Đất vỡ hoang tại Đồ Sơn, Hải Phòng: Chủ tịch phường Bàng La xử phạt liệu có đúng luật?

Bài và ảnh: Đức Hải| 23/12/2021 10:50

(TN&MT) - Năm 1989, ông Hoàng Đăng Cử có đơn xin bao thầu bãi đất bỏ hoang cùng con mương bỏ hoang và được UBND xã Bàng La (Đồ Sơn, Hải Phòng) ký duyệt. Ông Cử cho một số người khác cùng canh tác, sản xuất, còn ông chỉ giữ một đoạn mương để làm đầm nuôi cá. Sau đó ông Cử cho cháu là Vũ Hữu Quý mượn để nuôi thủy sản.

Quý làm được mấy năm thì lại bỏ hoang nên ông Cử đòi về, cho con gái là Hoàng Thị Nguyệt làm. Năm 2016, bà Nguyệt cho rào bờ ao đầm lại thì vợ Quý là Tô Thị Hân đâm đơn đòi đất. UBND Phường Bàng La (giai đoạn này lên phường) đã tiến hành hòa giải, nhưng không thành.

Đất vỡ hoang 18 năm, phường mới xử phạt

Bất ngờ, đến ngày 14/12/2017 (sau 18 tháng), Chủ tịch phường Bàng La - ông Cao Văn Bé đã ký Quyết định xử phạt bà Nguyệt chiếm đất. Bất bình, bà Nguyệt khởi kiện ông Bé ra tòa. Vụ kiện dai dẳng suốt từ năm 2018 cho đến nay.

Trao đổi với phóng viên, bà Hoàng Thị Nguyệt bức xúc: “Tất cả các bằng chứng chứng minh cha tôi - ông Hoàng Đăng Cử đã khai hoang khu đất vẫn còn”. Bà Nguyệt cho biết: Ngày 12/8/1989, ông Hoàng Đăng Cử có đơn xin bao thầu bãi đất hoang và con mương bỏ hoang gửi lên UBND xã Bàng La. Đến ngày 16/8/1989, ông Nguyễn Đắc Trụ, Chủ tịch UBND xã đã ký duyệt. Sau này, khi xảy ra tranh chấp giữa bà Nguyệt và người cháu là Tô Thị Hân, ông Trụ tiếp tục viết giấy xác nhận sự việc trên và khẳng định mọi thông tin, vụ việc năm 1989 là đúng sự thật.

Qua điều tra, phóng viên được biết, việc khẳng định ông Hoàng Đăng Cử (hiện đã mất) là người có công khai hoang khu đất và đoạn mương bỏ hoang đó làm ao nuôi trồng thủy sản là có thật. Không chỉ riêng Chủ tịch xã thời kỳ đó xác nhận mà cùng thời đó, ông Nguyễn Khắc Cập, lúc đó là Bí thư Đảng ủy xã Bàng La đã làm Giấy xác nhận với nội dung: “Tuyến mương trước kia để hoang hóa, ông Hoàng Đăng Cử đã khai thác thủy sản. Tới năm 1989, Sở Thủy sản Hải Phòng kết hợp nuôi thí điểm tôm sú. Kết thúc vụ tôm, chúng tôi đã giao cho ông Hoàng Đăng Cử quản lý, tiếp tục nuôi trồng thủy sản”…

Ngoài ra, còn hàng chục nhân chứng khác như bà Bùi Thị Gặng, ông Nguyễn Khắc Khái… và nhiều người dân khác đều khẳng định ông Cử là người có công khai phá những mảnh đất bỏ hoang tại đây. Sau này, ông Cử có làm giấy cho con gái khu đầm ao này. Sự việc bẵng đi, chỉ đến khi bà Hoàng Thị Nguyệt tiến hành rào khu ao mới bắt đầu phát sinh mâu thuẫn. Và người cháu Tô Thị Hân, từ chỗ chỉ là người mượn ao đã kiện cô mình là Hoàng Thị Nguyệt lên xã. Tuy nhiên, mọi giấy tờ mà bà Hân gửi theo đơn kiện lên xã chỉ là giấy tờ phô tô, không có bản gốc và có dấu hiệu làm giả. Cũng bởi sự nhập nhèm này mà ông Bùi Văn Nuôi, từng là Phó Chủ tịch UBND xã Bàng La năm 1998 đã không dám chắc mình có ký hợp đồng này không, bởi hợp đồng không có số, không ghi ngày ký, không có trong sổ lưu… Kiện cáo tranh giành nhau mãi, xã hòa giải không xong thì bất ngờ, UBND phường Bàng La ra Quyết định xử phạt bà Hoàng Thị Nguyệt hành vi chiếm đất công khiến bà Nguyệt bức xúc và làm đơn tố cáo lại ông Cao Văn Bé, Chủ tịch UBND phường Bàng La.

Bà Hoàng Thị Nguyệt bên mảnh ao được thừa kế.

Việc xử phạt của phường Bàng La có đúng luật?

Nhận định về vụ việc, Luật sư Trần Hồng Lĩnh, thuộc Đoàn Luật sư Hải Phòng cho biết, việc ông Cao Văn Bé, Chủ tịch UBND phường Bàng La, quận Đồ Sơn, Hải Phòng xử phạt hành chính bà Hoàng Thị Nguyệt về hành vi chiếm đất công ích (thửa đất số 83, tờ bản đồ số 15, Tổ dân phố Bàng Đông) là không có căn cứ, trái pháp luật, bởi vì thửa đất này không phải là đất công ích. Bởi lẽ, từ trước tới nay, chưa bao giờ UBND phường Bàng La quản lý thửa đất 83 thuộc diện đất công ích.

Để đưa vào diện đất công ích, Luật sư Trần Hồng Lĩnh cho rằng: Theo Điều 132 Luật Đất đai 2013, mỗi xã, phường được lập quỹ đất công ích không quá 5% diện tích đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích: a) Xây dựng các công trình công cộng của xã, phường, gồm công trình văn hóa, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí công cộng, y tế, giáo dục, chợ, nghĩa trang, nghĩa địa và các công trình công cộng khác theo quy định của UBND cấp tỉnh; b) Bồi thường cho người có đất được sử dụng để xây dựng các công trình công cộng quy định tại Điểm a khoản này; c) Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương.

Như vậy, nếu là đất công ích thì trước hết phải là đất nông nghiệp và phải có Nghị quyết của HĐND xã, phường trích lại 5% và phải được UBND phường “quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt”. Nhưng cho đến nay, Chủ tịch phường không đưa ra được tài liệu gì để chứng minh thửa đất số 83, tờ bản đồ số 15, Tổ dân phố Bàng Đông là đất công ích. Mặt khác, nếu là đất công ích thì không ai có quyền kê khai, đăng ký. Vì vậy, thửa đất số 83 đã kê khai, đăng ký tên bà Hoàng Thị Nguyệt trong Sổ mục kê và Bản đồ địa chính được các cấp có thẩm quyền từ Trung ương đến địa phương phê duyệt nên thửa đất số 83 không phải là đất công ích.

Khi xảy ra tranh chấp giữa bà Tô Thị Hân với bà Hoàng Thị Nguyệt, Chủ tịch UBND phường Bàng La đã thành lập Hội đồng hòa giải và tiến hành hòa giải dân sự về tranh chấp đất đai kéo dài hơn 18 tháng. Giải quyết không được thì Chủ tịch Cao Văn Bé quay ra xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Nguyệt là không có căn cứ, trái pháp luật vì luật không cho phép dùng biện pháp xử phạt hành chính để giải quyết tranh chấp dân sự. Thửa đất số 83 là của bà Nguyệt (không phải đất công ích) nên không có việc bà Nguyệt chiếm đất công ích. Vì vậy, các cấp, các ngành cần thanh tra đất đai tại đây và xem xét làm rõ lại vụ việc, để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đất vỡ hoang tại Đồ Sơn, Hải Phòng: Chủ tịch phường Bàng La xử phạt liệu có đúng luật?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO