ĐBSCL: Cần điều chỉnh quy hoạch để ứng phó với BĐKH

23/02/2016 00:00

 (TN&MT) - Việt Nam hoàn toàn có thể tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) cho vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) bằng cách điều chỉnh quy hoạch vùng là khẳng định của các chuyên gia Hà Lan khi tham gia các dự án gia tăng sức chống chịu, ứng phó BĐKH vùng. Nhân buổi tập huấn của các chuyên gia đối với các cơ quan cấp TƯ, Báo Tài nguyên và Môi trường đã phỏng vấn ông Tom Kombier - Bí thư thứ nhất về nước và khí hậu, Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam xung quanh vấn đề này.

PV: Hà Lan đã có hơn 100 năm kinh nghiệm ứng phó với biễn đổi khí hậu, từ những kinh nghiệm đó ông có thể đưa ra những khuyến nghị nào để vùng ĐBSCL có thể thích ứng tốt với BĐKH?

Ông Tom Kombier: Với những kinh nghiệm của mình, Hà Lan đã cùng Việt Nam xây dựng Kế hoạch ĐBSCL (MDP), tầm nhìn dài hạn 100 năm cho khu vực ĐBSCL - vùng đất giàu tiềm năng nhưng dễ bị tổn thương. Trong đó, đã đưa ra những khuyến nghị để điều chỉnh quy hoạch vùng trước đây, với chiến lược phát triển kinh tế xã hội bền vững, ứng phó lâu dài với các vấn đề do biến đổi khí hậu gây ra.

Quan điểm phía Hà Lan là Chiến lược mới phải đặt ra được nhiều vấn đề liên quan đến sử dụng hợp lý tài nguyên trong bối cảnh biến đổi khí hậu, có sự liên hệ giữa hiện tại và tương lai. Hiện tại, Việt Nam đang gặp hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở đất nghiêm trọng, vậy 20, 50 năm và xa hơn nữa cuộc sống của người dân những vùng này sẽ ra sao? Cơ sở hạ tầng, giao thông ven biển phải xây dựng thế nào để không bị triều cường, sạt lở nhấn chìm? Không gian vùng, không gian đô thị, đầu tư cho các khu công nghiệp cần được điều chỉnh lại để tập trung nguồn lực phát triển kinh tế... Trong bối cảnh nguồn vốn dành cho ứng phó với biến đổi khí hậu còn hạn chế, quy hoạch này là cần thiết. Chúng ta sẽ dựa vào đó lựa chọn những dự án sử dụng hiệu quả chi phí, tránh những rủi ro đầu tư, đồng thời, có sự chuẩn bị sẵn sàng để hạn chế sức ảnh hưởng của biển đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng hơn. Sau này, Việt Nam sẽ cần đến những khoản vay lớn để đầu tư mang tính thương mại nhiều hơn chứ không chỉ là những nguồn vay hỗ trợ như hiện nay.

Bằng kinh nghiệm của mình, Hà Lan sẽ tập trung hỗ trợ Việt Nam trong tổ chức xây dựng chính sách, tăng cường sự tham gia của người dân, phân tích chi phí lợi ích và các cơ chế giám sát thực hiện quy hoạch về sau.

Ông Tom Kompier
Ông Tom Kompier

PV: Để quy hoạch mới này đi vào cuộc sống và khẳng định hiệu quả lâu dài, theo ông, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là gì?

Ông Tom Kombier: Tại Việt Nam, thách thức lớn nhất là làm thế nào để các tỉnh, Bộ, ngành khác nhau hợp tác vì lợi ích chung – hay nói cách khác làm thế nào để quy hoạch được thực hiện ở cấp độ và quy mô toàn vùng ĐBSCL, chứ không phải là một địa phương hay cơ quan chuyên môn đơn lẻ.

Năng lực của cơ quan quản lý và ngân sách cũng là vấn đề cần tính đến. Điều quan trọng đối với Việt Nam là xây dựng cấu trúc và cơ chế phù hợp để tiếp nhận, phân bổ các nguồn tài chính BĐKH. Điều này đòi hỏi phải đặt ưu tiên cho công tác xây dựng năng lực cho cơ quan tiếp nhận, thiết lập danh mục ưu tiên và đảm bảo quá trình điều tiết minh bạch vì đây là những yêu cầu nghiêm ngặt của Quỹ Khí hậu xanh cũng như những cơ chế tài chính quốc tế khác. Đặc biệt, cần sự phối hợp giữa các Bộ, ngành chủ chốt như Bộ TN&MT, Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính để đảm bảo Quỹ BĐKH được sử dụng cho những lĩnh vực cần thiết.

PV: Ông có khuyến nghị gì dành cho những nhà hoạch định chính sách của Việt Nam?

Ông Tom Kombier: Chúng tôi cần các địa phương đề xuất những vấn đề cụ thể, bám sát thực tế. Họ cần chủ động tham gia ý kiến bởi quy hoạch này ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân mỗi địa phương. Từ đó, các cơ quan chuyên môn, đối tác quốc tế mới có thể đề xuất giải pháp hỗ trợ, định hướng. Việc hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan này với nhau và với các địa phương chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề trọng yếu. Các cơ quan ban ngành các tỉnh sẽ kiến nghị, đề xuất lên chính phủ, ra được các quyết định mang tính cấu trúc trước, hướng đến tương lai nhiều hơn.

Để đảm bảo các quyết định đầu tư tốn kém phải dựa trên các phân tích tốt nhất có thể, Việt Nam nên tính toán việc thành lập một Ủy ban điều phối chung cho toàn vùng. Ủy ban này nên độc lập với các Bộ và tự quản lý quỹ ứng phó biến đổi khí hậu riêng.

Về lâu dài, khi chúng ta có một chiến lược hiệu quả sẽ giúp các quỹ đầu tư quốc tế có cái nhìn rõ ràng hơn để đối phó với những rủi ro trong việc đầu tư tài chính vào các dự án tại Việt Nam, đồng thời, cũng cho thấy sự chuẩn bị sẵn sàng của Việt Nam trong cuộc chiến sống còn với biến đổi khí hậu. Đây là lợi thế để cạnh tranh với các quốc gia khác để tiếp nhận hỗ trợ tài chính, đặc biệt là từ Quỹ khí hậu xanh từ sau năm 2020.

Khánh Ly

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
ĐBSCL: Cần điều chỉnh quy hoạch để ứng phó với BĐKH
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO