Điện Biên: Nan giải thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM

13/01/2017 00:00

(TN&MT) – Sau 5 năm thực hiện, tới nay, toàn tỉnh Điện Biên mới chỉ có duy nhât 1 xã Thanh Chăn, huyện Điện Biên hoàn thành tiêu chí môi trường.

Điểm thu gom rác thải trên địa bàn xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên
Điểm thu gom rác thải trên địa bàn xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên

Khó đạt yêu cầu của tiêu chí

Điểm mặt 7 xã: Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ), Noong Hẹt, Thanh Hưng, Thanh Luông, Thanh Xương (huyện Điện Biên), Ẳng Nưa (huyện Mường Ảng), Lay Nưa (Thị xã Mường Lay), nằm trong chương trình xây dựng NTM của tỉnh Điện Biên, giai đoạn 2011-2016, hầu hết các xã này đều gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện và đạt tiêu chí số 17 về môi trường.

Nguyên nhân là do để thực hiện tiêu chí này phải thực hiện 5 chỉ tiêu nhỏ trong đó. Các chỉ tiêu đó không phải một sớm một chiều thực hiện ngay được. Ngoài sự vào cuộc chỉ đạo, hỗ trợ của chính quyền địa phương, phần lớn liên quan đến công tác tuyên truyền làm thay đổi ý thức, tự giác chấp hành của người dân, như: chỉ tiêu về phát triển môi trường xanh - sạch - đẹp, không có hoạt động làm suy giảm môi trường, chất thải, nước thải thu gom và xử lý đúng quy định…

Được biết, Thanh Xương (huyện Điện Biên) là xã duy nhất trong 7 xã điểm của Điện Biên đạt được 2 chỉ tiêu: về số hộ được sử dụng nước sạch và chỉ tiêu quy hoạch nghĩa trang. Tuy nhiên, Theo ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương, chia sẻ: Để đạt được các chỉ tiêu trong tiêu chí môi trường là rất khó khăn. Mặc dù, xã đã đạt 2 chỉ tiêu, nhưng nếu xét kỹ về quy hoạch nghĩa trang, theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM, (nghĩa trang phải có khu riêng, xây tường bao, đường bê tông, trồng cây xanh….) thì xã lại đạt “hơi non” chỉ tiêu này. Hiện nay, xã đã có nghĩa trang C17, tập trung được phần lớn việc chôn cất, mai táng người qua đời. Tuy nhiên diện tích còn nhỏ, một số bản vẫn làm theo phong tục, tập quán của dân tộc, chôn cất người chết trên chính mảnh đất họ sinh sống.

Đối với các chỉ tiêu liên quan đến hoạt động bảo vệ môi trường, thì hầu hết các xã đều chưa làm được, có xã thực hiện tốt về mặt này nhưng lại đuối mặt kia. Ông Trần Công Kha, Chủ tịch UBND xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên, cho biết: Thực hiên tiêu chí môi trường, các cấp chính quyền trong xã đã vận động được người dân tập kết rác tại 11 điểm thu gom rác thải và đổ rác vào cuối ngày. Tuy nhiên, ý thức một số hộ chưa cao, đổ rác còn làm vương vãi, tràn ra lòng đường ảnh hưởng đến giao thông, mỹ quan. Cả xã có trên 100 hộ sản xuất, kinh doanh dịch vụ, song đa phần là chưa đầu tư được hệ thống xử lý nước thải môi trường.

Với đặc thù địa bàn rộng, xuất phát điểm thấp, nhận thức người dân còn hạn chế… là những rào cản đối với các xã trong quá trình xây dựng tiêu chí môi trường.

Tình trạng xả rác xuống dòng chảy vẫn thường xuyên xảy ra.
Tình trạng xả rác xuống dòng chảy vẫn thường xuyên xảy ra.

Nan giải bài toán... vốn

Khi đề cập đến nguồn vốn xây dựng NTM, hầu như các địa phương đều cho biết là: ưu tiên thực hiện mục tiêu hạ tầng kinh tế - xã hội, về: làm đường giao thông, thủy lợi, điện, xây nhà văn hóa thôn, bản, chợ nông thôn, cơ sở văn hóa, nhà ở dân cư... Còn nguồn vốn dành cho thực hiện tiêu chí môi trường rất hạn hẹp và thiếu đồng bộ.

Bên cạnh những khó khăn vướng mắc ở cơ sở, thì nguồn vốn hàng năm được Nhà nước cấp cho các địa phương ngày càng ít. Nguồn vốn đối ứng vận động trong nhân dân lại càng không dễ thực hiện ở các xã miền núi khó khăn của tỉnh Điện Biên. Bởi vậy, áp lực phải hoàn thành tiêu chí môi trường để được công nhận NTM, đang đè nặng lên vai chính quyền các xã. 

Ông Ngô Minh Cương, chủ tịch UBND xã Thanh Xương, cho biết thêm: Nguồn vốn hàng năm được Nhà nước giao cho xã để thực hiện chương trình xây dựng NTM rất hạn chế. Trong khi đó, xã phải cân đối và ưu tiên thực hiện các tiêu chí: làm đường giao thông, thủy lợi. Trước đó, năm 2013, xã đã xây dựng hệ thống nước sạch sinh hoạt, nhưng do nguồn vốn có hạn nên chưa thực hiện được đồng bộ. Đến năm 2016, được giao tiếp 3 tỷ đồng, chính quyền xã phải “cân lên đặt xuống” mới quyết định dành 300 triệu đồng để hoàn thiện nốt hệ thống đường nước sạch cho đội 18 và C9. Còn các chỉ tiêu khác của môi trường xã không cân đối được vốn và cũng không có kinh phí để thực hiện. Giải pháp trước mắt và lâu dài, các cấp chính quyền xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, thực hiện đến đâu hay đến đó.

Điều bất cập tại các địa phương là, từ trước đến nay, chưa có nguồn kinh phí nào dành riêng cho sự nghiệp môi trường. Được biết, năm 2017, UBND huyện Điện Biên sẽ cấp cho xã Thanh Xương 90 triệu đồng để hoàn thành tiêu chí môi trường. Trong khi đó, Nghị quyết đầu năm 2016, đề ra xã Thanh Xương phải hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm!?

Hoàn thành tiêu chí về môi trường tuy khó nhưng không có nghĩa không thực hiện được. Việc cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức xây dựng và bảo vệ môi trường nông thôn ngay trong suy nghĩ và hành động, có như vậy mới tạo được chuyển biến tích cực trong công cuộc xây dựng NTM của toàn xã hội.

Bài & ảnh: Nam Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Điện Biên: Nan giải thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO