Bạn đọc - Pháp luật

Tiếp bài Long đong “phận sứa” trên đảo Cô Tô: Cần tránh lãng phí tiền của cho các cơ sở thu mua, chế biến sứa

Lê Tí 12/11/2024 - 18:25

Như Báo Tài nguyên và Môi trường đã đăng loạt bài Long đong “phận sứa” trên đảo Cô Tô, đã phản ánh thực trạng hàng chục cơ sở thu mua và sơ chế sứa ở thị trấn Cô Tô, xã đảo Thanh Lân, huyện Cô Tô đầu tư hàng tỷ đồng vào cơ sở vật chất, hạ tầng nhưng có nguy cơ phá sản diện rộng; phần lớn các cơ sở đã hết thời hạn thuê đất nhưng không được chính quyền gia hạn… họ đang phải làm chui nhưng vẫn phải đóng thuế, phí cho Nhà nước và không biết tương lai của nghề chế biến sứa sẽ có được tồn tại hay không?

Sau khi Báo Tài nguyên và Môi trường đăng bài, huyện Cô Tô đã vào cuộc và cho biết sẽ xử lý dứt điểm vào tháng 11/2024. Đến ngày 21/10/2024, UBND huyện Cô Tô đã ra Văn bản số 2311/UBND-TNMTNN. Văn bản có ghi: Đối với những cơ sở chế biến sứa đã có quyết định thu hồi đất, các cơ sở chế biến sứa không được UBND huyện cho thuê đất mà người dân tự ý lấn chiếm để chế biến sứa, yêu cầu Chủ tịch UBND xã, thị trấn chỉ đạo xử lý… báo cáo kết quả về UBND huyện qua Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp trước ngày 30/10/2024.

anh-1-sua.jpg
Một số chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa ở thị trấn Cô Tô mặc dù không còn thời hạn thuê đất nhưng vẫn nuôi hi vọng sẽ được UBND huyện Cô Tô cho tiếp tục sản xuất sứa

Đối với các cơ sở chế biến sứa còn thời gian được giao, thuê: UBND các xã, thị trấn rà soát đảm bảo đầy đủ các giấy tờ quy định về môi trường, an toàn thực phẩm, nghĩa vụ thuế, nghiêm cấm việc chuyển nhượng, cho thuê đất bãi triều, nhà xưởng trái phép cho người khác quản lý sử dụng. Đồng thời yêu cầu chủ cơ sở có cam kết về bảo vệ môi trường, thu gom, vận chuyển, tập kết rác thải sinh hoạt và rác thải xung quanh khu vực chế biến về nơi tập trung của huyện để Công ty Cp Môi trường đô thị Cô Tô xử lý.

Ngoài ra, Văn bản còn ghi: Đối với cơ sở hết hạn giao, thuê, Phòng Tài nguyên – Môi trường và Nông nghiệp thống kê toàn bộ các cơ sở chế biến sứa biển có hoạt động lấn, chiếm để sản xuất, chế biến sứa sau khi có quyết định thu hồi đất của UBND huyện trên cơ sở kiểm tra, đối chiếu với kết quả kiểm tra, xử lý của các địa phương. Kiểm tra, thông báo xác nhận kết quả hoàn nguyên môi trường do UBND thị trấn Cô Tô, xã Thanh Lân thực hiện. Thời gian hoàn thành trước ngày 5/11/2024.

anh-2-sua.jpg
Thu mua và chế biến sứa vụ thu hoạch năm 2023 - 2024

UBND huyện cũng yêu cầu Phòng Tài chính – Kế hoạch và Công Thương tham mưu công tác lập, phê duyệt Báo cáo đầu tư thành lập Cụm công nghiệp Nam Âu cảng và các khu tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn theo quy định tại Điều 16, Nghị định số 68/2017/NĐ-CP, ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp để làm cơ sở cho lập, phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các khu tiểu thủ công nghiệp.

Tại Thông báo số 195/TB-UBND của UBND thị trấn Cô Tô (lần 2) có nội dung: Đề nghị chủ các cơ sở thu mua, chế biến sứa tại vụng Cát 2, vụng Cát 3, thuộc khu 4 chấp hành nghiêm chỉnh quết định thu hồi đất của UBND huyện Cô Tô; không tái đầu tư mua sắm nguồn nguyên liệu, xây dựng, tu sửa lán trại; tự tháo dỡ nhà ở, lán, bể chứa và các công trình khác, trả lại hiện trạng ban đầu trước khi thuê đất, thời gian thực hiện xong trước ngày 30/10/2024.

Một chủ cơ sở chế biến sứa xin giấu tên cho biết: Việc quy hoạch cụm công nghiệp Nam Âu cảng đến nay vẫn chưa rõ ràng, chúng tôi cũng không biết huyện có dành quỹ đất cho cơ sở thu mua, chế biến sứa biển không? Trong khi, vụ chế biến sứa biển sắp vào mùa mới, chúng tôi rất hoang mang. Sau bão số 3 nhiều cơ sở bị phá hủy tan hoang, giờ muốn chế biến sứa thì phải đầu tư tiền của rất tốn kém. Nếu đầu tư tiền tỷ mà chính quyền thẳng tay không cho làm tiếp thì chúng tôi chỉ còn nước bỏ đảo, bỏ biển, trốn nợ! Vì thực tế gần như các chủ cơ sở chế biến sứa đã hết thời hạn thuê đất, đây thực sự như một canh bạc.

anh-3-sua.jpg
Nhiều cơ sở chế biến sứa hết hạn thuê đất đã dừng sản xuất ở thị trấn Cô Tô

Trao đổi nhanh qua điện thoại với ông Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện ủy Cô Tô, cho biết: Huyện đã báo tỉnh không khuyến khích dân sản xuất sứa, đây không phải vùng quy hoạch, huyện đang thu hồi giấy phép, mọi việc huyện đã ra báo cáo rồi, nếu anh quan tâm thì xem thêm trong báo cáo của huyện.

Thiết nghĩ, UBND huyện Cô Tô cần thẳng thắn trao đổi với các chủ cơ sở thu mua, chế biến sứa biển ở thị trấn Cô Tô và xã Thanh Lân về quan điểm, chủ trương của huyện về việc chấm dứt tình trạng thu mua, chế biến sứa tại đây để nhường đất cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội khác. Tránh tình trạng để các chủ cơ sở nuôi hy vọng sẽ được tổ chức thu mua, chế biến sứa vào vụ tới (thời gian chính thức vào vụ khai thác, chế biến sứa biển chỉ còn hơn 1 tháng - pv), để rồi họ tiếp tục “ném tiền tỷ” vào xây dựng, tu sửa lại cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ chế biến sứa, sau đó UBND huyện lại “cấm cửa”, lúc đó thiệt hại cho các chủ cơ sở chế biến sứa khó có thể đong đếm được.

anh-4-sua.jpg
Một cơ sở thu mua, chế biến sứa còn hạn thuê đất đến hết năm 2027 ở xã Thanh Lân

Cô Tô được ví là "rốn sứa" của ngư trường miền Bắc, doanh thu từ sứa luôn đứng đầu ngành khai thác, chế biến thủy sản của địa phương. Sứa đã đem lại thu nhập ổn định cho hàng trăm ngư dân, đồng thời giải quyết việc làm cho cả ngàn lao động... Sứa cũng góp phần quan trọng vào công cuộc bám biển, bám đảo, giữ vững phên dậu thiêng liêng của Tổ quốc. Vậy mà, một nghịch cảnh có thể sẽ xảy ra trong tương lai gần, đó là nghề khai thác và chế biến sứa sẽ không còn tồn tại ở huyện đảo Cô Tô.
Được biết, mùa khai thác và chế biến sứa bắt đầu từ tháng 12 âm lịch (năm trước) và kéo dài đến hết tháng 3 dương lịch (năm sau). Theo kinh nghiệm dân gian, vào tháng 3 dương lịch hàng năm có mưa và sấm là báo hiệu mùa khai thác sứa đã hết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp bài Long đong “phận sứa” trên đảo Cô Tô: Cần tránh lãng phí tiền của cho các cơ sở thu mua, chế biến sứa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO