Đắk Lắk: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học

24/08/2016 00:00

  (TN&MT) - Ngày 24/8, Sở TN&MT Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ (thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) tổ chức Hội...

 

(TN&MT) - Ngày 24/8, Sở TN&MT Đắk Lắk đã phối hợp với Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ (thuộc Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam) tổ chức Hội thảo lấy ý kiến tham vấn đối với dự thảo báo cáo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Toàn cảnh buổi Hội thảo
Toàn cảnh buổi Hội thảo

Theo nghiên cứu của Trung tâm Địa môi trường và tổ chức lãnh thổ, Đắk Lắk hiện có 12 hệ sinh thái, trong đó có hệ sinh thái độc đáo như hệ sinh thái rừng khộp. Thành phần hệ thực vật cũng đa dạng phong phú về hệ thực vật bậc thấp (với 85 loài nấm, 140 loài tảo) và khoảng 2000 loài thực vật bậc cao có mạch (thuộc 924 chi, 210 họ của 5 ngành). Trong đó, tỉnh Đắk Lắk cũng có nhiều loài cây quý hiếm cần được bảo vệ và có giá trị kinh tế cao như: pơmu, thủy tùng, nấm đất, sơn dương, thiết đinh…

Thành phần hệ động vật tại tỉnh cũng rất đa dạng phong phú với 760 loài thuộc 146 họ, 42 bộ, 439 giống. Trong đó thú có 124 loài, chim có 425 loài, bò sát có 63 loài, ếch nhái có 39 loài và cá có 109 loài. Đắk Lắk được thiên nhiên ưu đãi về sự phong phú nguồn tài nguyên động vật hoang dã, đặc biệt là các loài quý hiếm như: voi, bò tót, trâu rừng, hưu cà toong, hươu vàng, mang lớn…

TS. Cao Thị Lý (Trưởng bộ môn Quản lý TN&MT, Khoa Nông - Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo
TS. Cao Thị Lý (Trưởng bộ môn Quản lý TN&MT, Khoa Nông - Lâm nghiệp, Trường Đại học Tây Nguyên phát biểu tại Hội thảo

Theo các chuyên gia, các loài động thực vật quý hiếm tập trung chủ yếu tại các khu rừng đặc dụng, khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, các hệ sinh thái và các loài động thực vật đang đứng trước những nguy cơ cần phải bảo tồn khoa học và nghiêm túc.

Thời gian qua, việc bảo tồn và khai thác giá trị đa dạng sinh học đã được chính quyền và các ngành chức năng quan tâm, triển khai bằng các đề tài nghiên cứu khoa học và nhiều dự án bảo tồn đa dạng sinh học, như các dự án: Bảo tồn voi, Bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, Quy hoạch và phát triển hệ thống rừng đặc dụng… Những kết quả nghiên cứu và các dự án bảo tồn đã phần nào góp phần giữ được trạng thái cân bằng và lưu giữ được nhiều giá trị quý hiếm.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao về dự thảo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Nhiều đại biểu cũng bày tỏ những vấn đề thiết thực về công tác quản lý nhà nước, xây dựng và triển khai quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; giá trị trong việc quy hoạch đa dạng sinh học trong công tác quản lý bảo vệ tài nguyên quốc gia, nâng cao đời sống của người dân vùng đệm, ngăn chặn tình trạng người dân xâm hại rừng, các loài động thực vật quý hiếm, hệ sinh thái cần bảo tồn… Một số đại biểu là đại diện các nhà nghiên cứu khoa học, đại diện các Sở, ban ngành của tỉnh, UBND các huyện và cộng đồng địa phương trong khu vực cũng phân tích về tính khả thi của dự án, những vấn đề cần bổ sung để dự án quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học triển khai có hiệu quả. Qua đó có thể đánh giá một cách tổng thể, khách quan đối với dự thảo báo cáo, đảm bảo chính xách của thông tin về các điều kiện phục vụ lập quy hoạch đa dạng sinh học và chất lượng nội dung Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh.

Các đại biểu tham khảo các phương án trong dự thảo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk
Các đại biểu tham khảo các phương án trong dự thảo quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học tỉnh Đắk Lắk

Theo TS Lê Trần Chấn - Giám đốc Trung tâm Đa dạng và An toàn sinh học, kiêm cán bộ Trung tâm Địa môi trường và Tổ chức lãnh thổ Việt Nam - đơn vị tư vấn trực tiếp cho tỉnh Đắk Lắk, cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng đang phải đối mặt với vấn đề kinh tế mà giữa vấn đề bảo tồn và phát triển kinh tế. “Bài toán này, nếu không tính toán một cách đầy đủ, chính xác thì rất có thể dẫn đến là không còn gì để mà bảo tồn. Hiện chúng tôi đã hoàn thành được việc đã đề xuất ra những khu vực, hệ sinh thái cần phải bảo tồn của tỉnh Đắk Lắk. Tiếp đó, chúng tôi cũng xác định được đối tượng bảo tồn là các thành phần loài của hệ sinh vật quý hiếm, có ý nghĩ và giá trị về mặt kinh tế lẫn khoa học của địa phương. Qua hội thảo, các ý kiến đóng góp của các chuyên gia và lãnh đạo các ngành, địa phương, khu vực liên quan đến dự án… chúng tôi sẽ hoàn chỉnh và chắc chắn là sự đóng góp rất tốt cho việc bảo tồn đa dạng sinh học của tỉnh Đắk Lắk” - TS. Chấn bày tỏ.

Lê Phước

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Lắk: Đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO