Doanh nghiệp - doanh nhân

Cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp ngành chế tạo Việt Nam

Tiến Trung 18/09/2024 - 09:36

Triển lãm FBC ASEAN 2024 sắp tới sẽ mở ra cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam kết nối với các đối tác quốc tế.

Hội nhập kinh tế toàn cầu và khu vực đang diễn ra mạnh mẽ, ngành công nghiệp chế tạo Việt Nam đã và đang khẳng định vị thế quan trọng trên bản đồ kinh tế thế giới, ngày càng thu hút sự chú ý của các nhà đầu tư quốc tế.

1(2).jpg
Phiên kết nối giữa các doanh nghiệp ngành chế tạo trong và ngoài nước tại FBC ASEAN lần trước

Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam đang hoạt động dưới hình thức gia công OEM, tập trung vào sản xuất linh kiện và chi tiết đơn lẻ cho các tập đoàn đa quốc gia.

Việc này giúp các doanh nghiệp có thể tiếp cận với thị trường quốc tế, tạo việc làm và duy trì hoạt động sản xuất nhưng việc chỉ dừng lại ở gia công linh kiện khiến cho các doanh nghiệp khó có thể tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu và tạo ra giá trị gia tăng cao hơn.

Chính sự thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước cùng hạn chế trong hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) đã làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Các chuyên gia đều có chung nhận định, để nâng cao vị thế của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo Việt Nam cần phải chuyển đổi từ việc chỉ sản xuất linh kiện đơn lẻ sang sản xuất các cụm chi tiết phức hợp và tiến tới sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam cần tăng cường sự hợp tác và liên kết chặt chẽ với nhau. Điều này không chỉ giúp tối ưu hóa nguồn lực sản xuất, mà còn tạo ra những sản phẩm có chất lượng cao hơn, đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của các ngành công nghiệp như bán dẫn, hàng không vũ trụ và ô tô điện.

Đặc biệt, việc đẩy R&D sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực kỹ thuật, làm chủ công nghệ và tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn.

2(3).jpg
Triển lãm là cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp chế tạo Việt Nam kết nối với các đối tác quốc tế

Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp cải thiện khả năng cạnh tranh mà còn góp phần xây dựng một hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ bền vững, đáp ứng yêu cầu của thị trường toàn cầu.

Bên cạnh việc hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước, việc mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng

Triển lãm FBC ASEAN 2024 diễn ra từ ngày 18/9-20/9 tại Hà Nội chính là một cơ hội quan trọng để các doanh nghiệp sản xuất chế tạo tại Việt Nam kết nối và thiết lập các mối quan hệ hợp tác với các đối tác quốc tế.

Sự tham gia của nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Đức, Italia và các quốc gia khác hứa hẹn FBC ASEAN 2024 sẽ là nơi hội tụ và giao thương hiệu quả, tạo tiền đề cho việc hình thành các "mạng lưới cung ứng" theo nhóm ngành và địa phương​.

Tại triển lãm cũng sẽ diễn ra nhiều hoạt động như hội thảo, tọa đàm với nhiều chủ đề như: Hành trình chuyển đổi xanh nhà máy hướng tới đáp ứng tiêu chuẩn ESG và phát triển bền vững; tham gia chuỗi giá trị ngành hàng không, bán dẫn, xu hướng ngành xe điện, hợp tác phát triển Việt Nam - Nhật Bản, Đức, Pháp, Italia…

Đáng chú ý, Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam VASI đăng cai tổ chức Cuộc thi “Con quay đại chiến VASI 2024 - Komataisen” với mong muốn sẽ trở thành hoạt động thường niên, giúp gắn kết các doanh nghiệp cơ khí chế tạo Việt Nam, đồng thời thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng đối với ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước.

Thông qua các hoạt động này, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm đối tác, mở rộng mạng lưới liên kết và xây dựng chiến lược phát triển bền vững trong tương lai.

Triển lãm này cũng được kỳ vọng sẽ là điểm chạm kết nối quan trọng, giúp các doanh nghiệp tìm kiếm cơ hội hợp tác và mở rộng thị trường, không chỉ đối với các doanh nghiệp có nhà máy sản xuất, mà các doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghiệp cũng sẽ tìm thấy các cơ hội kết nối kinh doanh hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội hợp tác cho các doanh nghiệp ngành chế tạo Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO