Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn 2025 - 2050: Kiểm soát ô nhiễm bằng công nghệ hiện đại

14/12/2017 00:00

(TN&MT) - Nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định góp phần đáp ứng được yêu cầu quản lý chất thải trong tình hình mới, vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự...

(TN&MT) - Nhằm sửa đổi, bổ sung các quy định góp phần đáp ứng được yêu cầu quản lý chất thải trong tình hình mới, vừa qua, Bộ TN&MT đã tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Bãi chất thải rắn tại KCN Tiền Hải, Thái Bình
Bãi chất thải rắn tại KCN Tiền Hải, Thái Bình
Quản lý rác thải sinh hoạt sẽ chia làm 3 nhóm đối tượng
 
Ngày 17/12/2009, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050.
 
Quản lý tổng hợp chất thải rắn là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó Nhà nước có vai trò chủ đạo, đẩy mạnh xã hội hóa, huy động tối đa mọi nguồn lực, được thực hiện liên vùng, liên ngành, đảm bảo sự tối ưu về kinh tế, kỹ thuật, an toàn về xã hội và môi trường, gắn với các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển khác.
 
Theo Chiến lược, đến năm 2020, tất cả các loại chất thải rắn phát sinh đều được thu gom, tái sử dụng, tái chế và xử lý triệt để bằng những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, hạn chế khối lượng chất thải rắn phải chôn lấp đến mức thấp nhất. Tuy vậy, sau 8 năm thực hiện, Chiến lược đã bộc lộ nhiều điểm hạn chế và khó hoàn thành một số mục tiêu.
 
Vì vậy, trong Chiến lược lần này quan điểm vẫn tiếp cận theo hướng quản lý tổng hợp song song khi chất thải phát sinh, phân loại tại nguồn, thu gom, tái chế, tái sử dụng rồi mới đến xử lý triệt để. Bên cạnh đó, sẽ xem xét xử lý chất thải phù hợp với từng vùng miền, địa phương; có chế tài đối với các doanh nghiệp xử lý chất thải... 
 
Cục trưởng Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường Nguyễn Thượng Hiền cho biết: Chiến lược có điều chỉnh theo hướng rác thải sinh hoạt sẽ chia làm 3 nhóm đối tượng và tiến tới chi trả bằng giá thay cho phí như hiện nay. Quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia sẽ tích hợp thêm dựa trên quy hoạch quản lý chất thải rắn.
 
Bên cạnh đó, dự thảo chiến lược đề ra giải pháp trong quản lý chất thải là không khuyến khích xử lý rác thải tại cơ sở phát sinh chất thải nguy hại, chôn lấp; ưu tiên các công nghệ xử lý chất thải thân thiện với môi trường; hướng tới xây dựng quy trình doanh nghiệp tự kiểm toán phát sinh chất thải. Riêng đối với chất thải từ các hoạt động khai thác khoáng sản cần được đưa vào quản lý đặc biệt.
 
Tập trung điều chỉnh nhiều vấn đề phát sinh
 
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết, Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn có nhiều vấn đề phát sinh trong quản lý chất thải phải tập trung điều chỉnh. Trong đó, cần xem xét trên cơ sở nhận thức chất thải cũng là tài nguyên và tiếp cận công nghệ xử lý mới. Đồng thời, phải đáp ứng yêu cầu về huy động nguồn lực, tiệm cận với các quy chuẩn thế giới, đảm bảo an toàn, chất lượng cuộc sống cho người dân...
 
Bàn về giải pháp thực hiện, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông cho rằng, mọi giải pháp cho Chiến lược nên đi từ công nghệ, phải tìm được công nghệ hợp lý và tiếp cận ngay. Hiện nay, rác thải đô thị cũng chưa có công nghệ xử lý đảm bảo chuẩn không ảnh hưởng đến môi trường nên cần tập trung số ít công nghệ để dễ quản lý, xử lý khí thải phát sinh. Chiến lược nên bổ sung quy định khoảng cách mang chất thải đi xử lý đối với từng loại, tránh phát tán khí thải không cần thiết trong quá trình vận chuyển.
 
Dưới góc độ địa phương, Phó Giám đốc Sở TN&MT TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ kiến nghị bổ sung vào Chiến lược (điều chỉnh) việc cải tạo, phục hồi các bãi chôn lấp đã đóng cửa và phân loại chất thải rắn tại nguồn phù hợp với các công nghệ xử lý tương ứng; cần xem xét nghiên cứu cơ chế phối hợp cụ thể trong quản lý chất thải rắn giữa các địa phương giáp ranh, các ngành để tạo sự đồng bộ, phù hợp với quy hoạch xây dựng và các quy hoạch phát triển khác. 
 
Trước các ý kiến đóng góp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, quản lý tổng hợp chất thải rắn phải đồng bộ các khâu từ thu gom đến xử lý nhằm thống nhất nội dung, mục tiêu quản lý. Bộ trưởng nhấn mạnh: Đặc biệt, phải coi rác thải là một nguồn tài nguyên cần phải được khai thác, tái chế để mang lại lợi ích. Công nghệ xử lý phải bảo vệ các tài nguyên. Không thu hút đầu tư bằng mọi giá mà cần thẩm định kỹ lưỡng để lựa chọn đơn vị có công nghệ xử lý rác tiên tiến, phù hợp theo quy định. Cần tiếp cận lợi ích do việc xử lý rác mang lại bằng các tiếp cận các công nghệ mới, tiên tiến, tuy vậy, không cứng nhắc trong áp dụng công nghệ xử lý, các chỉ tiêu cần phù hợp với từng vùng miền, từng đơn vị cụ thể.
Vừa qua, thông tin từ Cổng Thông tin điện tử Bộ TN&MT cho biết, về việc hoàn thiện dự thảo này, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, thống nhất với Bộ TN&MT trình trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phê duyệt trong tháng 12/2017.
 
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu cần có sự phân công rõ nhiệm vụ của các cơ quan theo quy định của pháp luật hiện hành. Theo đó, Bộ TN&MT thống nhất quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, ban hành các quy chuẩn quốc gia về môi trường, hướng dẫn, kiểm tra, xử lý vi phạm môi trường; Bộ Xây dựng tổ chức lập và quản lý quy hoạch quản lý chất thải rắn, quản lý đầu tư xây dựng cơ sở xử lý và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đồng thời, làm rõ và cụ thể các chỉ tiêu liên quan đến thu gom và xử lý chất thải nguy hại, xác định các nguồn lực triển khai thực hiện điều chỉnh chiến lược bảo đảm phù hợp với thực tiễn.
 
Thái Bình
 
 
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược quốc gia quản lý tổng hợp chất thải rắn 2025 - 2050: Kiểm soát ô nhiễm bằng công nghệ hiện đại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO