Môi trường

Trong xanh biển đảo Quảng Ninh - bài 2: Cá heo, rùa biển đã về

Bài: Phạm Hoạch - Trình bày: Dũng Thi 05/06/2024 - 17:41

(TN&MT) - Bằng những quyết sách đúng đắn, về bảo vệ môi trường biển nỗ lực xóa phao xốp trong nuôi trồng thủy sản, Quảng Ninh đang thực hiện hướng đi đúng đắn trong, sử dụng hiệu quả tài nguyên, phát triển bền vững kinh tế biển xanh.

e-qn.jpg

Tiếp nối những kết quả đạt được trong “cuộc chiến” xóa phao xốp trên biển, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp bảo vệ môi trường biển và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản biển, nhờ đó, ngư trường của tỉnh phong phú thêm nguồn lợi thủy sản, đặc biệt vùng biển tại huyện đảo Cô Tô, Vân Đồn xuất hiện nhiều đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm. Đó là những tín hiệu đáng mừng bởi môi trường biển Quảng Ninh đã trong sạch hơn.

sutit-1.jpg

Sau nhiều năm vắng bóng, thời gian gần đây, tại vùng biển Cô Tô liên tục xuất hiện những đàn cá heo, cá voi, rùa biển quý hiếm. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy hệ sinh thái, môi trường biển ngày càng tốt lên. Bởi lẽ, loài rùa biển, cá heo, cá voi là các loài sinh vật biển có đặc tính tìm bãi cát sạch để sinh sản hoặc tìm về nơi nước sâu, sạch sẽ và có nhiều cá con để tìm kiếm nguồn thức ăn.

box1.jpg


Vùng biển Cô Tô cũng là một trong 8 ngư trường lớn của vịnh Bắc Bộ, cùng với hàng trăm loài cá biển, Cô Tô còn có 4 loài rùa biển, các loài thú biển mà phổ biến nhất là loài cá heo, cá voi. Bên cạnh đó, Cô Tô có làn nước trong, nhiều bãi cát đẹp, các rạn san hô, hệ động, thực vật phong phú, không khí trong lành là điệu kiện lý tưởng để phát triển ngành du lịch thân thiện với môi trường.
Anh Đào Ngọc Tước, một khách du lịch tham quan huyện đảo Cô Tô vui vẻ cho biết: Gần đây cá heo liên tục xuất hiện trên vùng biển Cô Tô, rồi trên vịnh Bái Tử Long. Đây là thông điệp đáng mừng bởi môi trường biển đã được cải thiện, ngày càng trong sạch mới thu hút các đàn cá heo, rùa biển quý hiếm đến với vùng biển Quảng Ninh.
Chia sẻ về việc những đàn cá heo, rùa biển liên tục xuất hiện tại vùng biển Cô Tô, ông Đỗ Huy Thông - Phó Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết: Những năm gần đây, cơ cấu kinh tế địa phương có bước chuyển dịch mạnh mẽ, theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ, du lịch, phát triển kinh tế biển xanh, bền vững. Việc bảo vệ môi trường được địa phương đặc biệt chú trọng, triển khai quyết liệt trong thời gian qua với mục tiêu xây dựng huyện đảo Cô Tô không rác thải nhựa đã được địa phương thực hiện với những kết quả đáng khích lệ.
Có được kết quả này, ngay từ cuối năm 2022, địa phương đã thí điểm triển khai theo hướng vận động, khuyến khích là chủ yếu. Sau 1 năm triển khai, huyện Cô Tô đã nhân rộng và thực hiện giai đoạn 2 của đề án này theo hướng bắt buộc. Cùng với việc triển khai tới du khách, huyện cũng yêu cầu 100% cơ quan, đơn vị, trường học, chợ, cơ sở kinh doanh dịch vụ, tàu vận chuyển khách, vận chuyển hàng hóa, đánh bắt hải sản trên địa bàn không sử dụng túi nilông, đồ nhựa dùng một lần và các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường biển.

2.0-mot-goc-dao-co-to.-anh-nguyen-viet-dung.png
Một góc đảo Cô Tô. Ảnh Nguyễn Việt Dũng

Để giữ màu xanh và bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long, theo ông Vũ Kiên Cường - Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long cho biết: Ban đã huy động mọi nguồn lực từ các phòng, ban, đơn vị trực thuộc và Công ty CP Cây xanh công viên cùng các doanh nghiệp, chủ tàu tham gia thực hiện thu gom phao xốp, rác trôi trên Vịnh. Các phương tiện tăng cường thu gom và chạy liên tục để vận chuyển rác vào bờ xử lý theo đúng quy định. Từ đầu năm 2024 đến nay, mỗi ngày trên vịnh Hạ Long huy động khoảng 20 phương tiện, với 50 lao động để thu gom rác thải. Tổng lượng rác thải thu gom từ đầu năm đến nay khoảng trên 75 tấn rác thải và trên 2.000m3 phao xốp, bè tre các loại.
Bằng sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chuyên môn và các địa phương ven biển, nhất là thông qua các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, công tác bảo vệ môi trường biển và nguồn lợi thủy sản, chống đánh bắt tận diệt cũng cho thấy hiệu quả đáng kể. Việc các đàn cá voi, cá heo, rùa biển cũng xuất hiện thường xuyên hơn trên vùng biển Cô Tô, Hạ Long, Vân Đồn cho thấy môi trường và hệ sinh thái biển tốt dần lên.

sutit-2.jpg

Để có được những kết quả này, các địa phương ven biển của tỉnh Quảng Ninh đều tập trung triển khai những giải pháp quyết liệt giữ gìn môi trường biển và tái tạo nguồn lợi thủy sản. Ngay từ năm 2018, tỉnh Quảng Ninh ban hành Chỉ thị số 18 về tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản với loạt các giải pháp hiệu quả.
Nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị 18, đến nay, các cấp ủy, chính quyền và các sở, ngành đã ban hành trên 700 văn bản chỉ đạo cơ quan, lực lượng chức năng tăng cường thực hiện các giải pháp về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Toàn tỉnh đã tổ chức hơn 21.300 đợt tuyên truyền phổ biến các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho trên 405.000 lượt người, biên soạn và in ấn 532.980 tài liệu các loại về quy định bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Toàn tỉnh đã tổ chức ký 4.009 cam kết giữa chủ tàu cá, các hộ kinh doanh ngư cụ về không vi phạm nguồn lợi thủy sản.

box2.jpg


Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo vệ môi trường biển, những năm qua tỉnh Quảng Ninh còn tăng cường việc kiểm soát ô nhiễm từ các nguồn, nhất là việc chủ động ứng phó với các sự cố môi trường Vịnh Hạ Long. Tại khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm, những yếu tố tác động và ảnh hưởng đến môi trường vịnh.
Ông Vũ Kiên Cường chia sẻ thêm: Để bảo vệ môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị di sản vịnh Hạ Long, thời gian tới tỉnh Quảng Ninh triển khai lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ phục hồi Danh lam thắng cảnh vịnh Hạ Long giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phối hợp chặt chẽ với UBND thành phố Hải Phòng xây dựng cơ chế chính sách quản lý Di sản liên tỉnh vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà, đặc biệt tập trung trong công tác quản lý các hoạt động du lịch, bảo vệ môi trường, kiểm soát, thu gom và xử lý các nguồn thải phát sinh.
Đồng thời, Quảng Ninh đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trạm xử lý nước thải tại các địa phương khác ở ven bờ Vịnh Hạ Long. Thu gom, xử lý triệt để nước thải từ các hoạt động kinh tế - xã hội trên Vịnh Hạ Long, đặc biệt là nước thải từ các tàu du lịch và từ các điểm tham quan trên Vịnh. Cũng như tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc xử lý các công trình nuôi trồng thủy sản không đúng quy định tại các khu vực ven bờ, vùng đệm, vùng phụ cận vịnh Hạ Long.

images1024022_14717208_556530987875467_1458168772884292702_n.jpg
Rừng ngập mặn Đồng Rui.


Cùng với đó, để cụ thể hóa các chỉ thị, nghị quyết về bảo vệ môi trường, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thành lập Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan Vịnh Hạ Long và hướng tới nâng cấp thành Vườn Quốc gia; đề xuất công nhận Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui là khu đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar); phê duyệt quy hoạch chi tiết khu bảo tồn biển Cô Tô, Đảo Trần. Đặc biệt năm 2023, tỉnh hoàn thành chuyển đổi 6,85 triệu phao xốp trong nuôi trồng thủy sản sang phao nhựa thân thiện môi trường; quyết liệt xử lý nuôi trồng thủy sản trái phép và chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, hướng tới phát triển nghề cá bền vững và hội nhập quốc tế, bảo đảm sinh kế của người dân.
Ông Nguyễn Như Hạnh - Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ninh cho biết: Từ nay tới năm 2030, tỉnh đặt mục tiêu từng bước ngăn chặn, đẩy lùi gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường và ngăn chặn sự suy giảm bảo tồn, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên quan trọng gắn định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đây là điều kiện quan trọng để Quảng Ninh phát triển kinh tế biển theo hướng bảo tồn, phát huy các loài thủy sản quý hiếm gắn với các hoạt động du lịch biển theo hướng bền vững.

Bài: Phạm Hoạch - Trình bày: Dũng Thi
Địa chỉ: Phường Yên Thành, TP. Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh

Bài 3: Xanh lên từ biển,
giàu lên từ biển

Đọc tiếp
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong xanh biển đảo Quảng Ninh - bài 2: Cá heo, rùa biển đã về
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO