Theo người dân địa phương, từ năm 2013, khi cây cầu bắt đầu xây dựng, tình trạng phế thải tập kết vô tội vạ tại khu vực này diễn ra. Đến nay, sự việc ngày một trầm trọng hơn. "Các cơ quan chức năng treo bảng cấm đổ rác ở đây nhưng không ai nghe. Cứ đêm đến là có người lén lút đổ trộm rác. Cứ ngày nay dọn sạch thì y như rằng ngày mai rác lại "mọc" ra như núi...", một người dân nói.
Ông Nguyễn Bảo Hưng (Tổ trưởng Tổ 1, phường Hòa An) cho biết: Đây vốn là khu đất thuộc xưởng giấy phường An Khê (cũ), sau khi giải tỏa dự án nút giao thông ngã ba Huế, trở thành đất của phường Thanh Khê Tây và là khu đất trống sau giải tỏa. Đất là của thành phố quản lý, không thuộc trách nhiệm của phường nên không thể xử lý được, chính quyền phường đã ghi nhận và cũng đã gửi báo cáo lên cấp cao hơn để xem xét.
Theo ông Hưng, để hạn chế ô nhiễm, người dân trong tổ dân phố tự kêu gọi, vận động và tổ chức dọn dẹp nhưng cũng chỉ có cách đốt, và cào dồn rác vào một chỗ. Số lượng rác quá nhiều, mỗi lần đốt thì khói bốc nghi ngút, mà rác thì toàn bao ni lông, xác động vật...
“Người dân chỉ biết mong là ở cấp trên sớm có biện pháp giải quyết, để tình trạng này không kéo dài thêm nữa. Giúp người dân sống ở đây bớt lo lắng, cũng như để làm đẹp cảnh quan, không làm ô nhiễm môi trường thêm nữa vì thành phố chúng ta đang xây dựng một thành phố trong lành, sạch đẹp” - ông Hưng mong mỏi.
Cách cây cầu ngàn tỷ này không xa, đường Nguyễn Xí, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, những ngọn đồi phế thải án ngữ 2 bên đường hiện nay không thua kém. Theo tìm hiểu của chúng tôi, do khu vực này dân cư sinh sống thưa thớt nên lợi dụng đêm hôm khuya khoắt, những kẻ vô ý thức đã dùng xe vận chuyển hàng tấn phế thải về đây tập kết. Hậu quả là cả một tuyến đường dài hơn 300m ngập ngụa trong rác, hôi thối, mất mỹ quan đô thị và ô nhiễm.
Một vị trí khác ở ngay vị trí trung tâm là cuối đường Điện Biên Phủ - Hải Phòng, quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Từ lâu nay, người dân vô tư tập kết, đổ đống rác thải sinh hoạt khiến khu vực này luôn trong tình trạng hôi thối, nhếch nhác.
Tiếp nữa là tại khu dân cư Hải Hạc 1, 2 và 3, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, tình trạng ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị bởi các núi rác thải chất đống trên tuyến đường Ông Ích Khiêm. Thậm chí, ở khu vực này, ngay trước cổng trụ sở làm việc của liên hiệp các Tổ chức Hữu nghị TP. Đà Nẵng (số 522 - Ông Ích Khiêm) là một bãi rác tự phát tồn tại đã lâu, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Mặc dù có biển báo chỉ được đổ rác theo giờ quy định người dân vẫn vô tư đổ rác, chở rác đến vứt.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Tiên - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng cho biết, về mặt nhà nước không quản được những người đổ xà bần, thành ra họ cứ tìm thấy chỗ nào đất trống và khuất tầm nhìn là họ cứ đổ thành đống. Cũng theo ông Tiên, một bất cập đang tồn tại là, việc quản lý những khu vực đó lại thuộc về chính quyền địa phương, nên phía công ty môi trường đô thị không quản lý được và cũng không có trách nhiệm với nó.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu được biết, hiện hầu hết tại các UBND phường, lực lượng để cắm chốt và theo dõi, quản lý viêc đổ xà bần, rác thải sinh hoạt… là rất mỏng, không kiểm soát hết toàn tuyến. Vậy nên việc đổ xà bần, rác thải sinh hoạt… vẫn tràn lan, gây ô nhiễm môi trường tại nhiều khu dân cư.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Tiên cho biết thêm, vấn đề rác thải là vấn đề sinh tử của công ty CP Môi trường Đô thị Đà Nẵng. Sắp tới, theo quy định của UBND TP. Đà Nẵng, trong lĩnh vực thu gom rác thải, quét dọn vệ sinh môi trường trong thành phố và vệ sinh môi trường ven biển… tất cả đều thông qua đấu thầu. Khi đó Công ty CP Môi trường Đô thị cũng là một đơn vị tham gia đấu thầu.