Con người đang làm thiên nhiên “quá tải”!

03/10/2014 00:00

(TN&MT) - Đây là thông tin vừa được đưa ra trong bản Báo cáo Hành tinh sống 2014 mới nhất của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF).

(TN&MT) - Đây là thông tin vừa được đưa ra trong bản Báo cáo Hành tinh sống 2014 mới nhất của Quỹ Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (WWF).
   
Suy giảm ĐDSH gia tăng
   
  Theo báo cáo, số lượng quần thể của các loài cá, chim, động vật có vú, các loài lưỡng cư và bò sát đã giảm 52% trong vòng 40 năm qua. Tốc độ suy giảm đa dạng sinh học của toàn khu vực châu Á Thái Bình Dương chỉ đứng sau châu Mỹ La-tinh trong cùng giai đoạn.
   
  So với Báo cáo Sức sống Hành tinh 2012 cũng đánh giá mức độ đa dạng sinh thái và số lượng các loài sinh vật trên toàn cầu được biết đa dạng sinh thái toàn cầu hiện tại đã giảm trung bình 30% kể từ những năm 1970. Điều này đồng nghĩa với sự suy giảm về số lượng của các loài động vật, thực vật và các tổ chức sống khác trên Trái Đất qua các năm đang ngày càng tăng cao.
   
Tê giác là loài bị săn bắt nhiều nhất do nhu cầu của con người
   
  Theo Tiến sĩ Colby Loucks, giám đốc khoa học bảo tồn của WWF, cho biết số loài sinh vật nhiệt đới đã giảm 60%trong vòng 40 năm qua. Trong đó, số lượng những loài sinh vật nhiệt đới nước ngọt suy giảm mạnh nhất, lên tới 70% trong cùng thời kỳ. Trong thời kỳ từ1970 đến 2008, số lượng sinh vật trên cạn giảm 25% và số lượng sinh vật biển giảm 20%.
   
  Những mối đe doạ toàn cầu lớn nhất được ghi nhận đối với đa dạng sinh học đó là suy thoái và mất sinh cảnh, đánh bắt thuỷ sản thiếu bền vững, săn bắt trái phép và biến đổi khí hậu. Trong hàng ngàn loài được theo dõi trong báo cáo, quần thể của chúng suy giảm 56% tại các khu vực nhiệt đới, trong khi đó con số này là 36% tại các vùng ôn đới.
   
  Còn tại Việt Nam, sự suy giảm ĐDSH cũng đang ở mức báo động khi giai đoạn 2001-2010, vẫn bị đánh giá là giai đoạn tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, kém hiệu quả và thiếu bền vững. Nguyên nhân chính là do sự tàn phá của con người và sự biến đổi phức tạp, khó lường của khí hậu.
   
  Cụ thể, tính đến năm 2012, diện tích rừng nguyên sinh, rừng nhiều tầng (3-7 tầng) bị giảm sút trầm trọng, chỉ còn 0,57 triệu ha, chủ yếu tập trung ở các khu rừng phòng hộ và trong các khu bảo tồn.
   
  Theo danh sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), nếu như năm 1996 mới chỉ có 25 loài động vật của Việt Nam ở mức nguy cấp thì đến năm 2010, con số này đã lên tới 47. Nhiều loài được đánh giá bị đe dọa không cao trên quy mô toàn cầu nhưng lại bị đe dọa ở mức báo động tại Việt Nam như hạc cổ trắng, voọc, cu li…
   
“Dấu chân sinh thái” tiếp tục tăng
   
  Tại Báo cáo Hành tinh sống 2014 cũng cho thấy “Dấu chân sinh thái” – chỉ số về nhu cầu của con người đối với thiên nhiên – tiếp tục tăng cao. Lý giải về điều này báo cáo chỉ ra rằng trong khi đa dạng sinh học suy giảm, dân số và tỉ lệ tiêu thụ trên đầu người tại châu Á lại gia tăng khiến cho Dấu chân Sinh thái của khu vực vì thế cũng gia tăng.
   
  Trên thế giới, nhu cầu của con người vượt quá 50% khả năng thiên nhiên có thể tái tạo, điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ cần 1.5 Trái Đất để sản xuất ra các nguồn nguyên liệu cần thiết nhằm đáp ứng Dấu chân Sinh thái hiện tại. Dấu chân sinh thái trung bình của một người dân Việt Nam dường như chưa quá cao so với các nước phát triển (Theo Báo cáo, nếu sống như lối sống hiện tại trung bình của người dân Việt Nam, con người sẽ cần 0.9 Trái Đất để đảm bảo nhu cầu về tài nguyên của mình). Tuy nhiên, dấu chân sinh thái của Việt Nam đã tăng lên đáng kể trong những năm gần đây, từ 1,0 gha/đầu người năm 2000 tới 1,4 gha/đầu người năm 2012 và 1,62 gha/đầu người năm 2014. (Gha là chỉ số đo lường dấu chân sinh thái). Sự khác biệt giữa dấu ấn sinh thái của các nước giàu và của các nước nghèo vẫn còn rất lớn. Báo cáo cho thấy những dấu ấn sinh thái của các nước giàu là năm lần cao hơn so với ở các nước nghèo. 10 quốc gia có dấu ấn sinh thái cao nhất trên đầu người là Qatar, Kuwait, UAE, Đan Mạch, Hoa Kỳ, Bỉ, Úc, Canada, Hà Lan và Ireland. Xu hướng này chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lên điều đó sẽ càng gia tăng “áp lực” về nhu cầu của con người đối với thiên nhiên. Chính vì vậy, gỡ bỏ mối quan hệ giữa dấu chân sinh thái và phát triển là ưu tiên hàng đầu được nêu ra trong Hành tinh sống 2014.
   
  Để giảm Dấu chân Sinh thái và phục hồi những mất mát đa dạng sinh học chính phủ nhiều quốc gia đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm hỗ trợ việc lắp các thiết bị năng lượng mặt trời trên các mái nhà dân sinh và doanh nghiệp. Thành phố cũng đưa ra các biện pháp nhằm thúc đẩy nông nghiệp đô thị. Sáng kiến “Ngày không lái xe” ô tô một ngày trong tuần của thành phố Seoul, Hàn Quốc cũng đang là giải pháp nhằm cắt giảm phát thải khí nhà kính, nâng cao chất lượng không khí và giảm tắc nghẽn giao thông.
   
  Những giải pháp sáng tạo đối với những vấn đề môi trường tự nhiên tại các thành phố châu Á đã thực sự mang lại hiệu quả nhằm giảm thiểu sự mất cân bằng sinh thái giữa con người với thiên nhiên.

Hành tinh sống 2014 là phiên bản thứ mười của báo cáo quan trọng được phát hành hai năm một lần của WWF. Thông qua Chỉ số Hành tinh sống – một cơ sở dữ liệu được quản lý bởi Hiệp hội Động vật học London báo cáo đã phản ánh tình trạng của hơn 10.000 loài động vật có xương sống từ năm 1970 tới 2010. Báo cáo này do phi hành gia người Hà Lan Andre Kuipers khởi xướng khi bay trên Trạm Không gian Quốc tế (ISS) vòng quanh trái đất và được công bố cứ hai năm một lần.
Nguyễn Cường
   
   
   
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Con người đang làm thiên nhiên “quá tải”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO