yêu cầu các sở, ngành; UBND các huyện, thành phố; các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động tổ chức thực hiện Kế hoạch khai thác, sử dụng tài nguyên hợp lí theo thẩm quyền. Đồng thời, chủ trì, phối hợp trong việc tham mưu điều hòa, phân phối nguồn nước phù hợp với thực trạng nguồn nước, đáp ứng nhu cầu khai thác, phục vụ cấp nước sinh hoạt, sản xuất trên địa bàn tỉnh.