Chủ tich Đà Nẵng: Xử lý nước thải là khâu then chốt để giải quyết ô nhiễm

09/10/2017 00:00

(TN&MT) - Chiều nay (9/10), Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi làm việc với các sở, ngành liên quan để nghe báo cáo quy hoạch hệ thống thoát nước và đề xuất đầu tư các trạm xử lý nước thải (XLNT) trên địa bàn TP. Đà Nẵng. Được biết, thời gian gần đây,dư luận ở Đà Nẵng đã lên tiếng về việc hệ thống xử lý nước thải tại đây đã quá cũ, quá tải và đã để lộ quá nhiều bất cập, gây ô nhiễm môi trường.

Tại buổi làm việc, các sở, ngành liên quan đã báo cáo thực trạng tình hình xử lý nước thải tại các trạm XLNT Phú Lộc, Hòa Xuân, Ngũ Hành Sơn. Đối với trạm XLNT Phú Lộc, trong dự án nâng cấp, cải tạo giai đoạn 1 được UBND thành phố phê duyệt với tổng mức đầu tư 137,1 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách thành phố, quy mô xử lý nước thải là 40.000m 3, ngày/đêm, sử dụng công nghệ hiếu khí theo mẻ (SBR), chất lượng nước thải đầu ra đạt loại A theo Quy chuẩn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Dự án đã được đưa vào vận hành từ tháng 9/2016, nhà thầu thực hiện là Công ty Cổ phần kỹ thuật Seen. Sau khi dự án hoàn thành và đưa vào vận hành, đã giải quyết được tình trạng ô nhiễm trong khu vực, đặc biệt là giải quyết mùi hôi khu vực xung quanh cầu Phú Lộc, đảm bảo môi trường sống và sức khỏe cho nhân dân.

Tại khu vực ven biển phía đông (khu vực biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nước thải chảy tràn ra biển tại các cửa xả cạnh khu vực bãi tắm du lịch
Tại khu vực ven biển phía đông (khu vực biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nước thải chảy tràn ra biển tại các cửa xả cạnh khu vực bãi tắm du lịch

Tuy nhiên, theo quy hoạch thoát nước thải tại các lưu vực lân cận để đưa về trạm XLNT Phú Lộc dự kiến đến năm 2018, ngoài 4 trạm bơm đang khai thác gồm SPS21 – dọc đường Nguyễn Tất Thành; HTN2 – hồ Hòa Phú; SPS2 – dọc sông Phú Lộc; LC3- kênh Hòa Minh thì còn có 2 trạm bơm dự kiến sẽ vận hành để đưa nước thải về Trạm Phú Lộc là PS1 - dọc kênh Yên Thế - Bắc Sơn và PS2 - dọc kênh Đa Cô. Tổng lưu lượng dự kiến về Trạm xử lý nước thải Phú Lộc khi đấu nối 2 trạm bơm này tăng thêm khoảng 26.000m3 ngày/đêm; tổng lưu lượng xử lý đạt 66.200m3 ngày/đêm khiến trạm XLNT Phú Lộc bị quá tải.

Chính vì vậy, theo đề xuất của Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, thì cần phải nâng cấp thêm 40.000m3 ngày/đêm. Sau khi nghe các sở, ngành liên quan bàn bạc, đưa ra dự báo tình trạng thu gom, xử lý nước thải tại lưu vực này, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thống nhất chủ trương, nâng cấp nhà máy xử lý nước thải Phú Lộc trong giai đoạn tiếp theo thêm 65.000m3 ngày/đêm.

Đối với trạm XLNT Ngũ Hành Sơn, công suất thiết kế là 11.000m3 ngày/đêm. Tuy nhiên, lưu lượng nước thải trạm tiếp nhận xử lý hiện nay ở mức 19.000m3-20.000m3 ngày/đêm, vượt công suất. Trong khi đó, công nghệ xử lý nước thải chủ yếu là công nghệ sinh học kỵ khí, nên nước thải sau khi xử lý không đạt quy chuẩn, đồng thời kéo theo bùn từ các bể của trạm đang bị tường kè chắn ngăn lại, nước tù đọng gây hôi, ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước và môi trường sống của người dân quanh khu vực.

Do đó, việc nâng cấp trạm xử lý nước thải này là một việc làm cấp bách. Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đồng ý nâng cấp trong giai đoạn 2 đối với trạm XLNT Ngũ Hành Sơn thêm 20.000m3 ngày/đêm.

Đối với trạm XLNT Hòa Xuân, trong giai đoạn 1 đã đầu tư xây dựng ½ modul từ dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng cưu tiên với công suất 20.000m3 ngày/đêm, hiện nay đang vận hành xử lý hết công suất (trong đó có 17.000m3 nước thải từ trạm XLNT Hòa Cường chuyển về).

Tuyến kênh Đa Cô chảy vào hồ Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) đang bị ô nhiễm do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải
Tuyến kênh Đa Cô chảy vào hồ Trung Nghĩa (quận Liên Chiểu) đang bị ô nhiễm do chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải

Hiện nay, dự án phát triển bền vững đang triển khai thi công, nâng cấp trạm XLNT Hòa Xuân giai đoạn 2 với công suất 40.000m3 ngày/đêm. Tuy nhiên, trong tầm nhìn quy hoạch từ năm 2020-2030 thì lưu lượng nước thải lên đến hàng trăm nghìn mét khối, nên việc tiếp tục đầu tư, nâng cấp cũng là một trong những giải pháp phải làm. Trước tình hình này, Chủ tịch UBND thành phố thống nhất tiếp tục đầu tư, nâng cấp trạm XLNT Hòa Xuân thêm 65.000m3 ngày/đêm trong giai đoạn tiếp theo…

Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, vấn đề xử lý nước thải là một trong những khâu quan trọng để giải quyết ô nhiễm môi trường, cần phải làm ngay, không để người dân bức xúc. Do đó, đề nghị Sở Xây dựng nghiên cứu tổng thể, nhanh chóng lập phương án, phê duyệt, tiến hành đưa ra đấu thầu trước ngày 31/10/2017. Trong đó, ưu tiên làm nhanh đối với Trạm Xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn, bởi hiện nay Trạm đã quá tải, không đáp ứng được việc thu gom, xử lý toàn bộ lưu vực nước thải Ngũ Hành Sơn, khiến nước thải tràn ra biển gây ô nhiễm môi trường.

Trước đó, như Báo Điện tử TN&MT đã pahnr ánh, tình trạng nước thải tràn ra biển Đà Nẵng gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến du lịch biển đang là mối lo ngại của người dân và cả chính quyền Đà Nẵng. Nguyên nhân chính là hạ tầng xuống cấp, cùng với quá nhiều nhà hàng, khách sạn xả thải ra hệ thống cống dẫn đến sốc tải so với thiết kế.

Theo Sở TN&MT Đà Nẵng, nguyên nhân của việc trên là do hệ thống thoát nước hiện nay của thành phố chủ yếu là hệ thống thoát nước chung nên nước thải phát sinh từ các hoạt động dân sinh được thải vào hệ thống với một lượng đáng kể chất ô nhiễm hữu cơ và vô cơ. Các chất gây ô nhiễm thường giữ lại trong hệ thống thoát nước với thời gian tương đối dài trước khi được chuyển về trạm xử lý nước thải tập trung thông qua hệ thống các cơ cấu tách dòng (CSO). Các CSO tập trung lượng lớn nước thải kèm theo quá trình xáo trộn mạnh tại các vị trí này dẫn đến hiện tượng mùi hôi thường xuyên phát sinh ở các cửa xả.

Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, vấn đề xử lý nước thải là một trong những khâu quan trọng để giải quyết ô nhiễm môi trường, cần phải làm ngay, không để người dân bức xúc
Theo Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ, vấn đề xử lý nước thải là một trong những khâu quan trọng để giải quyết ô nhiễm môi trường, cần phải làm ngay, không để người dân bức xúc

Tại khu vực ven biển phía đông (khu vực biển Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn), vấn đề bức xúc nhất hiện nay là tình trạng nước thải chảy tràn ra biển tại các cửa xả cạnh khu vực bãi tắm du lịch. Theo Công ty Thoát nước và xử lý nước thải, nguyên nhân chính do hệ thống máy bơm của 5 trạm bơm (SPS1, SPS2, SPS3, SPS4, SPS34) đã vận hành được gần 10 năm trong điều kiện bất lợi (nước biển, nước thải) nên bị xuống cấp, hiệu suất bơm giảm, tình trạng hư hỏng thường xuyên xuất hiện làm gián đoạn công tác thu gom nước thải.

Việc phát triển hạ tầng nhanh chóng của khu vực ven biển phía đông dẫn đến lượng nước thải phát sinh tăng lên nhanh chóng, đặc biệt trong mùa du lịch, lễ hội. Theo thiết kế tại mỗi trạm bơm, các máy bơm sẽ luân phiên hoạt động và luôn có một máy bơm dự phòng. Nhưng do lưu lượng nước thải phát sinh quá lớn, toàn bộ các máy bơm hiện phải hoạt động 24/24 giờ vẫn không bảo đảm thu gom hết nước thải. Việc phải vận hành liên tục mà không có thiết bị dự phòng dễ dẫn đến sự cố và gây tràn nước thải ra biển tại các cửa xả...

Bài & ảnh: Xuân Lam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tich Đà Nẵng: Xử lý nước thải là khâu then chốt để giải quyết ô nhiễm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO