Để Cô Tô phát triển bền vững - Bài 1: Đánh thức tiềm năng

19/03/2019 12:49

(TN&MT) - Khoảng gần chục năm trước, nhiều người chỉ biết Cô Tô là huyện đảo rất xa đất liền, giàu tiềm năng nhưng khó có thể đánh thức… Nhưng chỉ trong thời gian không lâu, nhất là từ khi điện lưới quốc gia được kéo ra đảo, Cô Tô đang vươn mình đứng dậy, quyết tâm xây dựng thành vùng kinh tế năng động nơi tiền tiêu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

1C6A7874


Thiên nhiên ưu đãi

Huyện đảo Cô tô được thiên nhiên ban tặng cho 40 đảo lớn nhỏ, trong đó, có 3 đảo lớn: Đảo Cô Tô lớn là 1.780 ha, đảo Thanh Lân là 1.887 ha, đảo Trần là 512 ha, còn lại là các đảo diện tích nhỏ lẻ khác. Nơi đây có các bãi biển đẹp, thơ mộng, đặc biệt, còn giữ được nguyên vẻ hoang sơ. Bãi biển Hồng Vàn, Vàn Chảy, Nam Hải, Ba Châu, Hải Quân với không khí trong lành, cát trắng mịn trải dài. Bên cạnh đó, các ghềnh đá mang màu huyền thoại phần nổi phần chìm dưới làn nước quanh năm xanh ngắt; hàng nghìn ha rừng nguyên sinh… Đây là tiềm năng phát triển du lịch của huyện đảo. Chỉ tính riêng năm 2017, lượng khách đến với Cô Tô vào khoảng 300.000 người.

Không những thế, vùng biển Cô Tô, nằm gần các ngư trường lớn, với trên 300km2 là diện tích ngư trường dành cho đánh bắt, khai thác thuỷ sản; nguồn lợi và trữ lượng thuỷ sản dồi dào với hơn 1.000 loại, trong đó, có trên 60 loài có giá trị kinh tế cao như các loại cá: Song, hồng, chấm lang, chim, thu, nục và nhiều loại giáp xác, nhuyễn thể quý hiếm khác như: Ngọc trai, bào ngư, tôm hùm, hải sâm... Lợi thế này, tạo điều kiện thuận lợi để Cô Tô phát triển kinh tế thủy sản.

Đặc biệt, thiên nhiên còn ưu đãi cho Cô Tô có một nguồn nước ngọt khá dồi dào, đủ để cung cấp cho những người dân sống trên hòn đảo có diện tích đất nổi là 4.620 ha này. Huyện có 13 con suối có chiều dài từ 1km trở lên, trong đó, đảo Thanh Lân có 9, đảo Cô Tô có 3 và đảo Cô Tô con có 1 con suối. Số lượng hồ chứa nước mặt là 20 hồ phục vụ nước sinh hoạt và tưới tiêu. Khả năng sinh thủy khá lớn, vào khoảng 48 triệu m3/năm. Trữ lượng nước ngầm tính cho toàn quần đảo vào khoảng 10,65 triệu m3. Mực nước ngầm có độ cao lớn nhất là 4,5m và thấp nhất là 2m. Chính vì thế, không như nhiều hòn đảo khác, người dân trên đảo Cô Tô không phải sống trong tình trạng thiếu nước.

Thúc đẩy Cô Tô vươn mình phát triển

Đứng trước những lợi thế này, tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện đảo Cô Tô nói riêng đã thực hiện các chiến lược dài hơi để đưa Cô Tô trở thành huyện có nền kinh tế năng động, một trọng điểm phát triển trong chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của tỉnh Quảng Ninh, trở thành điểm tựa của ngành ngư nghiệp trên toàn vùng biển Đông Bắc…

Theo ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Cô Tô, để thực hiện được mục tiêu này, việc đầu tiên, UBND huyện Cô Tô bắt tay vào phát triển hạ tầng, giao thông. Huyện tập trung đưa các đội tàu cao tốc chất lượng cao vào phục vụ vận tải hành khách để rút ngắn khoảng cách giữa đảo với đất liền. Trước đây, để ra được đảo phải mất từ 3 - 4 giờ di chuyển, hiện nay, còn 1 giờ. Số lượng chuyến tăng lên đáng kể, thay vì ngày chỉ có 1 - 2 chuyến tàu từ cảng Vân Đồn ra Cô Tô, nay gần như giờ nào cũng có tàu ra đảo. Các tuyến đường xuyên đảo, đường nhánh trên đảo cũng được đầu tư, nâng cấp. Hiện nay, hệ thống giao thông huyện đảo có nhiều đặc biệt, với hai hệ thống giao thông nội huyện và giao thông ngoài đảo bằng hệ thống bến cảng, tàu thuyền.

Đánh dấu cho sự chuyển mình lớn nhất của Cô Tô là từ năm 2012. Với sự chỉ đạo sát sao của tỉnh Quảng Ninh, Cô Tô đã giải quyết được 3 vấn đề khó khăn nhất, đó là điện lưới, nước ngọt và giao thông.

Cô Tô được Chính phủ và UBND tỉnh quan tâm đưa đi điện lưới quốc gia ra đảo. Đây là sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn đối với huyện đảo, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và thúc đẩy kinh tế huyện phát triển. Hiện, mạng lưới điện đã được lắp đặt trên toàn bộ đảo Cô Tô lớn và đảo Thanh Lân. Trong thời gian tới sẽ thực hiện đưa điện lưới ra đảo Trần. Bên cạnh đó, Cô Tô còn được xây dựng các hồ chứa nước ngọt. Đến nay, có khoảng 20 hồ chứa nước, trong đó, 4 hồ chứa nước phục vụ nhu cầu cấp nước sinh hoạt, 3 hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung.

Để thúc đẩy nghề cá, bên cạnh khai thác tự nhiên, huyện rất quan tâm đến các dự án hỗ trợ ngư dân trong khai thác thuỷ, hải sản và xây dựng cơ sở chế biến thuỷ hải sản tập trung, ổn định diện tích vùng nuôi và tập trung nuôi hải sâm, ốc hương, bào ngư... Cô Tô cũng xây dựng Trung tâm Dịch vụ hậu cần nghề cá Bắc vịnh Bắc Bộ với diện tích 54ha, tổng mức đầu tư 457 tỷ đồng.

“Thời gian tới, huyện Cô Tô sẽ tập trung phát triển toàn diện và hiện đại hóa ngành hải sản theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, có năng suất và chất lượng cao, có sản phẩm đa dạng để xuất khẩu và phục vụ du lịch; kết hợp hài hòa giữa khai thác theo quy hoạch với phát triển nuôi biển và dịch vụ nghề cá; gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ sản phẩm, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững” - ông Hùng cho biết thêm.

Những nỗ lực của chính quyền nơi đây đã đưa một huyện đảo còn bộn bề khó khăn, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội thấp kém, kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân không ổn định, trở thành một vùng đất có tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 13,35%, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 45 triệu đồng/năm (năm 2014). Nếu bạn có dịp đặt chân đến đảo Cô Tô thời gian này, sẽ không khỏi thấy sự đổi thay từng ngày nơi đây. Cô Tô đã vươn mình mạnh mẽ trở thành huyện đảo giàu về kinh tế, vững về quốc phòng - an ninh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để Cô Tô phát triển bền vững - Bài 1: Đánh thức tiềm năng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO