Cần tập trung giải quyết việc thiếu đất cho đồng bào dân tộc
(TN&MT) - Thời gian qua, các chính sách của Đảng và Nhà nước về việc giao đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã thu được nhiều kết quả thiết thực, góp phần nâng cao đời sống đồng bào. Tuy nhiên, ở nhiều nơi nhiều địa phương, vẫn còn tình trạng đồng bào thiếu đất sản xuất chưa được giải quyết; việc giao đất cho đồng bào từ quỹ đất nông, lâm trường bàn giao về địa phương còn chậm.
Số liệu công bố năm 2009, toàn quốc có 2,3 triệu hécta rừng do UBND xã quản lý. Thế nhưng, sau gần một thập kỷ, con số này không giảm mà còn tăng thêm. Đến năm 2020, diện tích rừng do cấp xã “tạm quản lý” đã lên tới trên 2,9 triệu hécta, tương đương 13% tổng diện tích đất có rừng tại Việt Nam.
Theo số liệu công bố hiện trạng rừng, tính đến hết năm 2020, diện tích đất có rừng trên cả nước đạt xấp xỉ 14,7 triệu ha. Tuy nhiên, gần 3 triệu ha rừng và đất rừng vẫn chưa có chủ, đang được tạm quản lý, bảo vệ bởi các UBND xã. Trong khi đó, việc giao đất, giao rừng dậm chân tại chỗ suốt 10 năm qua, hàng nghìn hộ đồng bào DTTS và miền núi vẫn đang thiếu đất sản xuất.
Lý giải về vấn đề này, theo Cục Kiểm soát quản lý và sử dụng đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), hiện nay, phần lớn diện tích đang được các UBND xã quản lý là các diện tích đất do Nhà nước thu hồi đất và các công ty nông, lâm trường trả lại nhưng chưa giao đất, cho thuê đất cho các đối tượng cụ thể, chờ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập phương án quản lý, sử dụng.
Giám sát của Hội đồng Dân tộc vừa qua cho thấy, việc tiếp nhận và xây dựng phương án sử dụng quỹ đất bàn giao về địa phương còn chậm, thời gian kéo dài và lúng túng trong biện pháp xử lý. Đến nay, tỷ lệ đất được giao cho đồng bào DTTS, người dân địa phương thiếu đất ở, đất sản xuất còn đạt mức thấp (chỉ khoảng 15%); phần lớn trong số này là việc hợp thức hóa các diện tích đã được người dân sử dụng từ trước đây, hoặc đất cấp mới ở xa, đất xấu không thuận lợi cho việc sản xuất…
Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Nguyễn Lâm Thành cho rằng, để giải quyết các tồn tại nêu trên, thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành và địa phương thực hiện Nghị quyết số 112 của Quốc hội; trong đó tập trung sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước cần thu hồi diện tích đất mà các công ty nông, lâm nghiệp sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích bàn giao cho các địa phương để tạo quỹ đất quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; ưu tiên dành phần đất giao cho các hộ dân, đặc biệt là người DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất; cần tập trung giải quyết từ việc rà soát, sắp xếp, quy hoạch lại phương án sử dụng đất đai đồng bộ. Một số điểm có thể hình thành các điểm dân cư mới cho đồng bào định cư gắn với việc sắp xếp bố trí lại dân cư, bố trí sản xuất.
Tuy vậy, theo Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Nguyễn Lâm Thành, đối với đồng bào DTTS thiếu đất ở, đất sản xuất, đặc biệt là hộ nghèo, cộng đồng đang sinh sống tại vùng sâu, vùng xa, các khoản thuế, phí đăng ký và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định hiện đang ở mức cao. Do đó, đề xuất Nhà nước cần hỗ trợ kinh phí hoặc miễn giảm để giao đất cho các đối tượng này.
Theo Bộ TN&MT, đối với vấn đề người dân thiếu đất sản xuất (trong số đó, có những người đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp rồi nhưng chuyển nhượng, cầm cố, di cư tự do) cần có giải pháp tổng thể phù hợp với từng đối tượng, không thể chỉ nhìn ở vào góc độ đất đai. Vì vậy, cần có chính sách đào tạo chuyển đổi nghề nghiệp, dành quỹ đất chuyển giao về địa phương phát triển công nghiệp, dịch vụ để tạo được nhiều việc làm cho lao động và có thể giao đất cho các đối tượng chính sách, đối tương chưa được Nhà nước giao đất nông nghiệp lần nào.