Đã có cách "cứu" Hồ Tây

06/10/2016 00:00

UBND TP Hà Nội vừa cho sử dụng 5,4 tấn chế phẩm Redoxy-3C giúp làm sạch hồ Tây. Kết quả kiểm tra ban đầu cho thấy, nồng độ oxy hòa tan và các thông số thủy lý hóa khác đạt kết quả khả quan.

Nồng độ oxy bình thường trở lại

Trong những ngày vừa qua, UBND TP Hà Nội đã sử dụng 5,4 tấn chế phẩm Redoxy-3C do Công ty Watch Water (Đức) sản xuất, để làm sạch nước hồ Tây, nhanh chóng khắc phục tình trạng ô nhiễm trầm trọng tại đây.

Kết quả xét nghiệm mẫu nước ngày 3/10 cho thấy, toàn bộ nước mặt của hồ Tây có mức oxy hòa tan bằng 0; tỷ lệ amoni tăng 20mg/lít, gấp 24 lần so với quy chuẩn.

Sau khi phun rải Redoxy-3C, sáng 4/10, nồng độ oxy hòa tan đã lên 2,8mg/lít. Đến chiều 4/10, nồng độ oxy hòa tan trung bình đạt 8-10mg/lít, trong khi tiêu chuẩn 4mg/lít là đạt yêu cầu.

Như vậy, nồng độ oxy hòa tan tại Hồ Tây đã bình thường trở lại, các thông số thủy lý hóa khác cũng không vượt ngưỡng, cũng không giảm quá mức để các loài sinh vật thủy sinh sinh trưởng nhưng lại có hiệu quả làm giảm mật độ thực vật nổi gây ô nhiễm (hiện tượng tảo nở hoa).

Hình ảnh cá chết do thiếu oxy tại Hồ Tây sáng 2/10
Hình ảnh cá chết do thiếu oxy tại Hồ Tây sáng 2/10

Trước đó, hồi đầu tháng 8, chế phẩm Redoxy- 3C đã được thử nghiệm thành công tại các hồ Hà Nội gồm: Hồ Giáp Bát, hồ Hố Mẻ, hồ Ba Mẫu. Sau khi thử nghiệm thành công, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã chỉ đạo tiếp tục sử dụng chế phẩm này xử lý các hồ trong khuôn viên di tích Quốc Tử Giám và nhân rộng xử lý ô nhiễm các ao, hồ trên địa bàn thành phố. Trước xử lý, nước hồ Đống Đa, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, Giảng Võ… đều bị ô nhiễm hữu cơ nhẹ, một số chỉ tiêu cao hơn tiêu chuẩn cho phép đối với nước mặt. Riêng hồ Đống Đa, ngoài ô nhiễm hữu cơ còn bị ô nhiễm amoni, photphat… Theo PGS.TS Lê Thu Hà, giảng viên Khoa Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, một chuyên gia chương trình thử nghiệm xử lý ô nhiễm nước hồ Hà Nội, sau 5 ngày sử dụng chế phẩm Redoxy-3C, cảm quan nước hồ trong, không có mùi. Các sinh vật thủy sinh phát triển bình thường. Thông số nước mặt của các hồ đã về ngưỡng cho phép, hàm lượng amoni và photphat giảm dần theo thời gian.

 Đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết, Công ty và Tổ công tác của TP Hà Nội đang chuẩn bị đánh giá hiệu quả của quá trình thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C. Sau đó, Tổ công tác sẽ tham mưu cho UBND TP Hà Nội nhân rộng sử dụng chế phẩm này nhằm xử lý ô nhiễm các ao, hồ trên địa bàn Hà Nội.

Phải giải quyết tận gốc

Việc sử dụng chết phẩm Redoxy-3C tuy được đánh giá là khả quan nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực cho rằng, đây chưa phải là biện pháp tận gốc.

Cụ thể, theo PGS Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội Kinh tế Môi trường VN, Chủ tịch CLB Hồ Hà Nội, đây là việc làm hết sức cần thiết bởi chế phẩm này bù đắp, cung cấp ngay o xy trở lại để làm sao những cá còn sống không bị chết tiếp.

“Nhưng với diện tích lên tới gần 500ha mặt nước, tôi e rằng mình không thể nào dùng chế phẩm để xử lý tận gốc vấn đề. Thay vào đó, Hà Nội cần những giải pháp hết sức tổng thể” ông Tiến nhấn mạnh.

Theo ông Tiến, trước hết về mặt quản lý nhà nước, chính quyền thành phố, các quận huyện và đặc biệt là Quận Tây Hồ (nơi có Hồ Tây đang xảy ra hiện tượng cá chết hàng loạt) phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ, quản lý và sử dụng.

Để làm được việc này, cần phải có sự phân công rạch ròi cho các đơn vị quản lý hồ để đảm bảo việc các hồ “có chủ” chịu trách nhiệm ở đó chứ không như cách người ta nói đùa “cha chung không ai khóc”. Đặc biệt, cần phải có những cơ chế xử phạt đơn vị cố tình vi phạm.

“Đồng thời, dùng các biện pháp khoa học công nghệ, có những chế phẩm như Hà Nội đang thử nghiệm để khắc phục tình trạng này. Kể cả việc nạo vét, xử lý bùn đáy chứ không đơn thuần xử lý nước”, PGS Mạnh Tiến nhấn mạnh.

Về phía Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, đơn vị này cho biết, hướng tới mục tiêu Thủ đô Hà Nội sẽ đẹp hơn, với nhiều hồ nước trong sạch, giảm ô nhiễm, giảm bệnh tật do muỗi, vi rút trong các khu vực nước tự nhiên gây ra, Công ty sẽ tiếp tục thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Xây dựng và mở rộng xử lý ô nhiễm hồ bằng chế phẩm này.

Bên cạnh đó, Công ty sẽ duy trì tình trạng hồ sau xử lý ô nhiễm, vệ sinh vớt rác trên hồ, xung quanh hồ và bổ sung chế phẩm theo định kỳ; bổ sung thêm bè thủy sinh và lắp đặt các máy sục oxy, vừa tạo cảnh quan, hệ sinh thái hoàn chỉnh vừa làm tăng khả năng tự làm sạch của hồ.

Theo báo DĐDN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đã có cách "cứu" Hồ Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO